Tiếng cười bất tử

100 năm đã trôi qua kể từ ngày Sác-li Sa-plin (Charlie Chaplin) lần đầu tiên xuất hiện với vai diễn bất hủ: gã lang thang Charlot, hay như chúng ta hay gọi là "hề Sác-lô", đúng vào năm mà Chiến tranh thế giới thứ Nhất nổ ra. Tiếng cười bật lên trong thời khắc tang tóc của nhân loại ấy đã sống đến tận ngày hôm nay, và vẫn còn nguyên giá trị.

Tiếng cười bất tử

Khởi đầu của sự bất tử

Năm 1964, trong cuốn tự truyện của mình, Sa-plin nhớ lại: "Tôi không hề có ý tưởng gì về tạo hình của nhân vật. Tuy nhiên, trên đường vào phòng thay đồ, tôi nghĩ rằng mình sẽ mặc một chiếc quần rộng thùng thình, đi một đôi giày lớn, cắp theo một cây gậy và đội mũ quả dưa. Tôi muốn mọi thứ phải thật mâu thuẫn: Quần thùng thình, nhưng áo khoác thì chật, mũ nhỏ còn giày thì quá khổ. Tôi chưa quyết định xem nhân vật ấy trẻ hay già, nhưng Xen-nét (Sennett, nhà sản xuất) muốn tôi trông đứng tuổi hơn, thế là tôi thêm vào một bộ ria mép nhỏ. Mặc quần áo xong là tôi cảm nhận được nhân vật. Tôi bắt đầu khám phá, để khi bước lên sân khấu, anh ta đã thật sự chào đời".

Sau đêm công chiếu bộ phim Kid Auto Races at Venice (ngày 9-2-1914) ấy, Sa-plin ngồi chung xe với một vài bạn diễn về nhà. Một người vỗ vai ông: "Chàng trai, cậu vừa bắt đầu một thứ ra trò đấy! Chưa ai biết đến kiểu chọc cười như thế trước đây đâu". 100 năm sau, những bộ phim của Sa-plin vẫn được chiếu đi chiếu lại trong các liên hoan phim. Giữa một thời đại đã trở nên hoài nghi và ngột ngạt hơn rất nhiều, tiếng cười vẫn cất lên, một cách rất tự nhiên: "Những khán giả trẻ tuổi là những người cười to nhất. Một lần, chúng tôi chiếu Easy Street (một bộ phim của Sa-plin ra mắt năm 1917), và một cậu bé năm tuổi đã cười ngặt nghoeo đến mức bổ chửng khỏi ghế của mình!" - C.Đa-ni-en (Chris Daniels), giám đốc Liên hoan phim hài Bristol, kể lại trên tờ Điện tín (Telegraph).

Nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh P. Kem (Philip Kemp) mô tả nghệ thuật gây cười trong nhân vật Sác-lô "là hỗn hợp của sự khéo léo, những cử chỉ hài hước mà vẫn sâu sắc, và liên kết chặt choe với tình huống gây cười". Khác với những bộ phim hài thông thường luôn cố đẩy diễn biến đi quá nhanh, "Sa-plin luôn bơm căng những tình huống có tiềm năng chọc cười bằng cách làm chậm nó lại, phát triển sự đồng cảm giữa khán giả và nhân vật, để rồi cho quả bóng ấy nổ tung bằng một cái gỡ nút thắt" - Kem phân tích.

Kỹ năng "chọc cười" cũng đã được Sa-plin đẩy lên một đẳng cấp khác. Khán giả cười không chỉ vì hành vi của Sác-lô, mà còn bởi thái độ của kẻ lang thang ấy đối với những điều xảy đến với mình. Điều hóm hỉnh đích thực không nằm ở việc Sác-lô đâm sầm vào một cái cây, mà ở hành động ngả mũ duyên dáng xin lỗi... cái cây. "Sự kỳ quặc ấy, và thái độ nghiêm trọng một cách rất tự nhiên khi thực hiện những hành động gây cười, là những yếu tố làm nên sự khác biệt trong những bộ phim hài của Sa-plin" - Đ.Ka-min (Dan Kamin), nghệ sĩ hài lừng danh - người dạy cách diễn những trường đoạn hài hước cho các siêu sao điện ảnh Rô-bớt Đao-ni (Robert Downey Jr) và Giôn-ny Đép (Johnny Depp) - nhận xét.

