Một thế hệ không chịu lùi bước

“Đừng để ai nói rằng: Bạn còn quá trẻ để tạo ra sự khác biệt!” - Melati Wijsen (sinh năm 2001) khẳng định điều ấy, thông qua những hoạt động vì môi trường mà cô cùng em gái là Isabel Wijsen (sinh năm 2003), bắt đầu thực hiện từ năm cả hai mới chỉ… 10 và 12 tuổi. 

Một thế hệ không chịu lùi bước

Chọn mục tiêu từ những điều nhỏ nhất

Melati và em gái sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Bali (Indonesia) xinh đẹp. Hai chị em có mẹ người Hà Lan, Elvira Wijsen - nhà tư vấn về các phương thức kinh doanh bền vững, và cha người Indonesia, Eko Riyanto - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất. Tổ ấm của gia đình nằm trên rìa cánh đồng lúa, cách bãi biển một quãng đi bộ ngắn. Vấn đề là, họ bắt gặp rác nhựa ở bất cứ đâu, giữa chính khung cảnh thiên nhiên bình dị đó.

Năm 2013, khi tìm hiểu để làm một bài kiểm tra ở trường, hai chị em nhà Wijsen phát hiện: Indonesia là đất nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở Bali, nơi mọi người thường vứt rác ngay trên đường. Hoặc, họ xử lý chúng bằng cách tự đốt, hay thậm chí là để mặc rác thải bị cuốn trôi ra biển. Hai cô bé cảm thấy: Phải làm điều gì đó!

Và Bye Bye Plastic Bags (Tạm biệt những túi nhựa) - chiến dịch nói không với túi nylon ra đời. Tuy còn nhỏ, nhưng hai chị em đã hiểu rõ, phải xác định được: Chính xác thì bạn muốn tạo ra ảnh hưởng bằng điều gì? Mục tiêu của bạn là gì? Bạn càng diễn đạt cụ thể, mọi người sẽ càng dễ dàng hiểu những gì bạn đang cố gắng đạt được. “Chúng tôi có thể đã không thành công nếu triển khai theo hướng Bye Bye Plastic (Tạm biệt đồ nhựa). Nhưng chúng tôi đã thêm từ “túi” (bags) bởi đó là một mục tiêu nhỏ hơn và có thể khiến mọi người nghĩ rằng: nếu hai cô bé có thể làm điều đó khi mới 10 hoặc 12 tuổi, mình cũng vậy!” - Melati nhấn mạnh. 

Hoạt động đầu tiên hai nhà đồng sáng lập tuổi teen triển khai là đăng một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi cấm đồ nhựa sử dụng một lần. Cả gia đình Wijsen đã hoàn toàn ngạc nhiên khi nhanh chóng thu thập được 6.000 chữ ký - nhưng trên thực tế hai cô gái sẽ phải mất thêm sáu năm nữa để hoàn thành mục tiêu ấy. Đến năm 2019, sau khi hai cô gái được gặp mặt trực tiếp Thống đốc Bali thì lệnh cấm túi nhựa, ống hút và xốp sử dụng một lần ở Bali mới được ban hành. 

Một thế hệ không chịu lùi bước -0

Trong chiến dịch này, Melati đã giới thiệu quê nhà như “một thiên đường đã mất”, khi mỗi ngày nơi này sản xuất đủ lượng rác thải nhựa để lấp đầy một tòa nhà 14 tầng, mà không có hệ thống thu gom rác. 

Giáo dục - chìa khóa của thay đổi

Thời điểm đầu triển khai Bye Bye Plastic Bags, hai chị em tập hợp các bạn học cùng trường tham gia, và tổ chức các cuộc họp trong giờ nghỉ trưa. Các nhà hoạt động nhí đã kêu gọi tổ chức Bali’s Biggest Clean Up (chương trình làm sạch lớn nhất Bali) - một sáng kiến làm sạch bãi biển được triển khai hằng năm, đến nay đã thu hút khoảng 57.500 người, dọn 155 tấn nhựa khỏi bờ biển của Bali. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp cam kết cắt giảm rác thải nhựa.

