Bánh khọt phương nam

NDO -

Tính cách Nam Bộ xuề xòa nên người miền nam thường thích những món ngon dân dã, trong đó có món bánh khọt quen thuộc khắp các vùng quê!

Bánh khọt phương nam

Đôi ba thập kỷ trước, bánh khọt thường là địa chỉ lê la vỉa hè của các “bà tám”. Bây giờ đó đây vẫn sót lại đơn sơ những gánh bánh khọt bên đường. Người bán ngả quang gánh ra là có ngay một bếp lò nóng rực than hồng để đặt chiếc khuôn có nhiều lõm nhỏ thoa mỡ dầu, bên cạnh có thau bột pha sẵn. Chủ gánh liền tay cầm chiếc gáo cán dài múc bột rót vào từng lõm khuôn, tùy giá tiền khách chọn mà làm bánh bột suông, thêm nhân đậu xanh, hay đặt vào lòng bánh một con tôm nõn đã bóc vỏ. Đậy vung đôi ba phút là bánh chín. Những chiếc bánh bé xíu được lấy ra rất nhanh, để khuôn tiếp tục được thoa mỡ, chan bột, điểm nhân, đậy nắp...

Mỗi mẻ một tay đúc hai khuôn có thể cho ra hàng trăm chiếc bánh.

Bánh khọt đúng kiểu truyền thống được xếp tròn như những cánh hoa trắng ngà cháy sém cạnh vào đĩa, mặt bánh rắc bột tôm chấy hồng rực, kèm mấy sợi đu đủ cà rốt ngâm dấm, chấm với nước mắm ớt chua ngọt hoặc chén mắm nêm pha loãng. Bí quyết bánh ngon nằm ở chỗ pha chế bột không đặc không loãng, thêm vài thứ nọ kia sao cho tấm bánh mỏng nhẹ khi chín tới sẽ giòn cạnh mà lòng bánh vẫn dẻo thơm. Cái thứ nọ kia đó, tôi được vài bà chủ gánh tiết lộ: Có người pha nước dừa, người thêm bún, cơm nguội hoặc trộn vào bột gạo chút bột mì, bột năng. Còn tôm chấy là tôm tươi bóc vỏ quết mịn, rang thơm phức kiểu làm ruốc. Pha nước chấm sao cho hài hòa mặn ngọt, khách ăn lần này còn muốn quay lại lần sau... Đơn giản vậy thôi mà khách hàng say mê gắp, chấm hết đĩa này qua đĩa nọ, ăn tới no lúc nào không biết.

Bánh khọt có họ hàng với bánh căn. Bánh khọt được đúc từ khuôn hợp kim gang thép, thoa nhiều mỡ hành, mỗi mẻ một tay đúc hai khuôn có thể cho ra hàng trăm chiếc bánh. Còn bánh căn có khuôn đúc bằng đất nung, cách làm thủ công chậm rãi và lối ăn thanh nhẹ đậm hương vị xưa cũ...

Bánh khọt có nguồn gốc từ đâu, bao giờ, không ai biết. Chỉ thấy nó phổ biến ở các tỉnh phía nam. Mấy năm trở lại đây nhiều nơi cho bánh khọt “lên đời” bằng cách mở nhà hàng sang trọng, ăn kèm rất nhiều rau xanh, có nơi cẩn thận gắn bảng rau sạch đã xử lý qua hệ thống ozone hẳn hoi, để yên lòng du khách. Tuy nhiên, thường bánh ngon đúng chất truyền thống, hiếm khi đồng hành với những chuỗi cửa hàng hiện đại, mà vẫn ở nơi khuất nẻo, đơn sơ...

Nước Nhật có một loại “bánh khọt Nhật Bản”, tên là Takoyaki. Đó là những chiếc bánh nhồi bằng bột mì, nướng trên khuôn kim loại, điểm nhân bạch tuộc rưới nước sốt. Khẩu vị Việt có lẽ ít hợp với loại bánh khọt này, nhưng cách thức mà người Nhật đã tôn vinh Takoyaki bằng cách chép sử về Takoyaki, mở Bảo tàng Takoyaki, tự hào giới thiệu Takoyaki với thực khách muôn phương đáng để chúng ta giật mình, ngẫm nghĩ...