Người đàn ông "không cô đơn"

Râu ria xồm xoàm, đầu tóc bù xù và bết dính, cùng những vết hằn thời gian chằng chịt trên khuôn mặt, vẻ ngoài của Slava Korotki khiến nhiều người liên tưởng đến nhân vật "Robinson" sống trên hoang đảo trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Daniel Defoe. Trạm Khí tượng Khodovarikha tại Bắc Cực-nơi ông sống và làm việc hơn 15 năm - cũng nằm biệt lập với thế giới, chung quanh là mầu xanh vô tận của biển và mầu trắng lạnh lẽo của băng.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian như ngưng đọng ở nơi băng giá nghìn năm này.
Thời gian như ngưng đọng ở nơi băng giá nghìn năm này.

"Robinson Crusoe" của Bắc Cực

Cứ mỗi ba giờ đồng hồ bất kể ngày hay đêm, Slava lại ra ngoài thu thập dữ liệu thời tiết, để báo cáo với một người mà ông chưa từng gặp. "Gió tây nam, 12m/giây, giật lên tới 18m, mạnh dần lên, áp suất giảm, bão tuyết sắp đến", giọng người đàn ông U70 ồm ồm bên cạnh chiếc máy điện tín kêu rè rè - những âm thanh sự sống hiếm hoi giữa không gian tĩnh mịch.

Khodovarikha từng là một khu dân cư, với dân số ít ỏi. Nhưng tất cả đã bỏ đi, vì sự khắc nghiệt của nó. Người ta chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay lên thẳng, hoặc những chuyến tàu tiếp tế mỗi năm một lần. Không có bất kỳ tiện nghi nào tương tự cuộc sống đất liền.

Slava sống trong căn nhà gỗ được xây từ năm 1933, sưởi ấm bằng củi lấy từ ngọn hải đăng bỏ hoang gần đó. Ông một mình đối mặt với những cơn bão tuyết, những con gấu hung tợn đi lạc, cũng như cảm giác rờn rợn khi gió rít qua cánh cửa gỗ cũ kỹ. Slava mặc một chiếc áo khoác vải bạt đặc trưng từ thời Liên Xô (trước đây), các vật dụng quanh ông đều có ký hiệu CCCP, và trên bàn còn có một bức ảnh của Yuri Gagarin, được ông cắt từ một bài báo viết về cái chết của nhà du hành vũ trụ này năm 1968. Như thể Liên Xô chưa từng sụp đổ. Hoặc thời gian đã ngưng đọng ở nơi băng giá nghìn năm này.

Slava tự nguyện đến làm việc ở trạm khí tượng xa xôi nhất vùng viễn bắc nước Nga, sau nhiều năm lênh đênh trên những chuyến tàu hàng. Động lực đầu tiên đưa ông đến Khodovarikha cũng rất đơn giản: Tiền. Đó là năm ông 48 tuổi, đang thất nghiệp và hoàn toàn phải sống nhờ người vợ mới cưới - một phụ nữ "quá lứa, lỡ thì" không thể có con. Slava dự định đi vài tháng rồi trở về. Nhưng một năm, hai năm rồi 15 năm trôi qua.

Người đàn ông "không cô đơn" ảnh 1
Vẻ ngoài của Slava Korotki khiến nhiều người liên tưởng đến nhân vật "Robinson" sống trên hoang đảo trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Daniel Defoe.

Cách tiếp cận khác với nỗi cô đơn

Cuộc sống của Slava quá xa lạ với hầu hết người dân trên thế giới. Họ tin rằng ông đang chạy trốn cuộc sống thực, hoặc bị gàn dở mới có thể sống ở nơi "khỉ ho cò gáy" ấy lâu đến thế. Trước Slava, từng có một nhà khí tượng bắn chết đồng nghiệp vì phát điên, trong cảnh thiếu giao tiếp với loài người. Cũng có những bạn trẻ chọn đến Khodovarikha, rất yêu quý Slava, nhưng rồi mau chóng rời đi.

