Nhạc sỹ Quỳnh Hợp

Người đàn bà giàu sắc thái của âm nhạc

Năm 2011 bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được giới thiệu trên báo Thanh niên. Những vần thơ thúc giục mà tha thiết đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của độc giả. Từng là một người lính, nhạc sĩ Quỳnh Hợp hơn ai hết thấu hiểu từng ý tứ sâu xa: Tổ quốc đang bão giông từ biển, Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa, Ngàn năm trước con theo cha xuống biển, Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa...
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sỹ Quỳnh Hợp khi còn biểu diễn trên sân khấu
Nhạc sỹ Quỳnh Hợp khi còn biểu diễn trên sân khấu

Cả ngày trời luấn quấn, day dứt, không thoát ra khỏi sự ám ảnh của bài thơ, Quỳnh Hợp ngồi vào đàn, và cứ thế từng nốt nhạc đang sục sôi dâng trào, thoát ra thành dòng thanh âm vấn vít. Rất nhanh chóng bài hát Tổ quốc nhìn từ biển phổ thơ Nguyễn Việt Chiến hoàn thành.

Cũng khẩn trương không kém, ca khúc được dàn dựng, đưa vào phòng thu với sự hòa giọng của nhóm nhạc nam Artista. Bài hát được phát hành ngay lập tức, được phổ biến và dễ dàng được công chúng rộng rãi đón nhận, giúp tác giả được mến mộ hơn nhiều.

Người đàn bà giàu sắc thái của âm nhạc ảnh 1

Nhạc sỹ Quỳnh Hợp

Mười mấy năm đã qua, giai điệu trầm hùng, ca từ đanh thép của bài hát vẫn vang lên đều đặn trên các làn sóng phát thanh, truyền hình, và cả trong tâm thức của nhiều người dân bình thường, thuần phác nhất, Tổ quốc nhìn từ biển đã thành ca khúc chủ đề, chủ đạo cho nhiều chương trình nghệ thuật lớn:

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờ/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không/ Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi...

Sẵn có một sức viết dồi dào và luôn duy trì, nuôi dưỡng được nguồn cảm hứng với đề tài quê hương đất nước, nhạc sĩ Quỳnh Hợp không chỉ có Tổ quốc nhìn từ biển, chị sở hữu số lượng đáng kể các ca khúc về biển đảo.

Có thể xuất phát điểm là bộ đội, những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ của cuộc đời đứng trong quân ngũ, thấu hiểu cuộc sống, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu của người lính, nhất là những chiến sĩ trẻ, Quỳnh Hợp đã viết như để tặng cho tuổi hai mươi của chính mình và đồng đội.

Ngay sau sự kiện bi tráng 14/3/1988, thời điểm thông tin chưa bùng nổ như bây giờ, cô ca sĩ trẻ của Đoàn Nghệ thuật Không quân đã rung động, viết ngay ca khúc: Nghe em hát ở Trường Sa.

Người đàn bà giàu sắc thái của âm nhạc ảnh 2

Bài hát Tổ quốc nhìn từ biển được nhóm nhạc Artista thu âm và phổ biến rộng rãi ngay lập tức

Vừa sáng tác vừa tự thể hiện, Quỳnh Hợp lúc đó đã góp phần lan tỏa tinh thần quật cường, bất khuất của những người lính đảo anh hùng tới với người dân ở đất liền và cả tình cảm gắn kết của đất liền tới với một phần máu thịt của Tổ quốc ngoài trùng dương: Trường Sa mênh mông biển, và ầm ào gió cát/ Có tiếng hát em ngân vang/ Trường Sa anh đứng gác, giữa trời đảo nhỏ/ Sóng Bạch Đằng, có thể ở Trường Sa...

Là ca sĩ quân đội, đi nhiều, tiếp xúc gặp gỡ nhiều, những trải nghiệm vô giá trong quãng thời gian quân ngũ đã thành chất liệu quý báu cho Quỳnh Hợp, khi chị chuyển sang sáng tác.

Nhờ thế, mạch cảm xúc biển đảo ươm mầm bén rễ từ sớm, luôn âm ỉ lớn dần trong sâu thẳm nỗi lòng Quỳnh Hợp là cơ hội để liên tiếp nhiều ca khúc tri ân người lính đã góp mặt trong gia tài âm nhạc của chị. Một loạt ca khúc: Tình ca sau đêm bão, Với Trường Sa, Ra khơi, Kỷ niệm Trường Sa, Tạm biệt Trường Sa... hay Lính đảo đợi mưa Quỳnh Hợp phổ nhạc từ bài thơ nổi tiếng Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thành quả sau chuyến đi Trường Sa năm 2011 cũng luôn được mấp máy trên môi những người lính, và không riêng người lính...

