Măng hái về để nguyên mụt lột vỏ, lấy phần non, rửa sạch chẻ đôi, cắt ngang, nếu măng lớn thì xẻ làm tư. Cho măng vào nồi luộc, thêm một ít muối. Bắc lên bếp luộc chừng mươi phút, chắt nước đầu rồi đổ nước khác vào, tiếp tục làm như thế thêm hai lần nữa mới hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt xem như đã thành công.
Ngày xưa mẹ tôi thường chế biến rất nhiều món từ măng. Măng sau khi đã luộc một phần mẹ phơi khô để dành dùng quanh năm, một phần chế biến các món xào, trộn hoặc làm dưa chua. Việc làm măng khô cũng khá đơn giản. Cắt măng mỏng dọc theo chiều thẳng, phơi măng khoảng vài cái nắng to là được, măng càng khô thì để dành càng lâu. Thường măng khô mẹ tôi dùng để hầm, kho cùng các loại thịt. Sợi măng khô vàng lẫn với những miếng thịt đã được ninh nhừ, nhỏ nhắn, trông thật hấp dẫn!
Ða số các món quen thuộc chế biến từ măng đều phải tốn nhiều công sức. Món măng trộn, măng xào là dễ làm hơn cả. Măng luộc chín rồi xắt mỏng ép cho ráo nước. Sau đó phi dầu phộng với tỏi giã giập, cho măng vào trộn đều, cho đậu phộng rang đã giã vào, nêm vừa ăn, rắc thêm ít tiêu, vài giọt chanh và rau thơm. Món măng trộn này dùng bánh tráng nướng xúc ăn rất hợp. Nếu xào thì chỉ cần khử dầu rồi bỏ măng vào đảo cho thấm gia vị.
Những cơn mưa giông cuối hè làm dịu đi cái nắng oi ả, trời đã bắt đầu chớm thu. Trong tiết trời chuyển mùa này, bữa ăn của những gia đình quê tôi chắc chắn không thể thiếu các món từ măng. Cuộc sống mưu sinh, lăn lộn nơi đất khách quê người, nhớ về mùa măng tôi lại nhớ những lần theo mẹ, theo bà đi bẻ măng, nhớ đĩa măng xào, tô măng hầm mẹ nấu còn nghi ngút khói.