Người cách tân sự lịch lãm

Ngành thời trang từ xưa đến nay vẫn tồn tại một nghịch lý: Có cả một "đội quân" nam giới thiết kế thời trang cho phụ nữ, nhưng lại chỉ có một nhóm nhỏ phụ nữ trong ngành may mặc cho nam, và Véronique Nichanian - người phụ nữ đứng sau "đế chế thời trang nam" của Hermes là một trong số ít đó. Cả sự nghiệp của bà bị ám ảnh bởi sự vừa vặn đến từng milimet của chiều dài cổ tay áo hay dây thắt lưng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thiết kế Véronique Nichanian là người phụ nữ đứng sau "đế chế thời trang nam" của Hermes.
Nhà thiết kế Véronique Nichanian là người phụ nữ đứng sau "đế chế thời trang nam" của Hermes.

Sự phủ định đầy cảm hứng

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, mọi người muốn mặc gì khi họ hầu như không rời khỏi căn hộ của mình? Bộ sưu tập mùa xuân và mùa thu năm 2021 của Hermes, trả lời cho thắc mắc đó, khiến cộng đồng yêu thời trang trên thế giới thích thú. Áo sơ-mi không cổ bằng cotton mầu tím được mặc bên trong áo vest len sọc nhiều màu, hay áo pyjama được kết hợp với áo nỉ,... tất cả vẫn được hoàn thiện tỉ mỉ và xa xỉ đúng tinh thần Hermes, nhưng cũng vẫn thật thoải mái tự do.

Đó chỉ là một trong nhiều điều táo bạo mà Véronique Nichanian đã làm trong suốt sự nghiệp của mình.

Dấu mốc đầu khiến người phụ nữ ấy quyết tâm dấn thân vào ngành thời trang nam từ sự kiện xảy ra vào tháng 5/1971, một đám cưới với chú rể "đi giày thể thao mặc vest, kết hợp cùng áo ba lỗ trắng bên trong" gây rúng động làng thời trang khi ấy. Nichanian nhớ lại: "Mọi người đều nói điều đó là không thanh lịch. Nhưng đối với tôi, đó là một sự phủ định đầy cảm hứng. Nó xác nhận rằng sự thoải mái và cá tính là con đường của tương lai!".

Năm 1976, Nichanian đăng ký học tại École de la Chambre Syndicale de la couture Parisienne (Tổ chức giáo dục đại học tư thục về các ngành nghề sáng tạo) được thành lập vào năm 1927, chuyên ngành thời trang. Khi ấy, thái độ dành cho quần áo và phụ kiện của nữ giới tại Paris đã dần có nhiều thay đổi.

Nhưng nằm ngoài sự biến động của thị trường, trong giáo trình mà Nichanian được học tại trường, những yếu tố thanh lịch và trang nhã luôn là "bất di bất dịch". Tuy vậy, bà vẫn bị thu hút bởi những điều mới mẻ và đối nghịch. Tốt nghiệp thiết kế thời trang nữ nhưng ngay khi vừa ra trường, Véronique chọn về đầu quân cho thương hiệu Nino Cerruti (của Italy), với cương vị là nhà tạo mẫu dành cho nam. Bà chia sẻ, bản thân thích thú với ý tưởng áp dụng các kỹ năng của mình ở một lĩnh vực xa lạ.

"Hãy cứ làm những gì bạn muốn!"

Ở Cerruti, Nichanian bị mê hoặc bởi sự khắt khe của giới may đo. Trong những studio tại Milan hay Paris, bà trau dồi khả năng, nhằm tạo ra những kiểu dáng giản dị nhưng tinh tế. Đương nhiên, chuyện phải làm việc với một nhóm toàn là nam giới cũng khiến bà gặp nhiều khó khăn, nhất là làm sao để được coi trọng: "Tôi đã từng bị sếp bác bỏ ý kiến với lý do "Đó chỉ là ý kiến của phụ nữ"!". Đương nhiên, sau đó, chất lượng công việc và sự tận tụy cống hiến cho từng bộ sưu tập đã giúp bà giành được chỗ đứng cho riêng mình.

