Tôi yêu thích nghề báo vì nó giúp tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều chuyện. Kể ra, tôi cũng mới đi vài chục địa phương, so với anh em trong nghề vẫn còn thua kém, nhưng nếu làm một tay giáo chức, một cán bộ công sở chắc chắn tôi chẳng đi đâu, nhất là với bản tính không thích giao du và ghét những nơi ồn ào. Tôi thường xem những chuyến đi viết báo như một cuộc du lịch nhỏ, một chuyến đi thăm thú, thậm chí nghiên cứu, kết hợp với việc phục vụ bạn đọc một vài bài viết hấp dẫn. Báo có cái đăng, người đọc được biết thêm việc nọ người kia. Nghề báo thật lãng mạn, vâng, nó tô điểm cho cuộc sống biết bao điều thú vị.
Chẳng hạn chuyến đi công tác miền trung, vừa gọi điện đường dài đặt lịch làm việc tôi đã nhận ngay lời thúc: “Anh vào ngay, chúng em mong anh lắm!”.
Bấy giờ mùa hạ, ve kêu râm ran, thỉnh thoảng trời đổ mưa rào. Miền trung nắng cháy, gió lào, một vùng tiêu điều, khí hậu khô khan, nhiệt độ cao. Chẳng giấu gì, những lời mời nhiệt tình khiến tôi quên hết đường xa cách trở. Khi đến trụ sở văn phòng, thấy một anh cán bộ địa phương chờ đón từ bao giờ. Anh đưa lên cái phòng họp nhỏ, có hẳn dòng chữ vừa được treo: “Nhiệt liệt chào mừng nhà báo trung ương về làm việc tại huyện nhà”. Nhân lúc chờ đợi anh chủ tịch huyện đi cơ sở về, anh cán bộ còn đem cây đàn ghi-ta cũ hát một ca khúc do anh sáng tác về phong trào đi khai hoang. “Chúng ta đi/ Bạt núi băng rừng không nghỉ”.
Vừa đến bữa cơm thì anh chủ tịch huyện về. Anh tiếp chúng tôi luôn trong bữa cơm chiều. Dáng anh thấp đậm, nhanh nhẹn, quyết đoán, cởi mở. “Huyện chúng tôi là huyện nghèo, mặc dù có truyền thống hiếu học, hạn chế lớn nhất chính là diện tích tự nhiên còn nhiều mà khai thác chưa hết, chưa hiệu quả”. Anh nói với tôi rất nhiều về những vùng rừng núi còn bỏ hoang, những miền đất hứa hẹn khởi sắc. “Phải thay đổi tư duy. Không nên chỉ sống bám vào lũy tre làng. Phải có tư duy rộng lớn hơn. Phải biết khai thác tiềm năng của mình”.
Chiều tối, nhìn qua cửa nhà ăn, tôi thấy những chuyến xe khách chở đầy đồ đạc, những cặp vợ chồng với những đứa con hăm hở, chuẩn bị rời miền xuôi lên miền ngược. Họ mang theo mọi thứ, giường chiếu, nồi niêu, quần áo, thậm chí cả những chiếc trống, chiếc mõ. “Dân tôi đi khai hoang đấy!” - anh nhạc sĩ của huyện bảo - “Ở quê mỗi người chỉ được vài sào ruộng, còn lên núi, được cả quả đồi, không chừng có cả núi vàng”.
Tôi được huyện cấp cho một chiếc U-oát để đi thực tế. Chiếc xe của chúng tôi đi lẫn giữa những chiếc xe chở người lên núi khai hoang. Đôi khi, người dân nhìn qua cửa sổ, thấy tôi chụp ảnh, họ che mặt xấu hổ. Tôi thấy những người ở lại cũng vừa vui vừa buồn. Họ sẽ được chia thêm ruộng, do nhiều người rời làng ra đi. Nhưng họ chẳng biết bao giờ mới gặp lại bà con của mình. Ai đó muốn được đi theo đoàn người kia, nhưng bận mẹ già, con nhỏ. Vài người rơm rớm.
Vùng núi ấy quả hoang vu lắm, xe chúng tôi lầm lụi đi, chỉ thấy những quả đồi, dãy núi xanh biếc không bóng người. Dốc đèo nối đèo dốc. Người nhạc sĩ địa phương bảo: “Theo lịch sử thì nơi này trước đến nay chỉ làm nơi chiến địa, các triều đại đánh nhau, luyện quân, làm căn cứ địa. Khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi, dân cư vô cùng thưa thớt”. Tôi hiểu rằng cái thiên nhiên chưa khai phá ấy, chắc hẳn phải có lý do của nó. “Đất làm lúa nước rất hiếm, có lẽ lên đây chỉ trồng sắn, trồng lạc mưu sinh” - người dân tâm sự khi xe dừng ở đỉnh đèo.
