Ngôi sao bị bầu trời chối bỏ

"Khi ấy tôi không thể nhận thức được những thứ như là danh vọng, tài năng, tuyệt đỉnh, diệu kỳ… Tôi thậm chí còn không hiểu tại sao tôi lại đứng trên sân khấu, hát hết bài nọ đến bài kia cho mọi người nghe và họ khen hay. Lúc ấy, tôi hoàn toàn khờ dại…". Đây là câu trả lời ở giây thứ 22 của Sinéad Marie Bernadette O’Connor (nữ ca sĩ, nhạc sĩ, nhà hoạt động chính trị người Ireland mà hầu như các thế hệ 7x, 8x đều định danh bất di bất dịch là Sinéad O’Connor Nothing Compares 2U) dành cho nữ nhà báo kỳ cựu Alice Beer của Hãng BBC, trong buổi phỏng vấn thực hiện năm 2002.
0:00 / 0:00
0:00
Sinéad Marie Bernadette O’Connor
Sinéad Marie Bernadette O’Connor

Đoạn tư liệu này được BBC Archive đăng tải vào ngày 27/7/2023- ngay sau khi Sinéad O’Connor qua đời ở tuổi 56, đạt 1,3 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ, với tổng cộng 1,1 nghìn lời bình luận.

Một người phụ nữ thốt lên: "Tại sao phải đợi đến lúc họ qua đời, thì hàng loạt những bài viết và các đoạn phim phỏng vấn, những thứ mà tôi chưa hề đọc, chưa hề xem trước đây mới hiển thị?".

Một người khác châm biếm: "Có gì khó hiểu đâu. Khi cô ấy gặp khủng hoảng tâm lý, họ chế giễu rằng cô béo và mất trí, nghiền nát cô ấy không khoan dung. Giờ cô ấy chết rồi, thì những mỹ từ xưng tụng tuôn ra như suối, vì cô ấy sẽ không thể đọc được nữa".

Trong 1,1 nghìn lời bình luận, có duy nhất một người viết: "Tôi không thích cô ấy, vì cô ấy nổi loạn quá".

99% còn lại cho rằng: Sinéad O’Connor là một người phụ nữ "dũng cảm, thông minh, xinh đẹp, thẳng thắn đến tàn nhẫn, trung thực đến mức đáng ghen tỵ"; một người "sẵn sàng trả mọi giá để được là chính mình, luôn nói ra sự thật, đấu tranh cho sự thật và không chịu ảnh hưởng của bất cứ điều gì".

Và rằng, "cô ấy là một tấm gương, khiến chúng ta nhìn thấy mọi điều ta muốn nói mà không dám nói. Cô ấy là "một hình mẫu anh hùng, người chiến đấu không khoan nhượng vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em", nhưng rốt cuộc "phải đợi đến lúc chết, cô mới được tôn vinh. Bởi vì, dù cô nói lên tiếng nói của thế hệ chúng ta, nhưng đáng buồn thay, cô còn là nạn nhân của xã hội ấy nữa".

SINÉAD Marie Bernadette O’Connor sinh năm 1966, và trong tên cô, ta có thể thấy tên người mẹ, bà Marie. Năm 2012 và 2017, trả lời phỏng vấn tạp chí People và chương trình Dr.Phil của nhà tâm lý học, tác giả, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ nổi tiếng Phillip Calvin McGraw, Sinéad O’Connor thổ lộ: "Mẹ tôi không bao giờ khen tôi xinh đẹp. Chúng tôi cứ mặc mãi một bộ quần áo. Không giặt. Bà ấy nghiện ma túy và không rời khỏi giường, cũng không bật đèn. Bà ấy khiến em tôi gào thét lên. Từ người bà tỏa ra mùi bệnh hoạn, không, đúng hơn là mùi của ác quỷ".

"Dù mẹ tôi dành hàng giờ để đá tôi, bảo rằng không nên sinh tôi ra…, tôi vẫn muốn ôm mẹ, xoa dịu mẹ. Mỗi lần tôi cất tiếng hát, giống như tôi đang ru phần dữ ác trong mẹ ngủ yên. Thế là tôi cứ hát mãi. Khi mẹ mất, tôi nhớ bà ấy phát điên. Nếu bà ấy ở đây lúc này, tôi sẽ quăng mình vào người bà như một con khỉ, nói rằng tôi yêu bà tha thiết, dù rằng cuộc đời tôi thật khủng khiếp. Nó phần nào lý giải vì sao tôi muốn tự tử. Là vì tôi muốn có mẹ quá, đến nỗi không thể chờ một cái chết tự nhiên để gặp lại bà trên thiên đường".

Những giọt nước mắt lại lăn dài trên má người ca sĩ. Không khác so với những giọt nước mắt trong phần quay minh họa bản Nothing compares 2U năm 1990, phân cảnh khiến cả thế giới bàng hoàng, khi Sinéad O’Connor nhìn thẳng vào ống kính máy quay với đôi mắt sâu như một miệng vực sầu muộn không đáy, giọng hát nữ cao mezzo nhiều quãng tám hát mà như khoan xoáy từng câu hỏi vào trái tim khán giả.

