Ðúng vào cái thời điểm giao mùa ấy, thiên nhiên bỗng trở nên hiền hòa hơn và ưu đãi cho người dân xứ này những đặc sản vô cùng phong phú: Rắn, chuột đồng, bông súng, bông điên điển, rau hẹ nước... Có một loài rau rất đặc trưng của vùng Ðồng Tháp Mười, đó là rau "choại" hay rau "chạy" theo cách gọi của người dân Tân Phước quê tôi. Rau chạy thuộc họ dây leo, thân bò đến đâu thì bám rễ đến đó, sống được trong vùng bưng, trũng nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, đặc biệt rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn.
Rau chạy có lá kép hình lông chim chiều dài gần cả mét. Lá non mầu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình. Rau chạy quê tôi mọc men theo những cánh rừng tràm. Rau chạy ngon là loại vừa mới lớn chột bung lá ít thôi, ngó (đọt) rau chạy là phần non nhất của dây, thường ăn nhớt nhớt. Mùa mưa là mùa rau chạy non mơn mởn, chột hay ngó đều ngon không có vị chát như khi trời nắng nóng.
Khi bàn về các món ăn chế biến từ rau chạy, người ta nghĩ ngay đến món luộc. Rau mới hái về thì đọt tươi, giòn. Chỉ cần rửa sạch, luộc sơ chấm mắm nêm hay nước tương pha thêm tỏi ớt băm. Mâm cơm có thêm vài con rô chiên hoặc cá lóc nướng trui thì rất ngon. Thế cho nên, vùng Ðồng Tháp Mười từ xưa đã có ca dao rằng:
Rủ nhau lên đất bảy làng
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm.
Thông thường, nước luộc đọt chạy ít ai bỏ, mà cho thêm chút muối, chút bột ngọt húp xì xoạp sau bữa ăn, vị ngọt của nó không thua bất cứ loại canh nào.
Ðây là một loại rau sạch. Rau chạy có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng. Rau chạy dân dã, bình dị mang đậm nét quê được các bà nội trợ miệt vườn chọn để chế biến thành những món ăn ngon khác như: đọt chạy nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép ăn cũng thật ngon.