Ðầm An Cư và biển Lăng Cô có vô số hải sản như tôm, cá, cua, mực và ốc sên. Ðặc biệt có sò huyết, một món ăn nổi tiếng xưa nay. Món ăn phổ thông nhất là mắm sò, được khách phương xa và giới sành ăn ưa thích và thường dùng làm quà biếu.
Sò ở Lăng Cô có quanh năm, chất lượng chẳng thua gì sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên). Ngoài ăn tươi, sò còn đem làm mắm gọi là mắm sò.
Công đoạn chế biến của ngư dân để có mắm ngon quả là công phu và lành nghề. Sò bắt về đem rửa sạch vỏ rồi lấy mũi dao nhọn cậy miệng, chẻ vỏ. Tách vỏ sò phải khéo tay, thao tác phải nhanh nhẹn. Muốn có mắm ngon, sò chẻ vỏ phải giữ nguyên cả ruột. Sò tách xong đem sàng rửa sạch cho hết nước đục, loại bỏ hết cát xong để cho ráo. Sau đó lấy ớt bột, củ riềng, đậu xanh rang và muối hột, trộn cho thật đều với sò. Bấy giờ mới cho mắm vào chừng hai phần ba chai, đậy nắp thật kín. Trong khoảng từ 10 - 15 hôm, nước sò đọng lại ở đáy chai cỡ hai lóng tay, còn thịt sò thì nổi lên trên mặt. Như thế mắm sò đã chín, có thể đem ra dùng được. Nhiều gia đình ngư dân còn chứa mắm sò trong các chum vại để ăn dần hoặc đề phòng khi trái gió trở trời khan hiếm thức ăn.
Ăn mắm sò phải đúng cách mới ngon. Mâm cơm gạo trắng còn đang bốc hơi nóng hổi, ăn với mắm sò kèm rau sống chưa đủ, còn phải tăng thêm phụ gia như tỏi, ớt bột, khế lát, đu đủ bào sợi, cộng thêm đĩa thịt heo ba chỉ nữa mới thật ngon.
Cũng như mắm thái, mắm sặc ở miệt vườn Nam Bộ, mắm sò cũng thích hợp với rau sống, càng nhiều rau ăn càng ngon, tăng thêm khẩu vị. Cứ gắp một miếng rau chấm vào mắm sò, kẹp miếng thịt heo cho vô miệng không quên cắn trái ớt, và thêm miếng cơm nóng. Vừa nhai vừa tận hưởng cái hương vị, ôi thật khó tả làm sao, nó cứ ngấm dần ngấm dần xuống tận cổ...
Cùng với món tôm chua, mắm ruốc, mắm sò Lăng Cô là đặc sản của đất cố đô. Du khách đặt chân đến Huế thế nào cũng được mời thưởng thức. Chắc chắn đây là món ăn lạ miệng, ngon và bổ, ăn mãi không nhàm, dùng trong bữa ăn hằng ngày hay trong các đám tiệc, hoặc dùng làm quà biếu đều có giá trị.