Nhưng cuộc sống của Slava không hề cô đơn và nhàm chán, ít nhất là theo cách ông nghĩ. "Mỗi ngày ở Bắc Cực đều không giống nhau, vì thiên nhiên luôn chuyển động với những hiện tượng kỳ thú. Tôi đi săn bắt, sửa chữa thiết bị hay nhặt củi để sưởi ấm - rất nhiều công việc phải làm. Thử so sánh với một người đàn ông trong đất liền, phải làm những việc lặp đi lặp lại từ ngày này sang tháng nọ. Vậy thì ai mới là người nhàm chán?".

Ông giải thích, một ngày ở Khodovarikha trôi qua rất nhanh vì không có gì để đợi chờ. Hãy thử tưởng tượng, bạn sẽ thấy thời gian trôi qua rất lâu nếu đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch. Và bản thân Slava cũng có những ngày rất dài như thế: Chờ đợi chuyến tàu Somov tiếp tế lương thực vào tháng 11 hằng năm.

Nhà văn người Mỹ Charles Bukowski từng nói thế này về sự cô đơn: "Tôi chưa bao giờ thấy cô đơn. Tôi yêu con người mình. Tự bản thân tôi đã là một hình thức giải trí thì sao phải cần ai để làm mình vui?". Câu nói này đã lý giải tương đối hoàn chỉnh cho "nhân sinh quan" của Slava ở Bắc Cực.

Với những người hiếm hoi được tiếp xúc với Slava, người đàn ông thú vị như vậy không thể thấy cô đơn. Niềm vui đến ngay từ những động thái tự trào, trong khi 20 kinh nghiệm giúp ông dễ dàng hòa mình vào thiên nhiên. Nếu như Robinson bị kẹt ở đảo hoang và mong mỏi ngày về, thì Slava lại dường như chỉ có thể là chính mình ở miền hoang lạnh.

Giá trị lưu truyền

Hiển nhiên, Slava Korotki không muốn sống cả đời ở vùng đất lạnh giá này. Ông vẫn còn lời hẹn trở về an hưởng tuổi già với người bạn đời ở Arkhangelsk. Điều tốt đẹp nhất mà người ta có thể nghĩ về ông trong những ngày ở Khodovarikha chính là đạo đức làm việc. Ông đã chọn trở thành nhà khí tượng và vững vàng với quyết định ấy, đều đặn gửi thông tin thời tiết dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông quyết không rời Trạm cho đến khi có người thay thế, hoặc xuất hiện một hệ thống quan trắc tự động không cần con người trong ít nhất một năm.

Không thiếu những người tự nhận "yêu nghề" đến đây trong vài năm qua. Nhưng tình yêu ấy không đủ giữ họ ở lại Khodovarikha hẻo lánh. Năm 2015, một cặp vợ chồng nhà khí tượng trẻ tuổi cũng đến hỗ trợ ông. Ngoài công việc hằng ngày, Slava còn phải đứng ra làm "trọng tài" mỗi khi "chàng và nàng chí chóe".

Slava Korotki đã "hồn nhiên" tin rằng họ sẽ ở lại, không phải để ông có thể "thoát" khỏi đây, mà vì như vậy sẽ có người tiếp tục công việc này nếu ông không còn đủ sức khỏe. Nhưng họ đã lựa chọn rời đi sau một năm. Không có bất kỳ ràng buộc lao động nào ở Trạm khí tượng Khodovarikha. Người ta đến đây làm việc trên tinh thần tự nguyện, và chẳng ai có thể chê trách nếu họ dừng lại.

Khodovarikha giờ đã có hệ thống quan trắc tự động, Slava cũng đã trở về với người vợ thân yêu. Song, câu chuyện về những nhà khí tượng dấn thân cũng còn lưu trong những trang ghi chép, trở thành một dạng "huyền thoại" ở thời đại mà con người gần như không thể thiếu tiện nghi.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?", xã hội chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu có thật nhiều người làm tốt việc của mình. Như Slava…