Khi thực tế và chất thơ được hợp nhất

Không chỉ sở hữu hàng loạt thiết kế ấn tượng ở các quốc gia phát triển, Francis Kéré còn tận tay giúp đỡ người dân châu Phi, thậm chí đào tạo họ cách sử dụng những công nghệ thô sơ để xây nên những công trình tưởng như không thể.

Giải thưởng thành tựu trọn đời nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc - Pritzker 2022 (được đánh giá tương đương Nobel), đã lần đầu vinh danh một cá nhân đến từ châu Phi - Diébédo Francis Kéré.
Giải thưởng thành tựu trọn đời nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc - Pritzker 2022 (được đánh giá tương đương Nobel), đã lần đầu vinh danh một cá nhân đến từ châu Phi - Diébédo Francis Kéré.

Từ những "niềm hy vọng" bỏ túi

"Cứ mỗi khi chuẩn bị chia tay gia đình vào cuối kỳ nghỉ, những người phụ nữ đều tới thăm và đút vào túi tôi một đồng xu. Vô cùng bất ngờ và tò mò không hiểu tại sao mọi người lại yêu quý mình đến vậy. Mẹ tôi đã giải thích rằng, đó là vì dân làng muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc học, hy vọng tôi sẽ thành đạt để một ngày nào đó sẽ trở về giúp đỡ quê hương", Francis Kéré vẫn nhớ như in kỷ niệm thời thơ ấu.

Xuất thân từ ngôi làng Gando hẻo lánh (không có điện, thiếu nước sạch và cũng chẳng có trường học), tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - Burkina Faso, Kéré đã phải xa rời quê hương từ năm bảy tuổi để được tiếp cận với... nền tảng giáo dục căn bản. Với nỗ lực vượt bậc, Kéré đã giành được học bổng của Chính phủ Đức để sang châu Âu du học và trở thành người dân Gando duy nhất lấy được bằng đại học lúc bấy giờ.

Trong thời điểm theo học kiến trúc tại Trường đại học Kỹ thuật Berlin, Kéré đã khởi động dự án School Bricks for Gando, quyết tâm huy động tiền tài trợ, với hy vọng các em nhỏ ở quê nhà có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục. "Để thúc đẩy dự án xây trường, tôi thậm chí đã kêu gọi bạn bè cùng lớp tiêu ít tiền hơn vào cà-phê và thuốc lá. Sau hai năm, điều kỳ diệu đã đến - hơn 50.000 USD đã được quyên góp", Kéré chia sẻ.

...tới trường học cho thế hệ tương lai

Năm 2000, với bản thiết kế kiến ​​trúc trên tay, Kéré vô cùng tự tin sẽ nhanh chóng bắt đầu quá trình xây dựng trường học. Tuy nhiên, trước khi thi công, dự án lại vấp phải sự phản kháng bất ngờ, bởi người dân nghĩ rằng vật liệu chính là đất sét sẽ không thể chống lại thời tiết khắc nghiệt. Kéré phải tốn nhiều tâm sức thuyết phục dân làng. Bởi loại gạch làm từ hỗn hợp đất sét và xi-măng là vật liệu mới mà ông dày công nghiên cứu. Nó giúp cho ngôi nhà giữ được bầu không khí mát mẻ cũng như bền chắc trước khí hậu khắc nghiệt của châu Phi.

Sau những ngày dài dày công nghiên cứu cách giải thích bản vẽ cho dân làng vốn không biết đọc hay biết viết, Kéré nhận ra chính kỹ năng giao tiếp của kiến trúc sư quan trọng không kém khâu thiết kế. Thí dụ, để xây dựng hầm đất sét đặc biệt, nhóm thi công đã nhảy thẳng lên một mái vòm được đúc sẵn nhằm chứng minh khả năng nâng đỡ trọng lượng cực tốt của công trình. Khi lòng tin được kiểm chứng, dân làng không còn ngại ngần gì nữa, đều đồng lòng bắt tay vào việc.

Thậm chí, cảnh tượng khó tin đã xảy ra khi toàn thể dân làng đều quyết tâm góp sức xây dựng trường học. Các em nhỏ hằng ngày cắp sách tới trường đều mang theo những viên đá nhỏ để hỗ trợ giai đoạn làm móng. Lúc thi công mặt sàn, đội ngũ thanh niên sẽ đập phẳng nền đất sét. Sau đó, các bà mẹ sẽ đến đổi ca và tiếp tục công việc ấy. Ngay cả việc đánh bóng mặt sàn cũng được làm thủ công, nên lúc hoàn thiện ai cũng phải trầm trồ vì sàn đất nhưng "mịn như da em bé" vậy.

