Huyền thoại bóng bàn Vũ Mạnh Cường:

“Làm thầy cũng giống như người trông trẻ”

NDO - Ba lần vô địch SEA Games, bảy lần vô địch quốc gia nhưng trong vai trò một người thầy, cảm giác chiến thắng với huyền thoại bóng bàn Việt Nam Vũ Mạnh Cường vẫn đầy cảm xúc. Hành trình 15 năm bắt đầu từ con số không, cựu tay vợt người Hải Dương giúp T&T Hà Nội trở thành thế lực hàng đầu ở Giải Vô địch Bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân, đóng góp nhiều gương mặt xuất sắc cho đội tuyển và còn hơn thế nữa...
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Minh Tân
Ảnh: Minh Tân

Hạnh phúc với “hat-trick” HCV

Xin chúc mừng ông khi T&T Hà Nội thắng lớn tại Giải Vô địch Bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 41 vừa qua, với thành tích 3 HCV ở các nội dung đồng đội nam, đôi nam và đôi nữ. Cảm giác của ông thế nào khi các học trò có giải đấu rất thành công?

Giải năm nay có số lượng tham dự đông hơn mọi năm, bên cạnh những gương mặt cũ cũng có một số gương mặt trẻ U18 khá triển vọng. Chúng tôi chỉ đăng ký chỉ tiêu giành 1-2 HCV, nhưng các VĐV đã thi đấu xuất sắc, đặc biệt ở nội dung đồng đội, qua đó giành tổng số 3 HCV. Không chỉ là thành tích, mà chứng kiến các VĐV do chính mình tuyển chọn và đào tạo ngày một trưởng thành, tôi rất hạnh phúc.

Chỉ tiếc cặp đôi Mai Ngọc-Anh Hoàng được đánh giá cao nhưng bị loại ở bán kết nội dung đôi nam nữ do quá tải vì phải thi đấu liên tục ở nhiều nội dung. Nhìn chung các VĐV đều đã nỗ lực hết sức rồi.

Ông là người giành tới 3 HCV SEA Games, 7 HCV quốc gia, điều mà khó VĐV nào có thể vượt qua. Chứng kiến các học trò thi đấu, ông có nhớ về chính mình?

Năm 1987, lần đầu tôi tham dự Giải Vô địch Bóng bàn quốc gia. Khi đó tôi chỉ mới 14-15 tuổi mà được góp mặt ở giải đấu lớn nên hơi run. Dù vậy, tôi thấy rất may mắn vì được thi đấu và xem các thế hệ đàn anh như Trần Tuấn Anh hay Nguyễn Đức Long của Hải Dương, người sau này là Trưởng Bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) so tài.

Ở giải đầu tiên, tôi chỉ đặt mục tiêu học hỏi. Tới năm 1990, tôi vào chung kết và thua Trần Tuấn Anh tại Đại hội TDTT toàn quốc, khi đó mới 16 tuổi. Năm 1991 thì tôi bị loại sớm, còn năm 1992 chỉ vào tới vòng 1/8. Năm 1993, tôi có danh hiệu vô địch đầu tiên. Với một VĐV trẻ, tâm lý luôn là vấn đề khó vượt qua nhất. Tôi phải mất tới 6 năm mới có chức vô địch Giải bóng bàn quốc gia.

So với thời của ông, kỹ-chiến thuật của các VĐV bây giờ có gì khác biệt?

Trình độ chuyên môn của các cháu hiện giờ tốt hơn, mặt bằng chung cao hơn so với thời của chúng tôi. Về kỹ thuật, các VĐV cũng có nhiều sự cải tiến, nâng cấp. Đơn cử như ngày xưa chúng tôi đánh vợt 38, còn giờ mặt vợt là 40 nên cũng có khác biệt.

Từ số 0 tới thế lực bóng bàn Việt Nam

Năm 1998, ông quyết định rời Hải Dương để tới Hà Nội đầu quân cho bầu Hiển. Đó là một bước ngoặt trong sự nghiệp huấn luyện của ông?

