Một ca khúc, hai cuộc đấu tranh

Nomcebo Zikode, ca sĩ người Nam Phi, đang tạo những tiếng vang rất lớn trên toàn cầu với bài hát "Jerusalema". Tuy nhiên, ít ai biết, cô đã chiến thắng chứng trầm cảm và nguy cơ tự sát nhờ chính những ca từ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Nomcebo Zikode (bên phải)
Nomcebo Zikode (bên phải)

Chữa lành nỗi đau bằng những bước nhảy

Bắt đầu bằng vỗ tay, sau đó gõ chân theo nhịp: mỗi bên bốn lần, sau đó nhảy nhanh. Khi giai điệu tăng lên, các vũ công hạ thấp và xoay người.

Đó là một điệu nhảy dễ học, và khán giả trên khắp thế giới đã làm như vậy. Mọi người, từ nhóm nhảy đường phố ở Angola đến các nữ tu dòng Francisco ở châu Âu, đều hào hứng khoe những bước nhảy "Jerusalem" của họ trên mạng xã hội .

Điệu nhảy "Jerusalem", được đặt tên theo bài hát nổi tiếng của Nam Phi "Jerusalema", đã mang đến những khoảnh khắc hân hoan trên toàn cầu trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, giúp nhiều người tạm quên đi cảnh bị cô lập và vơi bớt nỗi buồn.

Nhưng, chính phần điệp khúc, một lời than thở với nhịp bass nặng nề, mới là thứ chinh phục tình cảm của hàng triệu người. Được hát ở âm vực trầm bằng tiếng isiZulu, một trong những ngôn ngữ chính thức của Nam Phi, khán giả không cần phải hiểu lời hát cũng vẫn cảm nhận được những xúc cảm gửi gắm theo giai điệu.

Ca sĩ Nomcebo Nkwanyana, với nghệ danh là Nomcebo Zikode, đã khắc họa nỗi đau dữ dội của chính mình khi viết nó. "Jerusalem là nhà của em," cô hát. "Hãy bảo vệ em. Đi dạo với em. Đừng bỏ em ở đây".

Sau hơn một thập niên ám ảnh vì là một giọng ca phụ bị chối bỏ, niềm tin vào âm nhạc đang lung lay, Zikode đã ở "đáy" cảm xúc khi cô viết những lời ca day dứt đó vào năm 2019.

Người quản lý của Zikode, cũng là chồng cô, cho biết, vợ anh viết lời bài hát để loại bỏ những tiếng nói trong đầu đang bảo cô ấy từ bỏ âm nhạc và chính bản thân mình. "Như thể có một giọng nói bảo tôi rằng tôi phải tự sát", nữ ca sĩ 37 tuổi hồi tưởng: Tôi nhớ mình đã nói với chính mình rằng, "Không, mình không thể tự sát. Mình còn những đứa con phải nuôi nấng. Mình không thể, không thể làm điều đó!".

Lan tỏa khắp thế giới

Zikode đã không nghe bản thu âm của bài hát, cho đến một ngày sau khi nó được phát hành. Khi tiếng bass bắt đầu dội lại trong xe của cô, Zikode gần như mất kiểm soát. Cô phải tấp xe vào lề để định thần, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. "Ngay cả khi bạn không tin, đây là câu chuyện của tôi," Zikode nói, "Tôi nghe thấy giọng nói kia nói với tôi, rằng Nomcebo ơi, đây sẽ là một tiếng vang lớn trên toàn thế giới".

Và dự đoán đó sớm được chứng minh là đúng.

Vào tháng 2/2020, một nhóm vũ công ở Angola đã tải lên một video, thể hiện vũ đạo của họ trong bài hát và thách thức những người khác vượt qua họ. Khi lệnh phong tỏa được thực thi ở nhiều nước chỉ vài tuần sau đó, mọi người dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, cũng là lúc bài hát đã được chia sẻ khắp thế giới.

Thành công toàn cầu của "Jerusalema" đã đưa Zikode đi lưu diễn ở châu Âu, Caribe và Mỹ. Nó cũng dẫn đến việc cô được giới thiệu tham gia ca khúc "Bayethe", bài hát sau đó giành giải Grammy, cho Màn trình diễn âm nhạc toàn cầu hay nhất vào đầu năm nay.