Từ câm lặng và nỗi đau

Đó là tiếng cười trong sự câm lặng. Sa-plin, một cách không giấu giếm, tự nhận rằng ông là một thiên tài và bậc thầy của phim câm. Nếu như ngôn ngữ được xem là một trong những phát minh lớn lao nhất của loài người, thì có loe Sa-plin là người duy nhất nhìn ra sự vô nghĩa của nó, trong một thời đại vật chất hóa và có quá ít những điều tử tế được diễn đạt bằng lời: "Ngôn từ rẻ lắm! Thứ to nhất mà bạn có thể nói là "con voi"!" - Saplin bảo thế. Với ông, "chọc cười" cho thiên hạ không chỉ là một sự mua vui phù du trong thoáng chốc, mà là phương tiện biểu đạt mang theo những trăn trở thật sự với cuộc đời, để ai cũng có thể hưởng ứng theo cách đơn giản nhất: Cười.

Nhưng Sa-plin diễn hài không chỉ để công chúng cười. Cười một cách đơn thuần, vô ưu là việc của những đứa trẻ, mặc dù những đứa trẻ mẫn cảm có loe cũng sẽ lờ mờ nhận ra những điều chất chứa đằng sau sự hoạt náo của kẻ lang thang Sác-lô, khi nhìn thấy Sa-plin ngồi tư lự chống cằm vào cây gậy và mặt bắt đầu chảy dài xuống, trong một nỗi đau như được chôn giấu và khỏa lấp bằng những tiếng cười không dứt. Đó là hình ảnh xuất hiện rất ít trong những thước phim của Sa-plin, nhưng đó mới chính là cái đích của tiếng cười, như chính ông từng bảo: "Để cười thật sự, anh phải lấy nỗi đau của mình ra và chơi đùa với nó!".

Sác-lô là nơi mà Sa-plin "chơi đùa với nỗi đau" của chính ông, đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ ly dị sớm, có một ông bố nghiện rượu không quan tâm con cái (ông mất năm Sa-plin mới 12 tuổi) và bà mẹ phải vào nhà thương điên. Sác-lô, một kẻ lang thang nghèo đói nhưng lúc nào cũng cố cư xử như một quý ông, là nhân vật nói lên quan điểm sống của Sa-plin: Dù anh có phải sống trong những giai tầng dưới đáy xã hội và thường xuyên bị đối xử tồi tệ, thì anh vẫn phải lạc quan, và vẫn phải là một con người có phẩm giá.

Sác-lô sống một cuộc đời lang bạt nay đây mai đó và chẳng cần điều gì cho bản thân, nhưng sẵn sàng đi thi đấm bốc để kiếm tiền chữa đôi mắt mù lòa cho người con gái anh ta yêu (phim Ánh sáng đô thị), chấp nhận vào tù nhận tội thay cho một cô gái nghèo cũng tứ cố vô thân như mình (phim Thời đại tân kỳ), luôn giễu nhại những tên trọc phú, song lại luôn hào hiệp với phụ nữ và trẻ em. Sác-lô là một sự phản kháng với xã hội công nghiệp kim tiền tàn nhẫn, một thời đại tân tiến nhưng làm con người trở nên lạc lõng và vô cảm, khi không thể đau cái đau của đồng loại.

Đó là một kẻ lang thang mà theo Sa-plin, bạn có thể gặp ở bất cứ đâu, khi ông đã khoác lên anh ta muôn vẻ của cuộc đời. Đó là một quý ông, một nhà thơ, một người mơ mộng, một kẻ cô đơn luôn tin vào những câu chuyện phiêu lưu lãng mạn... Anh ta cũng có thể tồn tại trong một nhà khoa học, một nhạc sĩ, một công tước, thậm chí một ca sĩ, hoặc đơn giản là một kẻ si tình. Sác-lô là tất cả, mà cũng chẳng phải rõ ràng một ai, ngoài một tiếng cười đã sống qua tròn thế kỷ. Một tiếng cười bất tử, để khi cười xong, người xem có thể giật mình trong đau đớn.

Sa-plin bảo: "Tôi thích đi dưới mưa, để không ai có thể nhìn thấy tôi khóc". Sác-lô là một nỗi đau rất đời, và cũng rất người, mà trong đó, ai cũng có thể tìm thấy một phần của chính mình.

Tiếng cười bất tử ảnh 1

"Chúng ta phải cười vào mặt chính mình vì sự bất lực trước hoàn cảnh, bằng không, tất cả đều hóa điên!" - Sa-plin giải thích tại sao phim hài của ông thường lấy những bối cảnh bi đát nhất.