Các em cũng thành lập Mountain Mamas - thu hút nhóm phụ nữ làm những chiếc túi mua sắm có thể tái sử dụng từ vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế cho nhựa sử dụng một lần. Thật bất ngờ, cho đến nay đã hình thành được mạng lưới hơn 50 hội Bye Bye Plastic Bags ở 29 quốc gia.

Bên cạnh sự hậu thuẫn từ gia đình, điều khiến cho hai cô gái nhà Wijsen quan tâm đến môi trường, chính là Green School - ngôi trường được bao quanh bởi rừng rậm. Ngôi trường không chỉ thú vị vì được kiến trúc bằng tre, không có tường bao quanh, mà còn có chương trình học chú trọng thúc đẩy tư duy độc lập, sáng tạo của những đứa trẻ. 
Melati, trong mọi cuộc phỏng vấn, đều khẳng định rằng: Green School không chỉ mang đến kiến thức mà còn là một nhóm đồng đội bao gồm cả giáo viên lẫn bạn học. Cũng từ đây, hai cô bé hiểu được, giáo dục là một phần không thể thiếu để tạo ra sự thay đổi. “Chúng tôi đã đến ngôi làng Pererenan và tạo ra một chương trình có thể được thực hiện ở các làng và cộng đồng khác. Lượng nhựa đã giảm 60% rồi!” - Isabel tự hào khoe. 

Pererenan là ngôi làng nhỏ ở phía tây nam Bali với 800 gia đình. Hai cô gái đến đó vào mỗi cuối tuần để góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương, những người sẵn sàng cho sự thay đổi và chào đón họ. Theo truyền thống, người dân làng luôn muốn kết nối với thiên nhiên và nhận ra vai trò của nó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ được nghe rằng nhựa là xấu, độc hại và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là khi nó bị đốt. Ngay khi được chỉ ra các tác động tiêu cực của nhựa dùng một lần, người dân làng đã thay đổi mà không cần quá nhiều sự vận động. 

Giới trẻ và thích ứng

Hai năm nay, các cô gái đang phải xoay xở với bài toán: Làm thế nào để vừa ở nhà phòng, chống dịch Covid-19, vừa điều hành các hoạt động của họ? Các biện pháp giãn cách xã hội đã làm lượng rác thải nhựa tăng lên nhanh chóng, bởi việc giao hàng và cả đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. “Đó là một bước lùi lớn trong phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” - Melati nhận xét. 

Trước đó, Melati đã hy vọng rằng năm 2020 sẽ là một năm hành động vì môi trường, dựa trên sự ủng hộ ngày càng tăng của giới trẻ đối với các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng thay vào đó, đại dịch Covid-19 khiến họ gặp khó khăn khi không có sự tương tác xã hội từ các cuộc họp và các cuộc mít-tinh. Không chịu ngồi yên, Melati chuyển trọng tâm sang quảng bá Youthtopia - mạng lưới quốc tế nhằm giúp người trẻ tuổi tạo nên những thay đổi, một dự án khác được hai cô gái sáng lập. 

Youthtopia, bước đi tiếp theo sau tám năm, được sinh ra với sứ mệnh trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì? Đây cũng được coi là “trụ sở chính” toàn cầu cho những người trẻ tuổi đến với nhau, giúp tiến trình thay đổi không bị trì hoãn.

Gần đây nhất, trong một video về cách trở thành một nhà hoạt động ngay cả khi phải ở nhà, Melati lạc quan: “Khoảng thời gian tạm dừng này cho chúng tôi không gian để suy nghĩ về cách chúng tôi tiến lên phía trước”. Bởi vì, thế hệ Z (Gen Z - thế hệ sinh ra từ cuối khoảng năm 1997 đến năm 2012) là một thế hệ không chịu lùi bước!