Một vùng đất đai cằn cỗi, gió lào thổi bung, như muốn thiêu đốt tất cả. Lâu lắm ta mới nhìn thấy một dòng suối nhỏ chảy đâu đó dưới đám sậy. Trung tâm của vùng là một cái ngã ba nhỏ đầy bụi đỏ. Chợ búa lơ thơ mấy gian hàng lợp tranh xiêu vẹo, trước kia mỗi tuần chợ họp một phiên, sau tăng lên ba bữa một phiên. Những người đi khai hoang bảo: “Hồi xưa chúng em lên đây bán cá, mua than, đổi muối lấy củi. Bây giờ theo chủ trương, lên núi ở hẳn. Chẳng biết rồi sẽ ra sao”. Tôi bảo mọi người đất đai rộng rãi, núi đồi trùng điệp, cớ sao phải lo. Người ta bèn bảo: “Chúng em người miền biển, chỉ chuyên chài lưới, đánh cá ngoài khơi. Có bao giờ biết đến núi đồi!”.
Tôi ghi chép, anh bạn ở huyện đưa đường thở dài. “Nhà báo các anh đi thực tế mới nắm bắt được nguyện vọng của người dân, chứ chúng em chỉ dự những buổi phát động tiễn đưa, trống giong, cờ mở, chỉ nghe nói lên trên này làm ăn một năm bằng dưới xuôi làm mười năm”. Anh ta cám cảnh nhìn những ngôi nhà của dân địa phương ven đường, thấy chúng còn nghèo nàn và xơ xác hơn cả làng quê mà người dân của anh vừa dời đi. Những ngôi nhà làm bằng gỗ tạp, chủ yếu lợp tranh, trong nhà chẳng có của nả gì, tài sản lớn nhất chỉ là chiếc xe đạp.
Buổi tối, chúng tôi được bố trí ăn ở ngay tại ngã ba, trong một gia đình trí thức làm ở kho lương thực. Nhà này có cô con gái đi học đàn ở nhạc viện, hè cũng mới nghỉ học về quê. Chúng tôi theo dõi tình hình địa phương qua ti-vi trắng đen và qua chiếc đài. Bác chủ nhà thích nghe nhạc chèo. Cô con gái có đôi má bầu bầu, hàm răng trắng đều. Nhà có giàn hoa thiên lý, đêm trăng thật đẹp. Song khí hậu giữa hè oi bức lắm. Tôi nghỉ ở gian nhà mới xây sau này, có cửa sổ hình tròn nhìn ra cái ao nước mát của đơn vị đường ống xăng dầu thời chiến để lại. Đêm trăng sáng, thanh niên dắt nhau dạo quanh cái hồ không một bóng cây.
Thời chiến tranh, tôi đã từng qua lại vùng này. Bom đạn khốc liệt, người dân lui vào rừng, nuôi bộ đội, bám trụ thông đường. Dân cư bản địa nghe nói đã lập làng từ thời nhà Trần. Nhưng cuộc sống đạm bạc, không giàu có gì cho cam. Không ai nhận ra tôi, bởi chúng tôi hành quân qua đây tới cả vạn người, lại lúc sẩm tối, khi tảng sáng. Tôi chuyển ngành, làm nhà báo trở lại hỏi thăm, mọi người đều vui mừng. Bác chủ nhà bảo: “Chiến tranh kết thúc rồi, giờ xây dựng quê hương, các anh trở về, chúng tôi coi như người nhà vậy”.
Buổi tối, cơm nước với cán bộ xã, với bác chủ nhà, tôi thường đem những trang viết còn nóng hổi, đọc cho mọi người nghe. Ai cũng bảo: “Phóng sự của anh thật là chân thực”. Họ còn chỉ cho tôi nhiều nhân vật rất hay từ dưới xuôi mới lên khai hoang cùng xây dựng kinh tế trong vùng. Hóa ra, người đi khai hoang sống thành từng trại riêng, gần như cách biệt với người địa phương, thi thoảng lắm dân nông trang mới ra cái ngã ba nhỏ để mua cái này cái nọ. Họ bí ẩn còn hơn cả người địa phương.
Bác chủ nhà bảo: “Thú thực, họ sống một cuộc đời riêng biệt, rất ít hòa nhập với chúng tôi, nên chúng tôi không biết nhiều về họ”. Nhiều người lại bảo họ chỉ làm việc trực tiếp với cán bộ xã về chính sách chủ trương, chứ phong tục tập quán riêng rẽ, thậm chí tiếng nói cũng khác, nên ít giao lưu với dân trong vùng.
