Cống hiến cuộc đời cho điều tử tế

Sống sót sau cuộc nội chiến kinh hoàng kéo dài hàng chục năm ở Burundi, Stany Nyandwi (trong ảnh) hiểu rõ hơn ai hết giá trị của một cuộc sống có ý nghĩa. Bởi vậy, ông dành trọn tuổi thanh xuân cho công tác bảo tồn loài tinh tinh ở châu Phi, và dự định sẽ làm điều đó đến hết cuộc đời.

Cống hiến cuộc đời cho điều tử tế

Ði tìm lẽ sống

"Cuộc nội chiến ở Burundi đã lấy đi những gì từ tôi ư? Tất cả", Stany Nyandwi ngậm ngùi.

Sinh năm 1968, Nyandwi lớn lên ở một vùng quê nghèo hẻo lánh tại Burundi. Nơi đó chẳng có gì ngoài những quả đồi trọc và rừng rậm. Năm 10 tuổi, Nyandwi đến một lớp học bổ túc ở địa phương, nơi ông được học đọc và viết theo thổ ngữ Kirundi. Nhưng quãng thời gian êm đềm đó chỉ kéo dài được ba năm. Chiến tranh bùng phát. Không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ và trẻ em cũng bị đưa ra mặt trận. Tất cả đều bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh.

Nyandwi mất bố mẹ, anh trai và nhiều người thân trong gia đình vì cuộc chiến ấy. Thay vì đi học mỗi ngày, Nyandwi chỉ còn cách đi lánh nạn, tránh xa khỏi bom đạn chiến tranh. Sau hai năm, ông lưu lạc đến Thủ đô Bujumbura, nơi Nyandwi có trải nghiệm sâu sắc về "địa ngục trần gian chốn phồn hoa đô hội".

"Tôi kiếm sống bằng cách làm người giúp việc cho giới nhà giàu, và bị đối xử chẳng khác nào nô lệ thời hiện đại", Nyandwi kể. Những ngày ấy, có nước để uống đã là điều may mắn, bởi ông thường xuyên bị bỏ đói, đánh đập. Ông quyết định từ bỏ cảnh sống khốn khổ đó. Ở tuổi 19, ông chính thức trở thành kẻ lang thang, sống vất vưởng trên đường phố kiếm ăn qua ngày, để rồi cũng nhiễm thói hư tật xấu và trở thành kẻ nghiện rượu, đốt hầu hết tiền kiếm được vào rượu. Chuỗi ngày đen tối đó của Nyandwi chỉ được soi sáng khi ông biết đến Quỹ Jane Goodall.

Nyandwi khởi đầu công việc ở Quỹ Jane Goodall với vị trí làm người chăm sóc cho tinh tinh. Những đồng nghiệp tại đây, cũng như đích thân Tiến sĩ Jane Goodall, đã giúp ông cai rượu thành công. Trở về cuộc sống của một người bình thường, Nyandwi bắt đầu nghĩ về một "sứ mệnh mới".

Cuộc chiến thứ hai

Không có công việc nào nhẹ nhàng và hưởng lương cao ở Quỹ Jane Goodall. Với nhiệm vụ chăm sóc bầy tinh tinh, Nyandwi phải thường trực đối phó mối đe dọa đến từ những kẻ săn trộm. Chúng tìm mọi cách để săn tinh tinh, ngay cả với những bầy được bảo vệ ở mức nghiêm ngặt trong khu bảo tồn.

"Có rất nhiều lý do để con người giết tinh tinh. Một vài nông dân mất đất, mất nhà vì chiến tranh săn bắn tinh tinh để lấy thịt ăn", Nyandwi kể. "Đám săn trộm chuyên nghiệp thì tinh vi hơn và có nhiều mục đích hơn. Tay, chân, đầu tinh tinh được sử dụng trong những nghi lễ mê tín dị đoan. Nhưng tàn độc nhất là những kẻ săn bắt tinh tinh con".

Có một thời, tinh tinh là "ngôi sao" của những sở thú và rạp xiếc tư nhân. Phần lớn trong số chúng bị bắt khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ. Những kẻ săn trộm nhắm đến tinh tinh con vì chúng có giá trị cao, lại không thể phản kháng. Để bắt những con non như vậy, đám thợ săn trộm sẵn sàng giết con mẹ, thậm chí cả bầy tinh tinh.

