Người không buồn "đuổi theo Tesla"

Chỉ cần có mặt ở Festival of Speed (tạm dịch: Lễ hội Tốc độ) được tổ chức hằng năm tại Anh, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh những chiếc ô-tô "bay" trên đường kèm theo tiếng gầm rú chói tai.
0:00 / 0:00
0:00
Mate Rimac
Mate Rimac

20 năm trước, phòng ngủ của Mate Rimac phủ kín bởi những tấm áp-phích về những cỗ máy xé gió ấy. Vậy mà giờ đây, anh lại trở thành một trong những nhân vật "tiên phong" về "điện hóa" ngành công nghiệp ô-tô, nghĩa là góp phần tạo nên sự cáo chung cho động cơ đốt trong.

Cậu bé thợ điện mê tốc độ và "quái kiệt siêu xe"

"Tôi không phải là học sinh xuất sắc", Rimac luôn khẳng định. Nhưng cũng chính chàng trai ấy nhận được tới hai bằng sáng chế điện tử khi mới 17 tuổi. Chỉ một năm sau, khi đủ tuổi "cầm cương", anh đã tậu cho mình một chiếc BMW 3 Series đời 1984 để… đi đua. Khối động cơ già nua, bằng cách nào đó, đã phát nổ chỉ sau một vài lần thử sức. Thế rồi, Rimac đã đưa ra quyết định táo bạo: Chế tạo lại chiếc "xế cưng" chạy hoàn toàn bằng điện.

Rimac tự mày mò từ con số không, để miệt mài theo đuổi ước mơ ấy. Mọi người chung quanh không ngừng giễu cợt "Quái thú xanh" - chiếc xe mới được "độ" lại trên nguyên bản BMW 3 Series từng phát nổ. Dẫu vậy, khi chứng kiến chiếc xe tăng tốc ngang ngửa những siêu xe đời mới, những tràng cười cũng dần lắng lại.

Năm 2009, Mate sáng lập hãng xe điện đầu tiên của Croatia mang tên Rimac Automobili. Chỉ hai năm sau, chàng thanh niên 23 tuổi đã tạo nên tiếng vang chấn động khi trình làng mẫu "siêu xe" thuần điện Concept One. Sau mẫu xe này, công ty cho xuất xưởng phiên bản nâng cấp Concept S, và mới nhất là "siêu phẩm" Nevera. Cỗ xe này đạt tới 23 kỷ lục, trong đó có kỷ lục tăng tốc đến 100 km/giờ trong 1,81 giây và kỷ lục về tốc độ nước rút nhanh nhất từ 0 lên 400km/giờ rồi về 0 trong 29,93 giây. Để so sánh, xe Koenigsegg Regera xếp thứ hai với 31,49 giây và Bugatti Chiron cần 41,96 giây để đạt được thành tích tương tự. Nevera lập tức trở thành món "đồ chơi" ưa thích của giới siêu giàu.

"Khi lớn lên, tôi luôn nhìn vào những chiếc xe đã làm nên lịch sử, vượt qua các giới hạn về hiệu suất, và kinh ngạc trước loại công nghệ mang tính cách mạng mà chúng mang đến. Đó là động lực thúc đẩy tôi ngay từ ngày đầu tiên. Phát triển công nghệ mới giúp định nghĩa lại những gì có thể. Và Nevera là điều điên rồ nhất mà tôi từng thực hiện", Rimac nhấn mạnh.

Đất nước Croatia không có ngành công nghiệp xe hơi, đồng nghĩa việc Rimac thiếu đi những người bạn đồng hành dạn dày kinh nghiệm. Từ thời điểm giới thiệu mẫu Concept One, nhiều cộng sự đã nghĩ rằng đó là câu chuyện viển vông và khuyên anh nên từ bỏ. Giờ đây, Mate Rimac không chỉ là ông chủ hãng siêu xe trị giá hàng tỷ USD, mà còn là người đứng đầu liên doanh mới Bugatti-Rimac, sự kết hợp cùng thương hiệu siêu xe Pháp lừng danh.