Chúng tôi dùng chiếc U-oát, đi sâu vào những quả đồi đầy cây dại, tìm những người dân khai hoang. Gặp chúng tôi, họ mừng lắm. “Từ lâu rồi, mới thấy có người lạ vào đây!”. Chúng tôi được đón tiếp nồng hậu. Món ăn có cá suối lại thêm chút thịt rừng săn được. Dân bảo: “Chúng em vùng biển, chỉ quen ăn cá nước mặn. Lên đây may gặp con suối”. Hóa ra đồ ăn như cá biển, muối, nước mắm, đều đưa từ quê lên dùng dần.
“Anh viết gì thì tùy, miễn là hay”. Anh bạn nhạc sĩ vườn bảo tôi. Nói cho cùng, anh ấy coi tôi như bậc thầy trong nghề viết lách, đi theo có ý học việc. Tôi nói thật: “Giờ có hai hướng viết. Hướng thứ nhất, ta chọn một số gia đình đi kinh tế mới khá giả, viết bài ca ngợi việc đi khai hoang. Hai, tìm một số gia đình gặp khó khăn để viết về thực trạng hiện nay, để giúp đồng bào nhận được sự quan tâm”. Anh bạn nhạc sĩ hỏi: “Vậy không kết hợp họ trong một bài được sao?”. Tôi đáp: “Không thể anh vừa là nhà giàu lại đồng thời lại là nhà nghèo được”.
Buổi tối, chúng tôi trò chuyện về chiến tranh, về hòa bình. Ai cũng mong muốn mọi người được sung sướng hơn, trường học bề thế, trạm xá tinh tươm. Nhưng ai cũng biết cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi bảo: “Các bác làm cơm bình thường thôi, ngày nào cũng cá, cũng gà, quả thật tôi ngại lắm. Ăn ngon ngủ ấm, không khéo lại viết dở đi”. Ai cũng lắc đầu cười. Tôi thấy xã có tay thái thịt bò trăm lát đều nhau, người ta bảo hắn chuyên nghề nấu ăn mời khách huyện tỉnh. Tay đồ tể này cuộc đời thật khó khấm khá vì người dân bảo hắn béo tốt nhờ phục vụ các đoàn kiểm tra. Tay đồ tể mếu: “Bác bỏ cơm, chúng em mất việc ngay”.
Chúng tôi đề nghị xã cho gặp một gia đình kinh tế khá giả trong trang trại. Hôm sau tôi được đưa đến gặp nhân vật Phú.
Anh ta điển hình làm đủ mọi việc, từ trồng sắn, nuôi một ao cá nhỏ, lấy nước trồng chừng 400m2 lúa. Cái nhìn thấy được là Phú có đàn trâu mấy con to béo, phương phi nhất vùng. Có người bảo y mua được đàn trâu nhờ làm lâm tặc chặt gỗ trong rừng cấm. Phú thanh minh: “Kiếm gỗ dễ thế, hẳn em đã có mấy đàn trâu”.
Phú bảo: “Đời chúng em chăm chỉ cần kiệm đến thế này là hết. Từ miền biển lên đây với hai bàn tay trắng, giờ có nhà gỗ, có đàn trâu, vườn tược. Thú thật, giờ cho về lại quê, em cũng không thích. Nơi này làm ăn tuy khó khăn, nghề mới, người mới, nhưng cũng quen rồi. Con người rừng núi khoáng đạt, chẳng ai để ý chuyện của ai. Em thấy mình hài lòng với cuộc sống hiện tại”.
Tôi nghĩ Phú chính là nhân vật tích cực mà chúng tôi cần tìm. Bài báo hẳn sẽ nói lên chủ trương đúng của huyện, đưa dân đi khai hoang, khai thác thiên nhiên, làm giàu chính đáng. Với lại biển cũng có phải vô tận đâu, đánh bắt mãi được đâu. Tầm nhìn xa chỗ ấy.
Phú kể những ngày đầu lên núi, phải chui rúc trong hang hốc, rồi dựng lều mà sống phải đến nửa năm. Trồng sắn, ăn không quen, còn say suýt chết. Đêm lợn rừng phá, phát hiện ra nghề đi săn, làm bẫy, bắt được cả nai. Thèm nhất nước mắm. Quê ăn không hết, trên này chỉ thường dùng muối thôi. Thèm lát cá thu nướng, nhưng cá đắt quá. Bán cả bì sắn mới mua nổi lát cá ươn. Thực là làm giàu từ hai bàn tay trắng. Giờ cơ ngơi khang trang, chẳng kém gì người địa phương. “Nếu được lên báo, em chết cũng thỏa lòng” - Phú bảo, mời chúng tôi món chồn nướng lá lốt.
