Người mở đường, bên ngoài sân cỏ

Netflix đang chiếu serie phim tài liệu về chàng cầu thủ từng khiến trục quay bóng đá thế giới chao đảo với những quả tạt hình cầu vồng. Tên phim đơn giản mà đầy đủ: "Beckham". Và tờ The Athletic bình luận: "Xem bộ phim này chỉ càng khiến việc thưởng thức bóng đá hiện đại khó khăn hơn mà thôi!".
0:00 / 0:00
0:00
David Beckham
David Beckham

Ðứng dậy, ở nơi vấp ngã

Phim mở đầu bằng bàn thắng nổi tiếng của David Beckham từ vạch giữa sân, trong trận đội Manchester United gặp Wimbledon năm 1997, đánh dấu sự xuất hiện của một siêu tiền vệ cánh, và sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của bóng đá, khi cầu thủ cũng sẽ là siêu sao ngoài sân cỏ.

Có lẽ, David Beckham là người cân bằng giỏi nhất hai vai trò: một ngôi sao bóng đá và một ngôi sao giải trí. Nhưng hãy tạm gạt cuộc hôn nhân ồn ào với Victoria cũng như thân phận người nổi tiếng của Becks sang một bên, để nhớ về tiền vệ cánh David Beckham của những quả tạt như đặt, những cú sút phạt "cứu rỗi", tính chăm chỉ, sự chuyên nghiệp và tình yêu lớn với môn túc cầu.

Nếu không xem serie phim này, có lẽ ta sẽ quên mất (hoặc không thể hiểu rõ tường tận) rằng để vươn lên đến nấc thang cao nhất mà anh đã đứng, Becks (tên thân mật của Beckham) đã phải trải qua rất nhiều khoảnh khắc như sống trong địa ngục. Anh bị cả nước Anh ghét bỏ, tẩy chay, tra tấn tinh thần sau chiếc thẻ đỏ phải nhận ở World Cup năm 1998, bởi cú móc chân va chạm mà sau này "nạn nhân" Diego Simeone của đội tuyển Argentina đã thừa nhận rằng, đó là "một màn kịch thành công". Becks cứ ra đường là bị chửi rủa, nhổ nước bọt, bị gọi là "thằng chó đẻ", "quân khốn nạn"… Anh bị dọa giết, nhận thư hăm dọa gửi kèm đầu đạn, cậu con trai Brooklyn vừa ra đời cũng đứng trước nguy cơ bị bắt cóc. Rất nhiều tháng trời, cứ vừa bước ra sân là Becks bị la ó, huýt sáo.

Trong phim, Rio Ferdinand-đồng đội cũ của Becks nói: "Ngày đó làm gì có ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Cậu ấy phải tự gánh lấy và vượt qua nó một mình. Quá kinh khủng. Còn giờ thì thứ đầu tiên người ta quan tâm tới nhau là tâm lý". Gary Neville-một đồng đội cũ khác ở Manchester United cho rằng: "Những điều đó chắc chắn sẽ giết chết bất kỳ cầu thủ nào, 99%. Bạn đơn giản là không thể vượt qua nổi".

Phần còn lại là lịch sử. David Beckham đã không chỉ vượt qua tất cả, mà còn trở thành một người hùng, một siêu sao. Hai bàn thắng ở phút bù giờ đem lại cho Manchester United chức vô địch Champions League năm 1999 đều in đậm dấu giày của Becks. Cũng nhờ anh với chiếc băng đội trưởng trên tay mà đội tuyển Anh lách qua ô cửa khá hẹp để tới vòng chung kết World Cup 2022.

Người mở đường, bên ngoài sân cỏ ảnh 1

Thời vàng son của Becks ở Manchester United.

Biểu tượng chuyên nghiệp

Những ngày tháng cuối cùng bị ghẻ lạnh ở câu lạc bộ Real Madrid cũng không thể bào mòn tinh thần Becks hay lấy đi sự chuyên nghiệp của anh. Khi Beckham mới chỉ chớm "nói chuyện" với ông chủ đội LA Galaxy (Mỹ), huấn luyện viên Fabio Capello đã ngay lập tức ra quyết định khắc nghiệt: "Cậu không bao giờ được chơi cho đội bóng này nữa". Tệ hơn, ông thậm chí còn không để Becks tập cùng đồng đội. Anh phải đi qua những ngày trở thành "người thừa" theo đúng nghĩa đen, tập một mình ngoài đường pitch.

