Mướp Nhật du nhập và quen thuộc khi trồng trên đồng đất Việt Nam, phổ biến có hai loại. Loại ngắn cỡ gang tay được đồng bào các tỉnh miền núi phía bắc gọi là quả chút chít hay lặc lày. Loại dài cả sải tay được các bà nội trợ phía nam gọi là mướp rắn hay mướp xoắn. Chít, lày, xoắn, rắn dù quả ngắn hay dài, bổ đôi mặt cắt trông chẳng khác mướp hương, mướp trâu, mướp thước... truyền thống của ta. Hương vị cũng gần giống mướp ta cho nên có thể xào hay nấu canh, thích hợp với thịt bò, thịt bê hoặc tôm, tép.
Hiếm có bữa cơm đãi khách nào ở các làng dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình lại thiếu món lặc lày luộc mềm, đem chấm muối vừng. Còn tại các tỉnh phía nam, mướp xoắn với độ giòn và vị thanh mát dễ chịu thường được ăn sống, chấm mắm kho quẹt, nhồi thịt bằm hấp cách thủy hoặc trộn gỏi.
Để trồng mướp xoắn phải làm giàn khá cao, phòng khi trái mướp dài tới mét rưỡi hoặc cuốn vặn lò xo hệt con rắn uốn mình chạm đầu quả xuống đất. Khi dây mướp vươn dài chừng ba mét thì lấy kéo tỉa trụi các tay cuốn, gỡ dây xuống cuộn vài vòng rồi đặt vào hố đào sẵn bên cạnh, lấp đất tơi mỏng, chăm bón tưới đủ nước, vài tháng sau mướp trổ hoa trắng muốt, cho trái quanh năm.
Muốn làm gỏi mướp xoắn nên chọn trái mướp bánh tẻ. Cạo sơ, không gọt vỏ, khoét bỏ ruột, xắt lát đều, rửa qua và để ráo nước. Nguyên liệu thêm vào làm gỏi có thể tùy chọn theo sở thích, như tai lợn, da lợn, tôm luộc xắt mỏng, cà rốt thái sợi, lạc rang giã dập... Gia vị không thể thiếu cho món gỏi mướp xoắn là rau thơm, nước mắm ngon, củ hành, đường, tiêu, tỏi, bột ngọt, giấm, ớt... Hành ngâm giấm, tỏi phi dầu, trộn đều tất cả các loại nguyên phụ liệu, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Nếu chuẩn bị sẵn nguyên liệu thì từ khi cắt trái mướp trên giàn xuống tới lúc bê đĩa gỏi đẹp mắt ra mời khách, đầu bếp không mấy... khéo tay như tôi cũng chỉ cần chừng nửa giờ chế biến. Mỗi gắp gỏi mướp xoắn giòn tan, đậm đà mặn ngọt hợp khẩu vị cả trẻ em lẫn người lớn.