Ngọt bùi với hoa

NDO - Nhà văn Đoàn Giỏi những năm tháng sống ở Hà Nội mỗi sáng chiều từ Hội Nhà Văn về ngôi biệt thự rêu phong trông chếch sang Nhà hát Lớn, khi đi qua khoảng sân đất dưới mấy cội đại già thường dừng lại nhặt hoa rụng, lẩm bẩm “Thương lắm! Thương lắm!”. Ông cuốn hoa trong vạt áo, vịn cầu thang lên căn phòng nhỏ trên tầng ba, rửa nhẹ cho hoa sạch bụi rồi nâng niu vun đầy một đĩa hoa đặt cạnh chai rượu nồng trên chiếu, chờ bạn. Hương hoa đại dìu dịu thơm thoảng trong cảnh đơn chiếc giúp ông vợi đi nỗi nhớ Đất rừng phương nam.
Ngọt bùi với hoa

Không chỉ Đoàn Giỏi thương hoa kiểu ấy. Tôi đã thấy nhiều gia đình cốt cách trong cảnh nghèo vẫn không thiếu được vốc ngọc lan hay hoa nhài, hoa ngâu trắng muốt mịn màng bày trên chén đĩa hay mảnh lá sen. Dải đất nhiệt đới bên biển, bên núi của nước mình đâu cũng rực rỡ sắc hoa. Sự gần gũi tự nhiên với muôn loài hoa góp phần hình thành những phong cách sống thanh tao nhẹ nhõm. Hoa không chỉ để thưởng thức bằng mắt mũi tinh thần, mà còn được dùng để chế biến vô số món ăn thơm ngon. Đặc biệt càng về phía nam, càng nhiều loại bông hoa được đưa lên dĩa, lên mâm.

Tôi chắc chẳng ai không rung động trước những thực đơn đầy mầu sắc bởi các loại hoa dịu dàng hương vị xứ sở. Ngó sen, cọng bông súng nấu canh nấm rơm, ăn vào bỗng muốn... làm thơ! Giữa cái nồng nực mùa hè mồ hôi rịn đầy chân tóc, những bà mẹ ba miền ngồi cặm cụi giã cua nấu cho con bát canh hoa thiên lý. Từng chùm chúm chím, cánh búp cánh nở như đóa sao xanh thả vào bát nước cua ngọt hương đồng nội. Chan canh thiên lý ngập chén cơm nấu bằng gạo mới, cắn rốp vào quả cà pháo muối giòn tan chua chua mằn mặn, lùa cạn mấy bát thỏa thuê rồi nằm đòng đưa trên võng hây hẩy gió mát ngủ một giấc đã đời.

Có gì lạ khi con cua đồng lóng cóng chân càng mảnh dẻ lại thích hợp đi kèm các vị hoa đến thế. Mùa này, ruộng đồng nước nổi bát ngát phương nam đã sáng rực mầu bông điên điển. Thích vị chua cay, hãy hái bông điên điển nấu canh cua đồng. Bông óng vàng, gạch cua nâu, lát ớt đỏ, vị me chua thanh như quyện cả tinh túy đất trời vào bát canh dân dã. Cũng nấu chua, có phần đặc sắc hơn nữa là canh cá linh nấu bông so đũa. Cây so đũa cao gầy, trái dài đều chằn chặn. Bông so đũa trắng ngà to bằng nửa lòng bàn tay nhụy đầy mật ngọt, đài nhân nhẩn đắng hái kèm vài đọt lá so đũa non mềm. Cá linh nây béo vàng được khứa mang tại chỗ, từng khoanh tươi rói cắt ngang thả vào nồi nước vắt ít lát chanh hoặc vài quả khế.

Lại một món bông hoa độc đáo nữa chưa thấy nhà hàng nào có, chỉ tới miệt vườn miền tây mới nghe rộn ràng. Mùa sầu riêng trổ bông, tảng sáng cô chủ vắt chéo khăn rằn trước ngực đủng đỉnh cầm rổ ra vườn vun mớ nhị bông trắng ngà vương đầy trên mặt cỏ đẫm sương đêm. Nhị bông sầu riêng xào tái với thịt bò còn ngọt giòn hơn giá đậu. Đũa tre gắp ngang một miếng, chiêu theo ngụm rượu nếp Gò Đen, tự thấy nem công chả phượng cung cấm không thể sánh bằng.

Ở đâu cũng làm được, là các món xào, chiên, luộc, hấp những loại hoa thông dụng không cần gia vị như bông bí, bông cải, bông hẹ. Bông chuối tuyệt diệu nhất khi được thái mỏng làm gỏi, trộn gà xé phay rắc đậu phộng rang giã dập. Còn trổ tài hấp cá, đừng quên để sẵn vài đóa kim châm bum búp, ngọt giòn, được đóng hộp bán tươi hoặc sấy khô gút sẵn ở các chợ.

Ngày nay, không ít nhà hàng biết chiêu khách bằng món lẩu hoa hải sản. Thiếu chăng bên những bàn tiệc tưng bừng sắc hoa ấy, chỉ là chút lặng lẽ bông sứ Đoàn Giỏi từng nâng niu trên căn gác nhỏ năm nào. Tác giả Đất rừng phương nam yêu hoa như yêu người đã mất từ lâu, mà tâm tình lặng lẽ của ông với loài hoa mỏng mảnh này còn ám ảnh tôi mãi...