1. Khi AC Milan, Juventus và Atalanta đồng loạt bị loại ở vòng playoff knock-out Champions League vừa qua, thay vì phân tích mổ xẻ về chuyên môn, giới chuyên gia bóng đá Italia quay sang bàn luận sự khác biệt về thể trạng của các cầu thủ. Bóng đá Italia vốn chuộng phòng ngự, nghiêng nhiều về hơi hướng chiến thuật, cường độ hoạt động không cao và điều đó dẫn đến sự thật rằng, họ đang đuối hơn với phần còn lại của châu Âu. Đó cũng là lý do giải thích tại sao các cầu thủ ở Premier League, nơi bóng đá có tốc độ cực nhanh, vận động liên tục với yêu cầu thể lực dồi dào khi sang Serie A thi đấu đều thành công.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một phân tích khoa học cơ bản, bởi vẫn còn nhiều cầu thủ nhỏ con thành công ở sân chơi lớn. Nhưng về cơ bản, xu hướng bóng đá hiện đại yêu cầu các yếu tố: cường độ, sức trẻ, cấu trúc và tính thể chất. Tổng hợp lại những điều kiện trên sẽ tạo ra một khái niệm là cường độ vận động. Nó không chỉ là hoạt động liên tục ở cường độ cao mà còn là tốc độ, phản ứng tức thì và sự dẻo dai.
2. Khi nói tới thể trạng, người ta thường nghĩ tới chiều cao, cân nặng bởi đó là khía cạnh trực quan, dễ tiếp cận nhất. Thí dụ như Udinese, Bayern Munich hay Man City thời đỉnh cao thường xuyên ra sân với 6 đến 9 cầu thủ cao từ 1m90 trở lên. Nhiều năm qua, Bayern Munich mua cầu thủ đều cao từ 1m88 và phần lớn là hơn 1m90. Yếu tố “kích thước” đã tồn tại trong bóng đá nhiều thập kỷ qua, thế mới có trường hợp nhiều CLB không nhận Messi khiến anh phải tới La Masia với nhiều năm tập trung phát triển thể chất. Rất nhiều cầu thủ có chiều cao khiêm tốn cũng đã từng bị loại khỏi các đội trẻ, để rồi phải vất vả lắm mới trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thậm chí là trở thành siêu sao.
Chính Pep Guardiola cũng từng phải tìm giải pháp nâng cấp hàng tiền vệ, đối chọi với các cầu thủ chạy cánh nhanh nhẹn bằng những cầu thủ to cao. Đó là lý do Rodri cao 1m90 trở thành cầu thủ quan trọng nhất của Pep ở Man City. Hay Rico Lewis, tiền vệ Pep đánh giá rất cao nhưng ông không dùng chỉ vì anh này cao 1m69, bởi “nếu cao tầm 1m90, Rico sẽ là cầu thủ hay nhất nước Anh”. Đó là vị trí tiền vệ, còn khi nói về hậu vệ, gần như bắt buộc họ phải cao to, vạm vỡ. Mà cao to nhưng vẫn phải nhạy bén, nhanh nhẹn kiểu Virgil van Dijk (1m95), Konate (1m94), Kim Min-jae (1m92)...
![]() |
Không những cao to, Virgil van Dijk còn rất nhạy bén. (Ảnh: Sportbuzz) |
Với yêu cầu cạnh tranh, sức chịu đựng, va đập ngày càng khủng khiếp, cơ thể cầu thủ cũng cần được “nâng cấp”. Nghiên cứu của Đại học Wolverhamton kéo dài nhiều năm, với những phương pháp tính toán khoa học thể thao cùng y học cực kỳ phức tạp đã cho ra kết quả. Sau khi nghiên cứu hơn 10.000 cầu thủ góp mặt tại Premier League từ năm 1973 đến 2013, chiều cao trung bình các cầu thủ đã tăng 1,23cm sau mỗi thập kỷ.
Sự tiến hóa này không chỉ nằm ở chiều cao cơ thể mà còn là sự nhanh nhẹn, dẻo dai, bền bỉ với sức chịu đựng tốt hơn. Nếu 30 năm trước, mỗi tuần chỉ có một trận đấu thì hiện nay trung bình 3,5 ngày/trận.
Ngày xưa, có cầu thủ to cao kiểu Jan Koller là tốt lắm rồi, dù kỹ năng có thể kém hơn các cầu thủ khác khi chỉ biết chạy trong khu vực cấm địa, sút bóng, đánh đầu. Nhưng bây giờ một cầu thủ cao lớn còn phải nhanh nhẹn, nhạy bén, biết cách chơi bóng kiểu như những tiền đạo hay nhất hiện tại Haaland (1m94), Gyokeres (1m93)...
Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố về vật lý, cấu trúc cơ thể. Bên cạnh đó còn là hàng loạt yêu cầu khác, nhất là hiệu suất thể chất. Một cầu thủ thường được đánh giá dựa trên năm khía cạnh: kỹ thuật, trí thông minh, tính cách, cấu trúc cơ thể và tốc độ. Trong đó, tốc độ không chỉ là vận tốc mà còn là cường độ, gia tốc, bứt tốc, bền bỉ - những yếu tố ngày xưa thường thuộc về các vận động viên nhiều hơn là cầu thủ bóng đá.
Điều đó tương tự như cách người ta đo các chỉ số cầu thủ thi đấu. Cường độ không chỉ là chạy bao nhiêu km mà là đạt đến cường độ cao bao nhiêu lần. Đây là đỉnh cao của tốc độ tuyến tính, như vận động viên chạy cự ly 100m tại chung kết Olympic.
![]() |
Với sự mạnh mẽ, nhiều đội bóng lớn đều muốn có chữ ký của Gyokeres. (Ảnh: Reuters) |
3. Khi đã đáp ứng được yêu cầu thể chất kể trên, cầu thủ còn phải thích nghi với khả năng chấn thương và kỹ năng phục hồi. Tại sao lại gọi là kỹ năng phục hồi bởi nó được đánh giá như một cấu trúc thể chất, đòi hỏi thể lực mạnh mẽ, khả năng chịu được áp lực về cả thể chất và tinh thần trong điều kiện lịch thi đấu ngày càng dày đặc. Sự hồi phục này quan trọng hơn cả kỹ năng hồi phục trong tập luyện, kéo theo các yếu tố y học như dinh dưỡng, liệu pháp lạnh, kiểm soát giấc ngủ... phải trở thành thói quen hằng ngày.
Các trận đấu bóng đá hiện nay không chỉ là ra sân đá bóng, áp dụng chiến thuật mà phía sau là cả một hệ thống dị biệt. Cầu thủ đang dịch chuyển từ lối chơi vị trí sang cách chơi theo chức năng, càng có nhiều cầu thủ như vậy đội bóng càng mạnh, có nhiều phương án đối phó mọi tình huống. Ở đó cầu thủ phải đáp ứng được yếu tố thể chất. Và khi yêu cầu càng cao, cầu thủ càng giống những con robot, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống với đòi hỏi thể chất ngày càng phải hoàn hảo.