Chuyến đi thực tế ấy là chuyến đi cuối cùng của tôi với tư cách nhà báo tới vùng bán sơn địa. Bài phóng sự về phong trào khai hoang của huyện được đăng nguyên vẹn không bị cắt chữ nào, nhận nhiều dư luận tích cực. Nhuận bút của bài báo, cộng thêm tiền thưởng bài báo hay, tương đương ¼ con trâu của Phú. Người dân khai hoang bảo: “Lần đầu tiên chúng em được lên báo, có cả hình ảnh nữa”.
Câu chuyện của tôi trong bài báo xoay quanh con đường làm giàu của Phú. Từ một làng quê ven biển đất chật người đông, đối mặt với hiểm họa của nghề chài lưới giông bão, Phú lên khai hoang trên miền núi, chuyển sang sống bằng săn bắn, trồng trọt, tạo dựng cơ ngơi khang trang hơn cả người địa phương. Phú trở thành một điển hình sản xuất, không chỉ nổi tiếng trong nông trang mà còn cả với dân địa phương, khiến họ thay đổi cách nhìn về người đi khai hoang. Những sáng tạo từ hai bàn tay trắng của Phú khiến người ta tin vào sức sống của những người dân lam lũ nơi rừng sâu núi thẳm. Họ sẽ tạo dựng nên những làng quê mới trù phú mai này.
Anh bạn nhạc sĩ vườn đọc xong bài báo, biên thư cho tôi: “Bác viết thật tài năng, hấp dẫn. Em đưa bác đi mà em còn đọc không sót một chữ. Anh Phú là tấm gương vượt khó hiếm có... Nhiều người muốn noi gương anh Phú, tiếp tục đi khai hoang. Em tin cuộc sống trên ấy sẽ nhiều thay đổi”.
Nhiều năm sau, tôi không có dịp quay lại vùng khai hoang. Chủ tịch huyện năm xưa đã nghỉ hưu và mua nhà ở thành phố lớn. Anh chàng nhạc sĩ vườn cũng về hưu và vẫn theo đuổi công việc viết lách về quê hương mình ở huyện lỵ.
Gia đình mà tôi trú ngụ những ngày viết báo vẫn sinh sống ở ngã ba, chứng kiến nhiều đổi thay. Cô con gái học nhạc viện sau một thời gian theo đuổi âm nhạc giờ chuyển sang kinh doanh xây dựng mỹ thuật ở Hà Nội. Người bạn của cô ta ở quê, thường đệm ghi-ta để cô hát mỗi khi về hè, nay cũng sống trong thành phố Sài Gòn và hầu như không còn cầm tới cây đàn nữa. Họ là những độc giả đầu tiên của bài báo ấy, khi nó còn trong cuốn sổ tay bìa lá cây.
Đôi khi, tôi chợt nhớ đến cái nông trại nhỏ bé nằm dưới cách rừng dẻ. Tôi đã chứng kiến sự ra đời của một làng quê nhỏ bé ấy, cho đến nay, đã trải bao năm rồi nhỉ. Người dân miền biển nay đã trở thành dân sơn cước. Câu chuyện mới đó mà đã như một chuyện cổ tích làng quê.
Tôi không bao giờ gặp lại Phú nữa. Tôi viết hàng ngàn bài báo, việc gặp lại tất cả các nhân vật của mình là điều không dễ.
Tôi đã giữ kín cho mình một chuyện. Khi cầm tờ báo của tôi viết về anh trong tay, anh không vui vẻ mà buồn buồn chậm rãi nói rằng: “Con người ta không thể giàu có và đổi đời chỉ bằng sự cần cù. Phú đã nhận ra điều này khi Phú đi khai hoang”. Phú đã siêng năng, đã cần kiệm hết mức rồi. Rằng anh muốn con của anh nếu nó còn bám với ruộng nương phải sống khác đi.
Bí mật của Phú tôi không viết ra, bởi tôi muốn giữ bí mật theo nguyện vọng của nhân vật. Vâng, Phú gắng nuôi và phát triển đàn trâu của mình, chính là để bán chúng cho chợ huyện. Vợ chồng người nông trang ấy lấy tiền lo đứa con đi thi đại học và học trong thành phố.
Phú đã nói với đứa con tóc vàng hoe của mình như thế này: “Con gắng mà học lên. Theo bố con nên học ngành nông nghiệp rồi quay lại đây với bố. Không phải đàn trâu, chính những con chữ mới đem lại cho con một cuộc đời mới”.
Không hiểu đứa trẻ có hiểu hết lời cha nó không. Tôi thấy nó bâng quơ nhìn ra thật xa, một vùng núi đồi còn hoang dã, khói đang màn màn bốc lên từ những ngôi nhà mà đa số vẫn tranh tre nứa lá... Nhưng tôi thì hiểu, gió bỗng như tiếng thở dài thổi thông thốc trên con đường chạy len lỏi quanh vùng núi còn biết bao người nông trại lam lũ mà khao khát đi lên như nhân vật Phú của tôi.
6-2014