GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn:

Nếu đi chậm, Việt Nam có thể "lỡ tàu" cách mạng 4.0

GS Vũ Hà Văn - Đại học Yale (Mỹ), là nhà Toán học Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu khoa học quốc tế xuất sắc, trong đó có giải thưởng Polya được trao bởi Hiệp hội Toán Ứng dụng và Công nghiệp và giải thưởng Fulkerson được trao bởi Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ. Năm 2018, GS Vũ Hà Văn nhận lời mời làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Vingroup Big Data Institute - VinBigdata) do tập đoàn Vingroup thành lập. Ông đã trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về những vấn đề ứng dụng cách mạng 4.0 tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
GS Vũ Hà Văn.
GS Vũ Hà Văn.

Ông đánh giá thế nào về quá trình ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam?

Việt Nam đang đứng trước cơ hội hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự hội nhập ấy cần nguồn lực về con người và tri thức là chính. Việt Nam có nguồn lực ấy, chỉ có điều là chúng ta tận dụng được cơ hội hay để lỡ?

Tôi cảm nhận rằng, Việt Nam chưa đi được nhanh như chúng ta mong muốn vì không phải tổ chức nào, doanh nghiệp nào cũng nhận thấy sự cần thiết của việc đầu tư vào công nghệ.

Công cuộc đổi mới 4.0 được nói đến nhiều ở Việt Nam, rất nhiều cơ quan dành ngân sách đáng kể cho chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo hay khoa học dữ liệu nhưng sự đầu tư vẫn đang dè dặt. Sự dè dặt đó có thể vì lợi ích của công nghệ chưa được cảm nhận một cách toàn diện, hay việc ứng dụng công nghệ cũng chưa đồng bộ. Thí dụ, với công nghệ nhận diện hình ảnh hoàn toàn có thể phân tích được hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong những khu vực nhất định như trung tâm thương mại hay chợ, nhưng chúng ta chưa sử dụng dữ liệu ấy. Gian hàng nào hay được khách hàng ghé thăm, thời lượng bao nhiêu, khách hàng độ tuổi nào,... những phân tích này giúp thu thuế các chợ một cách khoa học và chính xác hơn, hay vận hành các cửa hàng hiệu quả hơn. Phương pháp này phổ dụng ở phương Tây, nhưng ở ta có lẽ phần lớn các công việc này vẫn được làm theo cảm tính, dựa trên một số liệu thống kê thô.

Tỷ trọng đầu tư của chúng ta vào khoa học công nghệ chưa hẳn là cao so với thế giới thế nhưng lại có nhiều đơn vị không thể giải ngân hết ngân sách này. Có nhiều lãnh đạo địa phương chia sẻ rằng, rất muốn đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ nhưng vướng nhiều thủ tục chồng chéo nhau. Tương đối khó để tiến hành một dự án đầu tư vào công nghệ mà đúng với quy định. Đầu tư thì có rủi ro, chúng ta có thể được chấp nhận rủi ro tới mức nào?

Thực tế cho thấy ứng dụng 4.0 không quá khó khăn nhưng mang lại lợi ích to lớn. Theo ông vì sao việc này đang diễn ra chậm chạp?

Quả thật có nhiều ứng dụng công nghệ khá đơn giản về mặt ý tưởng nhưng mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, chẳng hạn như thực hiện số hóa ở bệnh viện. Hiện nay, nhiều, thậm chí đa số bệnh viện in các kết quả chụp chiếu lên phim cho bệnh nhân mang về. Phần lớn chúng ta không thể lưu trữ hết các dữ liệu này tại nhà (một phần số phim chụp chiếu khá nhiều, phần khác khí hậu ở Việt Nam cũng thường gây ẩm mốc). Đến khi khám lại cùng một vấn đề, ít người giữ được các tấm phim từ 5-7 năm trước, mà giá trị của nó trong việc giúp các bác sĩ chẩn đoán, tiên liệu bệnh là rất lớn. Các nước phát triển, từ rất lâu, lưu trữ các kết quả này dưới dạng số trong hệ thống máy tính của bệnh viện. Bác sĩ có thể tham chiếu toàn bộ lịch sử cùng kết quả các đợt khám trước của bệnh nhân bất kỳ khi nào.

Thật ra, thí dụ trên không liên quan gì tới 4.0, hay công nghệ hiện đại. Các hệ thống lưu trữ này đã tồn tại nhiều thập niên. Công nghệ của ngày hôm nay có thể giúp chúng ta không những lưu trữ ảnh, mà còn có thể dùng các thuật toán hiện đại để đọc ảnh, giúp bác sĩ phát hiện các vùng tổn thương, hay chẩn đoán căn bệnh. Công nghệ cũng có thể giúp kết nối hệ thống dữ liệu và chuyên gia từ các bệnh viện khác nhau, giúp tối ưu nguồn lực. Các hệ thống như vậy đã và đang được VinBigdata nghiên cứu xây dựng và khai triển với nhiều hệ thống bệnh viện, như hệ thống Vinmec hay bệnh viện tỉnh Phú Thọ.

Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, khi Việt Nam, vì nhiều lý do chủ quan hay khách quan, không thể tham gia. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang có cơ hội đi cùng với thế giới. Nhưng nếu đi chậm, khoảng cách giữa ta và các nước phát triển ngày càng xa thì lại "nhỡ tàu". Đây là một cuộc đổi mới mà trong đó các kiến thức tương đối mở. Trong nhiều lĩnh vực, một sinh viên đại học giỏi có thể tạo dựng những thuật toán với độ chính xác không kém các thuật toán tốt nhất của các công ty công nghệ lớn là bao nhiêu. Nhân tài và dữ liệu là tài nguyên cơ bản để phát triển công nghệ, đó là lý do vì sao chúng tôi chọn cái tên Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn. Hãy dùng các tài nguyên này cho người Việt. Thật buồn nếu một ngày chúng ta phải mua lại các sản phẩm công nghệ được các hãng nước ngoài tạo dựng trên dữ liệu của chính chúng ta, thậm chí với nguồn lực do chính chúng ta đào tạo.