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có nhà ra đường bước vài bước chân là tới Tháp nước Hàng Đậu, Quỳnh Hợp từng thể hiện chất “con gái phố cổ” bằng ca khúc Sắc đào Nhật Tân phổ thơ Thái Thăng Long cuống quýt, níu kéo, mời gọi: chỉ chờ đào hé nụ, cái cớ lên Nhật Tân, sông Hồng chiều thần thánh, mưa giăng như sông Ngàn, nhưng rồi chị lại tạo lập sự nghiệp nơi mảnh đất phương nam sầm uất. Đa sắc thái, biến chuyển linh hoạt, chị có thể tạo thành những khúc tráng ca như Tổ quốc nhìn từ biển, vẫn có thể lôi cuốn ma mị âm hưởng dân gian trong Sắc đào Nhật Tân rồi trẻ trung, vui nhộn ở Phố Hội như mơ.

Lợi thế học hành bài bản, lại từng làm ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ Quỳnh Hợp luôn chủ động tạo ra được dấu ấn riêng trong các sáng tác của mình, dù là đề tài muôn thuở, nhưng giai điệu không bị cũ, không sáo mòn lặp lại.

Theo chồng chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Quỳnh Hợp theo học sáng tác tại Nhạc viện Thành phố rồi xuất ngũ, trở thành biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân đân TP Hồ Chí Minh.

Làm báo, dù là mảng phát thanh âm nhạc, vẫn đi nhiều, Quỳnh Hợp lại có thêm điều kiện để tới nhiều vùng miền Tổ quốc. Chị vẫn viết bằng nguồn năng lượng không ngưng nghỉ, như một cách thức đơn giản nhất để biến những ngày thường trở nên ý nghĩa.

Viết về Điện Biên và ra được cả album nhân kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, viết về Đà Nẵng đến độ luôn trở thành vị khách đặc biệt của “thành phố đáng sống” trong những dịp lễ hội quy tụ đông người, viết về phố cổ Hội An, xứ biển Phú Yên..., hầu như miền đất nào đi qua cũng được Quỳnh Hợp lưu dấu ký ức bằng âm nhạc. Âm nhạc như thường trực trong con người Quỳnh Hợp, chỉ chờ chị ngồi vào đàn là thành một ca khúc mới toanh.

May mắn sắp đặt ngăn nắp, vén khéo cuộc sống gia đình, khiến mỗi ngày qua đi đều thảnh thơi nhàn tản đã giúp Quỳnh Hợp không bị phân tán bởi những vụn vặn cuộc sống thường ngày, chỉ tập trung chăm chút cho âm nhạc.

Những năm mới định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, vừa học, vừa làm việc, vừa nuôi con, chị cũng như nhiều văn nghệ sĩ, tháo vát lanh lợi xoay đủ nghề kiếm thêm thu nhập. Lớp học đàn của cô giáo Quỳnh Hợp mở ra, chỉ phục vụ cho trẻ con ngay trong khu chung cư cũng kín lịch, cái thời trẻ con Thành phố đua nhau đi học đàn organ, đàn piano và từ những lớp học gia đình dễ thương ấy, nhiều búp măng non đã lớn lên, trưởng thành, trở thành nghệ sĩ biểu diễn...

Người đàn bà giàu sắc thái của âm nhạc ảnh 3

Tập Tuyển chọn 130 ca khúc về Đà Lạt do nhạc sỹ Quỳnh Hợp và nhà báo Hà Đình Nguyên thực hiện

Đi mãi chưa ngừng, một ngày, cơ duyên đặc biệt đưa Quỳnh Hợp đến Đà Lạt để từ đó, phố núi mộng mơ đã có ngay thật nhiều những bài hát tụng ca vẻ đẹp “càng ngắm càng yêu” của mình. Viết về Đà Lạt Quỳnh Hợp còn giúp sức tuyển chọn, biên tập, xuất bản ấn phẩm gồm cả trăm ca khúc của các tác giả riêng cho thành phố ngàn hoa.

Tuyển tập 130 ca khúc về Đà Lạt của 130 tác giả vừa trình làng, do nhạc sỹ Quỳnh Hợp và nhà báo Hà Đình Nguyên thực hiện nhân kỷ niệm 130 năm thành lập thành phố - một kỳ công được thành hình nhờ rất nhiều thời gian, sức lực và tình yêu của chị. Cảm giác như bên trong người đàn bà luôn vui vẻ, luôn ung dung tự tại có sức làm việc không giới hạn, chị luôn ăm ắp những kế hoạch trong mình, và nhẩn nha hiện thực hóa chúng.

Năm 2024 với Quỳnh Hợp là hoàn thành dự án âm nhạc kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, và tiếp nối dự án cho Đà Nẵng, Hội An... những địa danh đong đầy kỷ niệm. Hầu như năm nào cũng có album mới, mỗi năm mới đến lại có ý tưởng mới, công việc mới, nhạc sĩ Quỳnh Hợp không hề muốn làm một cán bộ hưu trí rỗi rãi khi mà âm nhạc vẫn đang thúc giục, cuốn hút, vẫn ăm ắp tràn đầy trong người đàn bà tài năng, giàu nhiệt huyết...