Cá tràu là loại cá chữa được nhiều bệnh vì thịt ít mỡ, giàu khoáng và vitamin. Ngày ấy, tôi theo cậu bắt cá trên cánh đồng làng, trời mưa rả rích, gió lạnh buốt da nhưng rất vui khi mang được nhiều cá về nhà. Mẹ tôi thường dậu cá tràu ít hôm mới đem ra chế biến. Cá làm sạch khi đang còn sống, nếu con lớn thì thái từng lát, con vừa thì sau khi làm sạch sẽ, dùng dao khứa xéo trên thân sau đó ướp với hành tím, bột nêm, tiêu, đường cát để khoảng 10 phút cho thịt cá thấm đều. Trong khi chờ đợi, cậu tôi ra bờ rào hái ngọn non, lá non rau chua và rửa sạch, để nấu canh chua với cá.
Rau chua, có nơi gọi là rau sôông, có nhiều công dụng khác nhau như: hoa làm dược liệu chữa nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, suy tim, hạn chế cholesterol trong máu; lá, chồi non và đài hoa tươi dùng làm rau xanh nấu canh chua, ăn sống, xào nấu rất ngon, hoa có thể sản xuất thành nước giải khát giải nhiệt, chế rượu vang, trà túi Hibiscus thanh nhiệt...
Bắc chảo lên bếp chờ nóng, phi ít hành tím với dầu ăn cho dậy mùi, sau đó đổ cá đã ướp vào xào sơ khoảng năm phút và cho thêm nước dùng vừa đủ vào nấu cho đến khi sôi cho rau sôông vào. Khi nước trong nồi sôi lại thì nêm nếm và nhắc xuống múc ra bát. Bát canh chua nóng thơm lừng bốc khói do mẹ tôi nấu có mầu trong với vị chua thanh hòa quyện với vị ngọt, béo của cá tràu mùa lũ lụt. Khi ăn với cơm nóng, kèm theo rau sống "mùa mưa" như cải cây con, búp chuối, khế, rau thơm, chấm nước mắm Nam Ô thì quá đỗi tuyệt vời cho một món ăn dân dã trong mùa mưa lũ.
Ngày nay, miền trung cứ mỗi lần tiết trời mưa lụt, nước lũ từ thượng nguồn đổ về trắng loang loáng cánh đồng làng, nhìn những người dân quê mang tơi đội nón, lội nước đánh bắt cá trên đồng, lòng tôi bỗng bồi hồi nhớ mẹ, nhớ bát canh chua dân dã ngày ấy.