Nếu mọi người thắc mắc tại sao Rimac Automobili chỉ trình làng vỏn vẹn ba mẫu xe trong suốt hơn mười năm phát triển, mục tiêu lớn nhất của Mate Rimac chính là việc trở thành nhà cung ứng chính hệ thống điện, pin cho các dòng xe hiệu suất cao. Rimac đã xây dựng tên tuổi công ty với tư cách là nhà sản xuất siêu xe điện và nhà cung cấp công nghệ pin cho những tên tuổi lâu đời lừng lẫy, như Aston Martin, Jaguar và Cupra, một phần của Tập đoàn Volkswagen.

Hãng xe Porsche đã đầu tư vào Rimac Automobili từ năm 2018 và hiện sở hữu 24% cổ phần. Tháng 6/2022, SoftBank và Goldman Sachs đã đầu tư 500 triệu USD, khiến định giá của công ty đạt mức hai tỷ USD.

Người không buồn "đuổi theo Tesla" ảnh 1
Rimac Nevera thu hút sự chú ý tại Festival of Speed.

Ước muốn đặc biệt

Mate Rimac giờ đã trở thành cái tên quen thuộc ở Croatia. Anh đã đưa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi chiêm ngưỡng chiếc Nevera, khi ông đến đây. Tại Festival of Speed, vô số người hâm mộ đã vây lấy Rimac để chụp ảnh.

Rõ ràng, Rimac Automobili đang gặt hái rất nhiều thành công, nhưng Mate Rimac lại đã có kế hoạch cho "cuộc cách mạng tiếp theo" trong ngành công nghiệp xe hơi - điều gì đó sâu sắc hơn điện khí hóa. Anh tin rằng những chiếc xe tự lái sẽ phá vỡ mối liên kết hàng thế kỷ giữa việc lái xe và quyền sở hữu ô-tô. Người đứng đầu liên doanh Bugatti-Rimac tin tưởng vào sự kết thúc của cả "kỷ nguyên xăng dầu" lẫn việc sở hữu ô-tô đại chúng.

"Hơn 95% thời gian, chúng ta lãng phí không gian và bãi đậu xe. Việc hàng tấn nhôm thép không được sử dụng là rất kém hiệu quả. Điều này về cơ bản là bất hợp lý". Rimac đã nhận được một số lời đề nghị tài trợ để "đuổi theo Tesla" và chế tạo xe điện dành cho thị trường, nhưng theo Rimac, điều đó giống như thành lập một công ty VHS (video home system - đầu băng video) khi công nghệ đĩa DVD đã phát triển. Thay vào đó, anh ấy đã quyết định đi theo hướng taxi tự động.

Rimac Automobili đang nghiên cứu các dịch vụ kết nối và công nghệ xe tự lái. Chính Mate Rimac là người trực tiếp phát triển các tính năng hỗ trợ lái tự động trong những tình huống đặc biệt, hệ thống giám sát người lái và bên ngoài xe, cộng với hệ thống huấn luyện tài xế. Anh cũng tham gia viết phần mềm di động cho các nhà sản xuất thiết bị gốc, như ứng dụng cho phép kiểm soát từ xa việc sạc và sưởi ấm xe điện.

"Để tạo ra một sản phẩm thật sự tốt, bạn cần kiểm soát mọi thứ", Rimac nhấn mạnh, "Và khi tôi nói kiểm soát mọi thứ, ý tôi không chỉ là chiếc xe, mà cả phần cứng, phần mềm, phần còn lại của hệ sinh thái lái xe tự hành. Đó không chỉ là chiếc xe, mà còn rất nhiều thứ liên quan".

Nếu quyền sở hữu ô-tô chuyển từ cá nhân sang "đội xe theo yêu cầu", các nhà sản xuất thị trường tầm trung như Fiat, Renault hoặc Citroën có thể trở thành nhà cung cấp cho những người khổng lồ trong ngành công nghệ, thay vì các thương hiệu được thèm muốn.

Rimac sẽ tiếp tục tạo ra loại siêu xe mà anh yêu thích khi còn trẻ, đồng thời cung cấp công nghệ xe điện cho các nhà sản xuất cao cấp. Song song, anh cũng tin rằng lộ trình chuyển đổi sang xe tự lái sẽ rất khó khăn, thậm chí đối với các nhà sản xuất ô-tô lớn nhất hiện nay. Một cách ngắn gọn, anh đúc kết: "Thế nhưng, ai sẽ khóc thương cho một chiếc Toyota Camry? Còn tôi thì chẳng phiền, khi những chiếc xe đó biến mất"…