Một ca khúc, hai cuộc đấu tranh ảnh 1
Điệu nhảy được lan tỏa khắp thế giới.

Tiếng nói của những cuộc tranh đấu

Tuy nhiên, dù "Jerusalema" đã mang lại danh tiếng cho Zikode, cô vẫn phải đấu tranh để giành lại những quyền lợi tài chính từ ca khúc, và để được công nhận là một phần của những người sáng tạo ra bản "hit" này.

Zikode đã kiện hãng thu âm của mình, Open Mic Productions, để có được một thỏa thuận cho phép cô nhận một phần tiền bản quyền và được phép kiểm tra sổ sách liên quan lợi nhuận từ bài hát.

Và, quan trọng không kém, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng Zikode là "nghệ sĩ chính" của bài hát cùng với Kgaogelo Moagi, thường được gọi là Master KG, nhà sản xuất của "Jerusalema".

Đó là một chiến thắng vang dội trong ngành công nghiệp âm nhạc, vốn do nam giới thống trị ở Nam Phi. Nhưng thật ra, với Zikode, việc tranh đấu để kiếm tiền không có gì mới.

Là con út trong bốn người con sinh ra trong một cuộc hôn nhân đa thê, Zikode mất cha từ khi còn nhỏ. Mẹ cô, người vợ thứ ba, bị bỏ rơi trong cảnh túng quẫn. Tuyệt vọng, mẹ Zikode đành nhờ một nhà thờ gần Hammarsdale, một thị trấn nhỏ ở miền đông Nam Phi, nhận nuôi con gái trong 4 năm.

Ở đó, Zikode ngủ trên những chiếc giường tầng giữa những trẻ em đồng cảnh ngộ. Cô tự may quần áo và giúp dọn dẹp ký túc xá. Dàn đồng ca nhà thờ là niềm an ủi, giúp cô bé vơi bớt nỗi nhớ nhà cho đến khi được mẹ đón về sống cùng vào năm lớp 10.

Hai mẹ con khi ấy vẫn chưa hết khổ cực. Mẹ cô bán ngô và rau để kiếm lấy chút tiền ít ỏi. Còn Zikode, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, vẫn nuôi dưỡng khao khát được hát, để rồi kiếm được công việc hát dự bị cho một dàn đồng ca phúc âm.

Bản "hit" lớn đầu tiên ở Nam Phi của Zikode xuất hiện vào năm 2017, khi cô hát chính bài "Emazulwini" cho DJ kiêm nhà sản xuất nhạc house nổi tiếng, Frederick Ganyani Tshabalala. Nhưng, những gì tưởng chừng như là một giấc mơ thành hiện thực lại nhuốm màu thất vọng, khi DJ Ganyani đã giở mọi chiêu trò để ngăn Zikode biểu diễn trực tiếp bài hát một mình.

Với hy vọng một hãng thu âm sẽ bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn, Zikode đã ký hợp đồng với Open Mic Productions, nhưng sau khi thỏa thuận được ký kết, hãng này gần như bỏ mặc Zikode, khiến cô phải tự tìm kiếm nguồn tài chính để thu âm album đầu tay.

Thương vợ, người chồng kiêm quản lý của Zikode, Selwyn Fraser, đã giả làm vợ anh gửi tin nhắn cho các nghệ sĩ khác trên Instagram và Twitter, cố gắng mời những tên tuổi lớn hơn hợp tác với cô. Chiến dịch tiếp cận cộng đồng này đã kết nối Zikode với Master KG và dẫn đến "Jerusalema".

Kgopolo Mphela, một nhà bình luận giải trí người Nam Phi đánh giá: Bài hát không chỉ giúp Zikode nổi tiếng, mà còn phản ánh chính cuộc đấu tranh rất đáng ngưỡng mộ của cô để giành được quyền lợi chính đáng, tại tòa án và trên mạng xã hội.

"Cô ấy đang đóng vai một anh hùng, một kẻ ở thế yếu dám đứng lên đối đầu với gã khổng lồ Goliath. Thành công của Zikode sẽ khuyến khích những nghệ sĩ khác dám đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi", Mphela khẳng định.