Kéré đã huấn luyện người dân địa phương về kỹ thuật xây dựng và các nguyên tắc phát triển bền vững. Trong đó, đất sét được xem như "vật chất của người nghèo" bởi giá rẻ và luôn sẵn có. Nhưng nếu sử dụng theo các phương pháp truyền thống sẽ kém ổn định hơn các vật liệu đắt tiền. Dự án tại Gando giúp tất cả nắm được cách tinh chế đất sét và các vật liệu địa phương, cũng như kỹ thuật xây dựng để cải thiện hiệu suất của chúng. Xuất phát từ mong muốn tạo môi trường học tập thoải mái nhất, cũng như quyết tâm đào tạo kỹ năng kiến trúc và xây dựng từ đầu đến cuối cho dân làng, Kéré đã phải trổ hết tài nghệ trong quá trình giao tiếp với mọi người.

"Chúng ta không thể phụ thuộc vào các giải pháp kiến trúc của phương Tây mà phải phát triển con đường cho riêng mình. School Bricks for Gando không chỉ là dự án xây dựng đơn thuần, mà còn là công việc của tình yêu. Nó dựa trên sự khám phá được chia sẻ giữa tôi và dân làng, về việc tạo ra một công trình khiến cả cộng đồng có thể tự hào. Hơn thế nữa, tôi chỉ mong nếu bản thân không còn nữa, người dân Gando vẫn có thể tiếp tục công việc này", ông khẳng định.

Lan tỏa hạnh phúc

Ngày nay, một kiến trúc sư giỏi có thể dễ dàng xây dựng những cao ốc hiện đại giữa lòng thành phố lớn. Tuy nhiên, rất hiếm người đủ khả năng thi công các tòa nhà ở những vùng quê nghèo, chỉ với các công nghệ thô sơ và thủ công. Kéré là vị kiến trúc sư hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ đó. Bởi vậy, giải thưởng thành tựu trọn đời nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc - Pritzker 2022 (được đánh giá tương đương Nobel), đã lần đầu vinh danh một cá nhân đến từ châu Phi - Diébédo Francis Kéré.

Ban giám khảo Giải thưởng kiến trúc Pritzker đánh giá rất cao các tác phẩm của Kéré, đặc biệt khi chúng được hoàn thành ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt và điều kiện kinh tế kém như Burkina Faso. Hơn thế nữa, ông đã tận dụng được các vật liệu địa phương như đất sét, đá granit và gỗ để dựng nên những tuyệt tác chất lượng cao phù hợp điều kiện ở mỗi vùng.

"Francis Kéré xứng đáng là ngọn hải đăng không thể thay thế. Những cấu trúc duyên dáng, tinh tế về thẩm mỹ, nhưng cũng đồng điệu với khí hậu và cả nền văn hóa địa phương. Khi thực tế và chất thơ được hợp nhất, tác phẩm sẽ truyền cảm hứng tự hào, niềm hy vọng lớn lao, đặt nền móng cho sự tiến bộ của một dân tộc", Giám đốc điều hành của Giải thưởng Kiến trúc Pritzker - Manuela Lucá-Dazio nhận định.

Trường học Gando được xem như thành công bước đầu bởi dân làng không còn thấy lãng phí thời gian khi cho con cái đến trường thay vì đi làm đồng cùng bố mẹ. Họ nhận ra những gì Kéré có thể làm được nhờ sự giáo dục và dần tin tưởng thế hệ tương lai cũng có khả năng đạt được điều đó.

Khi thực tế và chất thơ được hợp nhất -0

Dự án còn tạo nên hiệu ứng cấp số nhân đáng kể, khi không chỉ phục vụ trẻ em trong làng, mà còn được dùng để đào tạo kỹ năng và kiến ​​thức mới cho toàn thể cộng đồng. Hai thôn lân cận đã cùng làm theo mô hình trên và Chính phủ Burkina Faso đã tận dụng chính dân làng Gando với kỹ năng xây dựng của họ để làm việc cho các dự án công cộng trên khắp đất nước.

"Kiến trúc trước tiên nhằm phục vụ con người, tạo ra môi trường để mỗi cá nhân phát triển bản thân, để rồi tự cảm nhận và làm chủ hạnh phúc. Và chỉ thông qua việc tiếp cận với giáo dục, châu Phi mới tiến gần hơn tới con đường cải thiện cuộc sống", Kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré khẳng định.