Bài hát lập tức nằm ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Mỹ suốt bốn tuần liền, rồi chinh phục châu Âu, Australia, nhận ba đề cử giải Grammy…, những hào quang mà Sinéad O’Connor vốn không hướng đến.

Khi ca sĩ nổi tiếng Prince sáng tác Nothing compares 2U năm 1984, ông hoàn tất nó chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Và, nó trôi tuột đi, cho đến lúc neo đậu vào những giọt nước mắt của Sinéad O’Connor.

"Tôi không định khóc. Tôi đã không khóc khi hát trong phòng thu. Nhưng trước ống kính máy quay thì khác. Giống như một con mắt to tướng đang im lặng nhìn mình. Tôi nghĩ đến mẹ. Và khóc".

Sự cô đơn chốc lát của Prince dễ dàng nguôi ngoai. Còn Sinéad O’Connor, lúc đó 24 tuổi, người phải bỏ nhà chạy trốn lúc 13 tuổi, người năm 15 tuổi bị tống vào một cơ sở giáo dưỡng có tên Xưởng giặt là Magdalence do dòng Nữ tu Bác ái cai quản, rồi phải sống ở đó suốt 18 tháng như một kẻ "hư hỏng, có vấn đề", thì sự cô đơn giống như những ký tự được nung đỏ và áp vào trái tim, vào đôi mắt, vào tâm hồn, mãi mãi không thể chữa lành.

"Làm gì có cái gọi là liệu pháp tâm lý ở Magdalence? Quần áo để giặt là cũng không. Họ nhốt chúng tôi trong đó, toàn trẻ gái chứ không phải phụ nữ trưởng thành. Chúng tôi khóc mỗi ngày, bị cắt đứt khỏi gia đình và cuộc sống bình thường, bị tước đoạt tuổi thơ chỉ bởi vì họ cho rằng chúng tôi xấu xa. Tôi từng bị phạt phải ngủ cùng sáu bà nữ tu già đang hấp hối. Dù sợ chết khiếp, tôi vẫn không hề nhận thức rằng đó là một hình thức bạo hành".

Cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, mọi sự xuất hiện của cô trước truyền thông, dù là dấu ấn khét tiếng nổi loạn đẩy sự nghiệp của cô vào tình thế bị tẩy chay công khai; hay khi nói về mẹ, về âm nhạc, về căn bệnh rối loạn lưỡng cực của mình, về sự kết nối với Đấng bề trên nào đó lúc cô cất tiếng hát; dù là khi cô 20 hay 50 tuổi, thì nếu xem kỹ, ta sẽ chỉ thấy một cô bé đầy tổn thương, sợ hãi, trong hình hài người phụ nữ phải mang vác quá nhiều khổ đau.

"Tôi sẽ mô tả mình như một chú chó cứu hộ. Tôi được đào tạo bài bản đến nỗi, ngay khi vừa đánh hơi thấy mùi của thương đau, tôi lập tức hóa thành quái thú…Tôi không muốn bị cưỡng hiếp như tôi đã từng bị. Tôi không muốn bị lạm dụng tình dục. Tôi không muốn ăn mặc như con gái. Tôi không muốn trở nên xinh đẹp!". Bao nhiêu lần, Sinéad nhắc đi nhắc lại nỗi thống khổ này.

SINÉAD O’Connor luôn hát như thể ngày mai sẽ không đến. Sự mãnh liệt ở cô là một cơn giận dữ ngấm ngầm, mà chỉ khi cất được tiếng hát, những thù hận mới rã tan như khói. "Một lần cất tiếng hát là hai lần tôi cất lời cầu nguyện", cô dùng tiếng hát mong thoát khỏi hiện thực, thoát khỏi những trầm uất của chứng rối loạn lưỡng cực cũng như hội chứng căng thẳng hậu sang chấn và rối loạn nhân cách ranh giới, để chiến đấu cho thế giới đỡ bất công, đỡ tàn nhẫn. Để luôn thành thật với chính mình.

Nhiều người để lại hai chữ "Thiên thần" khi nói lời từ biệt dưới các bài viết hay đoạn phim tư liệu về cô. Nó khiến tôi nghĩ đến Aoraki Mackenzie, khu bảo tồn bầu trời đêm ở núi Cook, New Zealand, nơi những vì sao không bị phai mờ bởi đèn điện từ các tòa nhà cao tầng, và ta có thể ngắm nhìn dải ngân hà rực rỡ và trọn vẹn. Biết đâu ở nơi ấy, nếu may mắn, ta sẽ lại thấy Sinéad O’Connor từ một khoảng cách xa xăm.

Hoặc, ta chắc chắn sẽ phải khẽ ôm lấy trái tim khi xem bộ phim tài liệu Nothing Compares của đạo diễn Kathryn Ferguson về cuộc đời của Sinéad O’Connor. Bộ phim sẽ bắt đầu công chiếu toàn cầu, từ ngày 7/10/2023.