Nhưng Becks không hề phản ứng, phàn nàn hay tức giận, cũng như cái cách anh chọn im lặng trong vụ "chiếc giày bay" với người thầy cũ Sir Alex Ferguson, hay sau này là gạt bỏ hiềm khích cá nhân với đội trưởng LA Galaxy Landon Donovan. Anh vẫn đến tập đúng giờ, âm thầm và chăm chỉ, khiến vị huấn luyện viên sắt đá Capello phải chấp nhận gọi anh trở lại tập, và đưa anh về đội hình xuất phát của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.

Beckham là người trọng tình nghĩa. Anh chia tay cả bốn đội bóng lớn Manchester United, Real Madrid, LA Galaxy và Paris Saint-Germain đều bằng danh hiệu vô địch, và hết lòng mong mỏi cống hiến chiến thắng, ngay cả khi đã biết trước tới vài tháng rằng, mình sẽ đi. Như là anh hướng đến cái kết đẹp cho những "đoạn tình" nhiều niềm vui và cả những cay đắng, khi khoác áo những câu lạc bộ đó.

Không ít vụ việc ồn ào, nhưng Becks luôn ra đi ngẩng cao đầu và nhận được sự tôn trọng của tất cả, kể cả những người từng có mâu thuẫn với anh. Bị ném giày vào mặt, bị bán đi ngay trong đêm, Becks không một lời nói xấu người thầy cũ Sir Alex Ferguson, thậm chí còn luôn bày tỏ lòng biết ơn và tôn trọng. Bị hắt hủi, phân biệt đối xử ở Real Madrid, Becks vẫn nhắc tới Capello là "một vị huấn luyện viên nghiêm khắc, khó nhằn và tôi yêu điều đó ở ông ấy". Bị huấn luyện viên Donovan nói xấu công khai trên mặt báo, đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp và nhân cách, sau này Becks vẫn bảo: "Tôi hiểu tại sao anh cảm thấy vậy và tôi tôn trọng điều đó". Cả ba nhân vật này đều xuất hiện trong serie phim, để chia sẻ lại suy nghĩ và ký ức của họ về anh.

Vị thế người tiên phong

Becks có lẽ không phải tiền vệ cánh xuất chúng đến thế, nếu không sinh ra ở Anh, và được coi là con cưng của giới truyền thông. Nhưng chắc chắn anh là một nhân vật kiệt xuất. Tầm ảnh hưởng của anh đã vượt ra ngoài bóng đá. Ngoại hình đẹp hoàn hảo, một cô vợ tài năng nổi tiếng đã giúp Becks nhận được sự ưu ái của làng thời trang khi mới ngoài 20 tuổi. Anh trở thành vận động viên thể thao tiên phong trong việc nhận lời mời làm người mẫu cho các nhãn hàng. Kể từ đó, giới cầu thủ biết rằng, ngoài sân cỏ, hay khi giải nghệ một ngày nào đó, họ vẫn có thể tiếp tục một sự nghiệp khác, tiếp tục được lao động. Serie phim cũng tái hiện rõ nét lý do mà cả Manchester United và Real Madrid trở thành hiện tượng toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, tất cả là nhờ sự bùng nổ mang tên David Beckham.

Ngay cả khi đến Mỹ, quốc gia rất thờ ơ với bóng đá, Becks cũng thổi vào làn gió mới. Năm năm anh ở Mỹ, giải Major League Soccer đã tăng số lượng câu lạc bộ tham gia từ 12 lên đến 19 đội cùng doanh thu bán hàng tăng chóng mặt, đến 231%. Anh dọn đường cho những ngôi sao khác: Thierry Henry, Rafa Marquez, Robbie Keane và Tim Cahill cũng tới Mỹ thi đấu trong những năm cuối sự nghiệp. Và mới đây nhất, "bom tấn" Lionel Messi đến Miami FC- câu lạc bộ do chính Becks sở hữu.

Những "khoảnh khắc vàng" trên sân cỏ của Becks kết thúc ở Paris, trong những giọt nước mắt cuối cùng không thể ngăn lại của anh. Becks nói, anh chưa bao giờ nghĩ tới giải nghệ và "muốn đá bóng cho tới khi nào mình không thể đi bộ được nữa".

Dù tất cả những gì ta biết về cầu thủ David Beckham chỉ còn là ký ức và bóng đá đã không còn lãng mạn như trước, những hoài niệm của thời quá vãng ấy vẫn sẽ luôn ở đó, bởi không một thiết bị công nghệ nào có thể ghi lại sự sống động của những khoảnh khắc và ký ức bằng trái tim.

(từ Netflix, The Athletic, và ký ức cá nhân)