Từ vị trí là Trưởng Bộ môn bóng bàn của một tỉnh có phong trào bóng bàn phát triển như Hải Dương, khi chuyển lên T&T Hà Nội, tôi gặp nhiều khó khăn. Ngày mới về, Trung tâm T&T Hà Nội cơ sở vật chất gần như không có gì cả, con người cũng không có.

Sau đó, tôi phải đi tuyển quân trên cả nước, xa nhất là ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương... Để thuyết phục các VĐV theo bóng bàn là cả một vấn đề. Khi đó Trung tâm của mình chưa được ai biết đến. Tôi phải làm từ đầu, rất vất vả, mệt mỏi.

Ông có nhớ đã từng đào tạo bao nhiêu tài năng bóng bàn Việt Nam?

Nói thật là tôi không nhớ. Khi ở Hải Dương, nhà vô địch quốc gia Nguyễn Đức Tuân là một trong những VĐV được tôi tuyển chọn và đào tạo. Khi chuyển lên Hà Nội, tôi có các học trò xuất sắc như Trần Tuấn Quỳnh, sau này có Trần Mai Ngọc, Đinh Anh Hoàng... Tất cả cũng đều là tuyển thủ quốc gia và đạt nhiều thành tích trong nước, quốc tế.

Còn ở Trung tâm T&T Hà Nội, quân số hiện giờ là 43 người bao gồm cả HLV và VĐV. Để có được số lượng như vậy, chúng tôi phải trải qua một hành trình dài, đào tạo VĐV từ tuyến trẻ. Mình không thể làm từ ngọn được, mà phải đi từ lứa U7, U9. Hầu như các VĐV có được thành công như Anh Hoàng hay Mai Ngọc đều học bóng bàn từ 7-9 tuổi. Họ phải xa nhà nhiều năm.

Điều tôi vui nhất là luôn được ông bầu Đỗ Quang Hiển ủng hộ, được anh em ban huấn luyện, các VĐV một lòng, một dạ với mình cùng xây dựng đội bóng. Cá nhân tôi không thể làm được điều gì lớn lao. Mình cố gắng mà ban huấn luyện hay VĐV không cố, lãnh đạo không tạo điều kiện thì cũng khó đi đến đâu.

Trong ngần ấy năm trời, ông phải đóng nhiều vai để giúp các VĐV phát triển toàn diện?

Mình vừa phải là HLV, vừa là một người trông trẻ, giống như người cha trong gia đình. Từ chuyện ăn uống, ốm đau, bệnh tật tôi đều phải có trách nhiệm vì bố mẹ các cháu ở xa không ra Hà Nội được. Tôi rất nghiêm khắc với VĐV. Sự kỷ luật là yếu tố rất quan trọng để các VĐV bước vào con đường chuyên nghiệp.

“Làm thầy cũng giống như người trông trẻ” ảnh 1
HLV Mạnh Cường hướng dẫn trò cưng Trần Mai Ngọc. Ảnh: Duy Linh

Và một trong những người “con” đó là Trần Mai Ngọc, nhà vô địch quốc gia khi mới 17 tuổi và vừa giành HCV SEA Games 32 đôi nam nữ cùng Anh Hoàng sau 26 năm chờ đợi?

Đặc tính của Ngọc là VĐV tay trái nên quả giật phải rất chuẩn. Thứ hai là quả giao bóng của cháu rất tốt. Tâm lý của Ngọc cũng tương đối ổn định, lạnh lùng. Để vô địch, mỗi VĐV phải có sự đột biến, quyết liệt. Các VĐV khác thường không dám năm ăn năm thua, còn Ngọc thì quyết đoán.