Không chỉ trở nên rắn rỏi hơn, tại Cerruti, nhà thiết kế nữ duy nhất cũng được khai phá niềm đam mê với các loại vải. Bà đến thăm từng nhà máy dệt của công ty, không ngần ngại đưa ra ý kiến và giúp tạo ra các kỹ thuật mới phù hợp với xu hướng. 11 năm gắn bó với Cerruti, bà đã chứng minh: Một người phụ nữ hoàn toàn có thể phá vỡ mọi quy chuẩn, để làm ra những bộ đồ mà nam giới ưa chuộng.

Đến năm 1987, Jean-Louis Dumas, giám đốc nghệ thuật của Hermes khi ấy, gọi cho bà, với lời mời cộng tác.

Ban đầu, Nichanian đã nghĩ rằng đó là một cuộc gọi nhầm số, hoặc thậm chí bà đang là nạn nhân của một trò đùa ác ý. Bà hoàn toàn không nghĩ rằng một người có thể thay đổi, vực dậy thành công cả một "đế chế" thời trang như Dumas có thể "để mắt" đến mình. Khi biết lời mời là hoàn toàn nghiêm túc, bà vẫn chưa vội đồng ý, bởi vẫn yêu thích môi trường làm việc tại Cerruti. May mắn, Dumas đủ kiên định và tinh tế. Ông mời Nichanian đến văn phòng... chỉ để ăn sáng.

Gặp mặt trực tiếp, Dumas thể hiện sự nghiêm túc và mong muốn hợp tác với bà bằng sự "ngỏ lời" chân thành nhất, điều đến nay vẫn được giới thời trang đánh giá là một thỏa thuận huyền thoại, chỉ vỏn vẹn vài chữ: "Hãy làm như những gì bạn muốn!".

Với người phụ nữ mang tham vọng thay đổi ngành thời trang nam, lời mời đó là không thể chối từ.

Người cách tân sự lịch lãm ảnh 1
Người mẫu nam trong trang phục bộ sưu tập Xuân Hè 2021 của Hermes.

Chủ nghĩa hoàn hảo từ trong gene

Đi ngược lại với tốc độ của các hãng thời trang khác, Nichanian không bị áp lực phải tung ra liên tiếp các bộ sưu tập theo mùa, bởi như đã nói, bà được làm mọi điều mình muốn, và theo Nichanian: "Cần có thời gian để làm ra những điều thật sự tốt! Tôi muốn may quần áo thật đẹp, bằng loại vải tốt nhất với tỷ lệ đẹp nhất!".

Người đã gieo mầm cho "chủ nghĩa hoàn hảo" trong Nichanian, không ai khác, chính là bố của bà. Người đàn ông gốc Armenia cho thấy khả năng kinh doanh và kỹ năng làm bánh tuyệt vời, ông điều hành thành công một công ty bánh ngọt, tạo dựng một tổ ấm đủ đầy cho vợ và con ở Quận 19, Thủ đô Paris - nơi luôn là điểm đến nổi tiếng sau giờ học của bạn bè con gái. Nhưng người đàn ông ấy cũng cho thấy mình là người khắt khe từ công việc cho đến nuôi dạy con cái: Thành tích học tập xuất sắc ở trường là điều hiển nhiên mà "cô con gái rượu" Véronique nhất thiết phải duy trì.

Sự quan tâm và tỉ mỉ với trang phục hằng ngày của cha mẹ khiến Nichanian sớm thích thú với thời trang. Bố của bà luôn ưu tiên lựa chọn những bộ vest được đặt làm riêng, cắt may theo đúng những quy chuẩn cứng nhắc, đúng "thông lệ quý ông" thời Trung cổ, trong khi đó, "quý bà" Nichanian lại ưa chuộng những chiếc khăn lụa của Hermes. Là sự pha trộn thú vị giữa gu thời trang của hai người, Nichanian trở nên "nổi loạn" hơn. Ngay từ nhỏ, nhà thiết kế đã mua vải bằng tiền tiêu vặt để may áo khoác và sơ-mi, bắt chước phong cách của... anh trai.

Không phản đối con gái út theo đuổi đam mê thời trang, ông bà Nichanian chỉ đặt ra duy nhất một yêu cầu: Con phải là người giỏi nhất!

Và chắc chắn, đến giờ, bà đã không làm họ thất vọng.