Quy trình học tập xưa
Sự học và thi xưa kia bao gồm các quá trình: Tích kiến thức vào óc (cá nhân tích); tản năng lực qua các kỳ thi (cá nhân tản); tích cửa nhà (vinh hoa, phú quý), (cộng đồng tích cho cá nhân); tản kế sách (giúp vua trị bình) qua các công cuộc kinh bang (vì cộng đồng mà tản).
Ngày nay, các quá trình tích/tản ấy bị đứt gãy ở khâu thứ ba. Một thanh niên có thể học rất giỏi, đỗ rất cao, nhưng gần như không có nơi nào cộng đồng gom công của để xây nhà cửa cho những kẻ "dài lưng tốn vải" nữa. Và ta có thể hỏi trong số hàng triệu thanh niên mỗi năm đang đua nhau vào đại học, liệu có ai tin tưởng rằng sau khi ra trường vài năm họ sẽ kiếm được một ngôi nhà, một mái ấm bằng chính kết quả học tập xuất sắc của mình? Chắc là không? Vậy họ lấy gì làm đích cho sự học tập? Sự học ngày nay là "tích lũy kiến thức vì mục đích trừu tượng", khác hẳn sự học ngày xưa là "tích lũy kiến thức vì mục đích cụ thể". Mà cái đích cụ thể có sức lôi cuốn mạnh hơn hàng trăm, hàng nghìn lần cái đích trừu tượng.
Hiệu quả giáo dục hay hiệu quả tích tản
Có thể xem mọi thành quả sáng tạo của xã hội loài người là nhờ vào quá trình tích tản của khối óc. Học tập và giáo dục chính là tìm hiểu, cải thiện, nâng cao hiệu quả của quá trình tích tản của khối óc. Thực vậy, dạy và học ngày nay bao gồm những quá trình tích tản sau: Thầy tích kiến thức vào óc; thầy tản kiến thức trên bục giảng hoặc trong sách giáo khoa; trò tích kiến thức của thầy; trò tản kết quả học tập thông qua các kỳ kiểm tra hoặc thi cử; sau khi ra trường trò tiếp tục tích tản để làm phong phú cho đời.
Trước hết, để xác lập phương thức tích tản của khối óc, cần phải xác lập thước đo hiệu quả tích tản. Thước đo đơn giản nhất là phiếu bé ngoan ở các trường mẫu giáo. Cao hơn là các giấy khen bằng khen. Cao hơn nữa là các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Sau nữa, để thay đổi cường độ và nhịp điệu tích tản của khối óc cần xác lập phương pháp đánh giá hiệu quả tích tản. Chấm điểm là phương pháp đánh giá cổ điển và thô sơ nhất. Cần phải dân chủ hóa cách cho điểm. Tức là chính các học trò trong lớp tự chấm điểm cho nhau, bổ sung vào điểm số đánh giá của thầy. Nếu làm được như vậy, không những chúng ta tìm được nhân tài một cách chính xác, mà chúng ta còn có thể bồi dưỡng ý thức dân chủ cho các công dân trẻ.
Tóm lại, nền tảng giáo dục chính là quá trình tích tản của bộ óc. Hiệu quả của giáo dục là sản sinh ra nhiều hay ít các bộ óc sáng tạo. Thước đo của giáo dục là điểm số được cho theo phương thức dân chủ.
Triết lý giáo dục
Một sinh linh bé bỏng ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, đã bắt đầu tích tản, nhưng bằng các phương tiện tự nhiên. Giáo dục có sứ mạng cao cả là cung cấp cho con người ấy, sinh linh ấy những phương tiện và cách thức tiên tiến hơn, hoàn hảo hơn để con người có thể tích lũy một cách mau lẹ những kiến thức mà nhân loại đã phát hiện được trước đó, để anh ấy/chị ấy không phải tìm tòi lại những hiểu biết của tiền nhân, để sau đó có thể đi đến điểm mút của sự hiểu biết đương thời, rồi lại có thể kéo dài mạch hiểu biết của nhân loại thêm một bước nữa. Sự kéo dài hiểu biết nhân loại được gọi là sáng tạo. Sự cung cấp tri thức được gọi là giáo dục.
Do đó, triết lý giáo dục phải được xem là sự cung cấp tri thức để phát triển và biến đổi một sinh linh đang ngơ ngác trước ánh sáng mặt trời sau tiếng khóc chào đời, thành một nhà sáng tạo. Giống như tự nhiên cung cấp các điều kiện để con người tồn tại và tiến hóa. (Tôi nhấn mạnh cung cấp chứ không phải thương mại).