Cả hai cháu Mai Ngọc và Anh Hoàng đều do chính tôi tìm kiếm, đào tạo và nuôi nấng từ bé. Khi các cháu thi đấu thành công, tôi cảm thấy rất tự hào. Sau 15 năm Trung tâm hoạt động, lứa VĐV trẻ đã trưởng thành và có thành tích. Có nhiều lúc tôi đã khóc vì hạnh phúc, vì sau những vất vả đã được đền đáp bằng thành quả xứng đáng.

Trăn trở với bóng bàn Việt Nam

So với bóng đá, bóng bàn hiện nay chủ yếu tập trung ở một vài địa phương, đơn vị. Đây chính là hạn chế khiến môn này chưa thể phát triển hơn nữa?

Đúng vậy, bóng bàn Việt Nam hiện tập trung ở một số địa phương và đơn vị như Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quân đội, T&T Hà Nội. Các giải quốc gia cũng chủ yếu là những đơn vị này cạnh tranh huy chương với nhau.

Mặt bằng bóng bàn chuyên nghiệp Việt Nam đang đi xuống. Các tỉnh không có sự đầu tư cho bóng bàn, bởi các VĐV phải đào tạo từ 8-9 tuổi, vì thế mỗi VĐV phải trải qua quá trình đầu tư hơn 10 năm mới trưởng thành và có thành tích. Nhiều nơi đang có xu hướng tập trung cho các môn mà chỉ cần đầu tư 2-3 năm là VĐV có thể thi đấu nên không mặn mà với bóng bàn. Tôi đã chứng kiến nhiều cháu có niềm đam mê với bóng bàn nhưng chơi tới 11-12 tuổi rồi thôi, phụ huynh thường hướng con em theo học văn hóa.

Thực tế phát triển phong trào bóng bàn Việt Nam như vậy đã tạo nên những khó khăn cho đội tuyển?

Nguồn lực rất hạn chế nên VĐV lên đội tuyển quốc gia không nhiều. Giải quốc gia nhưng chỉ có 6-7 gương mặt quen thuộc, so với trước kia là gần 20 VĐV. Từ đó dẫn đến tính quyết liệt, cạnh tranh không cao. Có một thực trạng là quá ít giải đấu trong nước để các VĐV được thi đấu, trau dồi kinh nghiệm và bản lĩnh. Trong nước đã vậy, việc ra nước ngoài tranh tài còn khó hơn. Vì thế các VĐV Việt Nam ra quốc tế thường bỡ ngỡ, trạng thái thi đấu thiếu ổn định. Khi thắng thì rất hưng phấn nhưng thua thì tinh thần lại xuống rất thấp. Các VĐV Việt Nam hầu hết chưa điều chỉnh được điều này.

Bên cạnh đó, bộ môn bóng bàn cũng chưa có một chiến lược rõ ràng. Đơn cử như VĐV các tỉnh khi lên đội tuyển trẻ từ 14-16 tuổi, nhưng họ cũng cần phải học văn hóa. Chúng ta chưa có cơ chế phù hợp cho các VĐV tập và học văn hóa song hành. Đây là một bất cập.

Lãnh đạo bóng bàn Việt Nam cần phải vận động được các nguồn lực từ xã hội, từ đó tổ chức nhiều giải đấu, tổ chức đội tuyển theo chiến lược bài bản, đào tạo như thế nào để tạo ra sự công bằng. Chúng ta chỉ cần làm không tốt là mất ngay một thế hệ VĐV. Cá nhân tôi đánh giá nếu như cứ như hiện nay, chỉ 2-3 năm nữa, kể cả giải trẻ ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ thua kém cả Philippines, Malaysia chứ chưa nói tới Thái Lan hay Singapore.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Từng từ chối làm HLV trưởng

“Tôi từng được mời làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia nhưng đã từ chối. Làm HLV trưởng phải là người có quyền tuyển chọn quân, nếu không có quyền quyết định cao nhất về chuyên môn thì khó có thể làm được”, HLV Mạnh Cường chia sẻ.