Mức độ sẵn sàng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam đang vào loại thấp ở Đông Nam Á. Là một giáo sư từng giảng dạy ở nhiều đại học danh tiếng của Mỹ, theo ông, giáo dục đại học ở Việt Nam cần đổi mới như thế nào đ nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới sáng tạo của đất nước?

Tôi cho rằng các trường đại học phải gần với cuộc sống hơn. Hiện nay, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp, đi làm thì phải mất 2-3 năm mới có thể được giao những công việc tương đối độc lập. Để rút ngắn khoảng cách đó, các trường đại học nên đi song song với doanh nghiệp để trong quá trình học tập, sinh viên được làm các công việc thực tế nhiều hơn. Ở Mỹ, vào mùa hè rất nhiều sinh viên đi làm thêm ở các doanh nghiệp, nơi luôn có chủ trương lấy những sinh viên giỏi để đào tạo trong hè, trả mức lương rất đáng kể, để sau này có thể biến những người này thành nhân viên của họ. Trong tình huống này, bản thân trường đại học, người thầy và giáo trình cũng phải thay đổi hàng năm, vì mục đích cuối cùng của họ là đào tạo ra con người có ích cho xã hội. Thí dụ trong vòng 10 năm gần đây, hầu như trường đại học lớn nào cũng mở ra một khoa mới, hay một trung tâm mới, chuyên nghiên cứu về khoa học dữ liệu.

Ở Việt Nam, nguồn nhân lực giảng dạy nghiên cứu ở các trường đại học chưa được dồi dào. Nhiều trường phải mượn giảng viên. Nhưng, khó khăn hơn nữa, chúng ta chưa có nhiều cá nhân thật sự xuất sắc. Muốn thay đổi tình trạng này, có lẽ cần một cơ chế đột phá để mời gọi được những nhà khoa học thật sự giỏi đến làm việc. Về tâm lý, đúng là có sự băn khoăn khi trong cùng một cơ quan, có những mức lương hơn nhau 5-10 lần. Nhưng ảnh hưởng của một nhà khoa học lớn, so với một người trung bình, thì không chỉ dừng lại ở con số 10. Các phát kiến nổi tiếng trong khoa học thường được gắn với tên tuổi 1-2 người, ít khi là với cả một tập thể. Các trung tâm nghiên cứu lớn, cũng thường bắt đầu chỉ bởi 1-2 người.

Đầu tư làm một cây cầu là rất đắt đỏ, nhưng nếu thành công, sẽ thúc đẩy giao thương, thay đổi cuộc sống và sự phát triển của cả một địa phương. Và lợi ích nó mang đến, theo thời gian, sẽ gấp rất nhiều lần chi phí của cây cầu đó. Việt Nam cũng rất cần những "cây cầu" khoa học như thế để kết nối chúng ta với thế giới.

Ông có kỳ vọng tạo ra sự thay đổi trong nghiên cứu và đào tạo các nhà khoa học trẻ với Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) trực thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do ông điều hành?

Quỹ VinIF hỗ trợ kinh phí không hoàn lại cho các nhà khoa học làm việc, xây dựng đội ngũ sinh viên, đội ngũ nghiên cứu. Thay vì hỗ trợ nhiều đề tài, chúng tôi tập trung cho một số đề tài rất chọn lọc nhằm mục đích xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu tinh hoa, không chạy theo số lượng.

Trong vòng ba năm đầu, VinIF đã giải ngân hơn 600 tỷ đồng. Có lẽ đây là đóng góp rõ rệt nhất từ các quỹ tư nhân vào khoa học hiện nay. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có những tập đoàn khác vận hành các quỹ tương tự. Ở các nước phát triển, sự đầu tư, hỗ trợ từ các quỹ tư nhân vào khoa học và giáo dục là rất đáng kể, chiếm tỷ trọng lớn trong hỗ trợ khoa học nói chung.

Mục tiêu đầu tiên của quỹ VinIF là giúp tạo ra một lớp nhà nghiên cứu trẻ, tiệm cận được với trình độ của thế giới. Số tiền trên được dùng để hỗ trợ một số dự án có chất lượng cao, cấp học bổng cho các em học sinh giỏi muốn tiếp tục nghiên cứu sau đại học (làm thạc sĩ, tiến sĩ), hay để động viên một số tài năng trẻ vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam làm việc (học bổng postdoc), hoặc mời một số giáo sư tên tuổi tới Việt Nam giảng bài, kết nối với sinh viên trong nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh văn hóa làm việc trung thực và văn minh trong khoa học. Điều này đươc thể hiện qua quá trình xét duyệt nhanh gọn và minh bạch, hay việc không chấp nhận các bài báo được đăng trong các tạp chí chất lượng thấp trong quá trình nghiệm thu. Mong rằng văn hoá đó sẽ được các nhà khoa học trẻ, những người quản lý của tương lai, tiếp thu và phát triển.

Thông qua những chương trình thiết thực và cụ thể, quỹ muốn lan tỏa những giá trị thật về khoa học. Chúng ta chỉ có thể có những bước tiến đáng kể về công nghệ, khi bản thân khoa học, và cùng với nó, những nhà khoa học chân chính, được đặt đúng vị trí.

Xin trân trọng cảm ơn ông!