Dùng lại vốn cổ
Như trên đã nói, đổi mới giáo dục cần phải tạo lập cái đích cụ thể cho sự phấn đấu của học trò. Mỗi tỉnh cần lập một khu đô thị mới mà điều kiện sinh sống và làm việc ở đó thuộc loại tốt nhất (nhất đẳng điền). Trong đó xây dựng những căn hộ sang trọng, tiện nghi. Hằng năm qua các kỳ thi sẽ tuyển chọn các nhà sáng tạo trong các chuyên ngành khác nhau. Ai đạt giải khôi nguyên sẽ được cấp miễn phí một căn hộ. Như thế thì hàng vạn sinh viên sẽ yên tâm tìm tòi sáng tạo. Họ không lo sẽ tìm việc ở đâu, lương có cao không, và nhất là không phải kiếm tiền nhanh bằng mọi giá, mà là "tích kiến thức" nhanh bằng mọi cách. Họ sẽ là các nhà sáng tạo đích thực, sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng xã hội. Chỉ một biện pháp này thôi, biện pháp dùng lại vốn cổ sẽ tạo nên một động lực vô cùng mạnh mẽ cho quá trình tích tụ kiến thức của thanh niên. Nước ta sẽ có được mấy chục thành phố nhỏ đầy sức sống, đầy sức sáng tạo. Ðất nước sẽ phát triển với tốc độ phi mã bằng chính nội lực của mình. Chúng ta sẽ hiên ngang sánh vai cùng các cường quốc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng mô hình mới
Ðổi mới bao giờ cũng bắt đầu từ một mô hình. Khi mô hình mới chứng minh được sức sống của nó, thì những thành phần cũ, đơn vị cũ sẽ dần dần theo mô hình đó mà tự đổi mới. Vậy nên chúng tôi đề xuất một mô hình mới như sau.
Xây dựng một Ðại học đặc biệt cấp quốc gia, trong đó cách học, cách dạy hoàn toàn mới. Ở đó, mỗi sinh viên phải là thầy giáo của chính mình và của các bạn khác. Tức là đề cao tính tự học, hay là "tự tích". Nhưng "tự tích" là cực khó, vì đó là tích lũy kiến thức một cách chủ động. Theo nguyên lý tích tản, có tích nhất định có tản, tích đến ngưỡng thì phải tản, tích càng nhiều càng mạnh thì tản càng tinh càng cao. Năng lực "tích" (học tập) của mỗi người phụ thuộc vào ba yếu tố: mục đích, di truyền, hoàn cảnh. Vậy trường Ðại học đặc biệt kể trên phải thỏa mãn cả ba yếu tố đó. Mục đích "tích" phải rõ ràng, phải là mục đích vật chất cụ thể. Di truyền thì có thể sàng lọc qua tuyển chọn đầu vào, qua các kỳ thi trung gian. Còn hoàn cảnh thì chính nhà trường phải tạo ra. Trong trường ấy không có đọc/ghi. Trường ấy chỉ có các chuyên đề, các bài toán thực tế xuất hiện từ các đòi hỏi của cuộc sống. Thầy sẽ giúp trò định hướng phương án giải quyết. Trò sẽ tìm lời giải qua sự tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn. Lời giải sẽ được trình bày trong các buổi thảo luận. Các sinh viên phải báo cáo và bảo vệ lời giải của mình. Họ sẽ tốt nghiệp với tư cách là các tổng công trình sư, các nhà sáng tạo.
Nếu trường đó được xây dựng thì nó sẽ trở thành một mô hình tốt nhất để thanh niên có thể "tự tích" mà vươn đến đỉnh cao khoa học công nghệ, với sự hỗ trợ của cộng đồng. Mà một sinh viên muốn có được sự hỗ trợ của cộng đồng thì anh phải biết sống chung với cộng đồng. Nếu đời là một trường đại học lớn, thì trường đó là một cuộc sống thu nhỏ. Sự thành công của mô hình này sẽ làm thay đổi cách học cách dạy tại các trường khác, kể cả các trường ở cấp phổ thông.
* Một quốc gia có nhiều bộ óc đang tích tản mạnh mẽ để sáng tạo ra các giá trị mới là một quốc gia phát triển. Thước đo của nền văn minh và mức độ phát triển không phải là tổng thu nhập GDP, mà phải là hiệu quả tích tản, hiệu quả sáng tạo của các bộ óc.
* Quá trình tích tản có những đặc điểm về cường độ, nhịp điệu, chủng loại... Do đó, giáo dục muốn đạt hiệu quả cao phải xác lập phương thức tích tản kiến thức tối ưu đối với từng bậc học, từng chuyên môn, từng đối tượng giáo dục.