Vì lý do đó, những người chăm sóc tinh tinh như Nyandwi đã buộc phải quen với những lời đe dọa thường nhật, từ bọn săn trộm. Một lần nữa, Nyandwi đối diện một cuộc chiến. Nhưng, lần này, ông biết mình đấu tranh vì những điều tử tế. Ông nguyện cống hiến cuộc đời mình vì sứ mệnh bảo tồn tinh tinh, đặc biệt là những con non mất mẹ. Không ít lần Nyandwi may mắn thoát chết. Từ chỗ đe dọa Nyandwi, đám săn trộm chuyển qua mua chuộc, cám dỗ, nhưng chúng không thể lay chuyển ý chí sắt đá của ông.

Cống hiến cuộc đời cho điều tử tế -0

Năm 1995, nội chiến Burundi bước vào giai đoạn cao trào. Để bảo đảm an toàn, Quỹ Jane Goodall quyết định thực hiện một chuyến bay giải cứu đưa toàn bộ nhân viên cùng tinh tinh đang được nuôi dưỡng sang Kenya. Ở tuổi 27, cuối cùng Nyandwi cũng lại được chứng kiến bầu trời hòa bình.

Người thì thầm với tinh tinh

Ở tuổi 54, Stany Nyandwi không có bằng tiến sĩ, không được trường đại học nào phong học hàm giáo sư, nhưng tất cả đều công nhận ông là học giả hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn. Tiến sĩ Jane Goodall có hàng nghìn học trò, nhưng dường như Nyandwi là người duy nhất lĩnh hội được từ bà tất cả tinh hoa trong nghiên cứu đời sống linh trưởng.

"Điểm khác biệt giữa Nyandwi và những nhà nghiên cứu khác là cậu ấy có sự cảm thông sâu sắc với những cá thể tinh tinh mình nuôi dưỡng", Tiến sĩ Jane Goodall nhận xét. "Nyandwi mất gia đình, người thân vì chiến tranh và những con thú cũng vậy. Cậu ấy trò chuyện, cùng chia sẻ với chúng niềm vui, nỗi buồn và mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc sống".

Biệt danh "người thì thầm với tinh tinh" của Nyandwi do Goodall đặt như một lời khẳng định về trình độ và tâm huyết của ông với lĩnh vực bảo tồn động vật. Chẳng ai hiểu rõ tinh tinh, những người anh em có họ hàng gần với chúng ta nhất, hơn Nyandwi. Ngay cả những người từng mang định kiến với Nyandwi, chê bai quá khứ nghèo khổ và nghiện rượu, cuối cùng cũng phải thừa nhận đóng góp của ông cho thế giới.

"Cảm ơn mọi người đã dành lời khen, nhưng tôi luôn cố gắng không nghĩ đến chuyện đó quá nhiều"- Nyandwi chia sẻ - "Tôi chỉ đang cố gắng làm công việc của mình một cách tốt nhất cùng cộng sự. Tinh tinh có bộ gene giống người lên đến 98,7%, nên một khi chú ý quan sát và tìm hiểu chúng, bạn sẽ thấy chúng không khác con người mấy đâu".

Nhờ có Nyandwi, thế giới mới biết những cung bậc cảm xúc rất con người của tinh tinh. Chúng biết cách biểu lộ cảm xúc vui buồn, biết cười và khóc, biết sợ hãi, thậm chí nhiều khi còn tỏ ra ghen tị nữa. Một điểm thú vị khác là những cá thể tinh tinh yêu nhau biết ôm hôn như con người. Chúng cũng có vân tay và "giọng nói" độc nhất.

Nyandwi đang làm một công việc rất ý nghĩa, nhưng điều đó cũng khiến ông không có nhiều thời gian bên gia đình như mình mong muốn. Chiến tranh khiến gia đình ông ly tán. Một vài chị em của ông vẫn ở lại Burundi, nhưng gia đình Nyandwi lại đang sống tại Uganda. Cá nhân ông liên tục đi lại giữa các nước châu Phi để tham gia công tác bảo tồn. Ông thường chỉ về thăm nhà một lần trong năm, mỗi lần kéo dài một tháng.

"Với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tôi có thể giúp đỡ công tác bảo tồn tinh tinh ở khắp châu Phi. Vợ con tôi vì thế cũng hiểu và thông cảm. Công nghệ tiên tiến cũng giúp tôi trò chuyện từ xa với gia đình thuận tiện hơn trước. Tôi may mắn hơn nhiều người, bởi tôi biết công việc mình đang làm có ý nghĩa thế nào", Nyandwi nở nụ cười.