1. Cách đây khoảng một thập kỷ, chuyện một cầu thủ thu nhập khoảng 100 triệu euro mỗi năm là điều không tưởng. Kể cả những siêu sao như Ronaldo hay Messi, việc thu về cả trăm triệu euro là con số quá lớn. Xin đính chính một chút, đó là con số được công khai thông qua lương, thưởng và thu nhập cá nhân khác. Những khoản thu “mập mờ”, “không rõ nguồn gốc” và thông qua “quỹ này quỹ kia” không được tính đến.
Kể cả ở thời điểm này, một cầu thủ nhận lương cao nhất ở giải Ngoại hạng Anh, mỗi năm cũng chỉ cỡ hơn 20 triệu euro mỗi năm (như Kevin de Bruyne ở Man City). Tính thêm các loại tiền thưởng, thu nhập từ hình ảnh... cũng chẳng thể đạt tới 100 triệu euro. Ấy vậy mà, ở một thế giới bóng đá chưa đạt tới tầm cỡ siêu hạng, nhưng chỉ cần những cầu thủ siêu hạng thôi, mọi chuyện đã khác. Ở đó, những Messi, C.Ronaldo hay Neymar, chỉ cần dạo chơi, thậm chí chẳng làm gì cũng có thu nhập khiến thiên hạ phải trầm trồ.
2. Từ khi chuyển đến Ả Rập thi đấu, C.Ronaldo tiếp tục thể hiện đẳng cấp vượt trội của mình với hàng loạt kỷ lục mới, với khả năng ghi bàn như một cỗ máy phi phàm. Thứ anh nhận về hoàn toàn xứng đáng. Tạp chí Sportico đã tính rằng, trong năm 2023, Ronaldo là VĐV thể thao kiếm tiền khủng nhất thế giới và không chỉ Ronaldo, hàng loạt cầu thủ bóng đá đã soán ngôi kiếm tiền của các VĐV bóng rổ, bóng bầu dục, golf... những người thường xuyên thống trị bảng xếp hạng thu nhập. Theo đó, riêng tiền “lương cứng” của Ronaldo tại Al Nassr mỗi năm là 220 triệu euro. Chưa hết, hãy cộng thêm khoảng 65 triệu euro thu nhập từ quảng cáo cho 14 nhãn hàng. Đây là con số khủng khiếp, khi mà ở vị trí xếp thứ 2 là tay golf người Tây Ban Nha, Jon Rahm cũng chỉ kiếm 181 triệu euro. Và Ronaldo thu nhập gấp đôi so với người xếp thứ 3 là Messi với 135 triệu euro. Dĩ nhiên, sẽ khó so sánh thời gian thi đấu của Ronaldo với mấy tay đấm như Mike Tyson và Jake Paul, thượng đài vài phút kiếm mấy chục triệu euro ngon ơ.
Ronaldo là một quyền lực không chỉ ở bóng đá mà còn ở mọi nền tảng mà anh xuất hiện. (Ảnh trong bài: Getty) |
Tuy nhiên, nhìn con số của Ronaldo thì khủng khiếp thật, nhưng nó xứng đáng. Ở chỗ, hãy xem kênh Youtube của anh ấy khi xuất hiện đã vượt qua rất nhiều Youtuber hàng đầu thế giới để chiếm lĩnh hàng loạt kỷ lục Guinness: đoạt nút vàng 100.000 sub (lượt người theo dõi) trong 22 phút, 47 phút có 1 triệu sub, 91 phút lên 10 triệu sub và trong 24 giờ, có gần 20 triệu lượt sub, 1 tuần có 50 triệu lượt sub, 280 triệu lượt xem. Trên Instagram, Ronaldo có gần 700 triệu lượt theo dõi, là người đầu tiên cán mốc 500 triệu lượt người theo dõi. Ronaldo không còn đơn thuần là cầu thủ bóng đá, anh là một siêu thần tượng, là một quyền lực ở mọi nền tảng, mọi lĩnh vực mà anh xuất hiện.
Messi chưa thể so với Ronaldo về những khía cạnh trên, nhưng ở một thế giới khác, Messi là một thứ gì đó giống như tôn giáo. Giải MLS của Mỹ đã phải thay đổi cỏ nhân tạo thành cỏ thật ở hầu hết sân vận động để phục vụ Messi. Giải đấu MLS ở một tầm cỡ khác khi Messi đến. Mọi thứ xung quanh Messi đều thay đổi. Ngay khi Messi đến, hãng Adidas cung cấp áo đấu cho CLB Inter Miami nhận 500.000 đơn hàng cho áo số 10 và tên Messi sau lưng. Riêng tiền áo, Adidas và Inter Miami đã thu hơn 100 triệu euro trong thời gian Messi ở đây. Và áo Messi là chiếc áo thể thao bán chạy nhất mọi thời đại, tính ở tất cả các môn thể thao. Hãng Apple đã chi 2,5 tỷ USD để giành quyền phát sóng các trận đấu và Messi nhận được một khoản khi có những đăng ký thuê bao mới. Bên cạnh đó là 28 thương hiệu khác đăng ký đồng hành cùng MLS.
Sự hâm mộ Messi có thể phải được nâng lên là sự sùng bái. Giá vé mỗi trận đấu của Messi, ngoài chợ đen có thể được bán với giá hàng nghìn USD. Và khi nào Messi “nhỡ” không thể ra sân, thì chẳng khác gì “trời sập”. Đó là chuyện về trận Inter Miami đến làm khách của Vancouver Whitecaps, Messi hơi đau chân không đá, đội bóng chủ nhà đã hoàn trả, giảm giá vé lại cổ động viên 50 USD, giảm giá luôn cả đồ ăn uống trong sân vận động, miễn phí toàn bộ đồ ăn uống cho những cổ động viên dưới 18 tuổi có mặt trong sân vận động. Dĩ nhiên Inter Miami đi đến đâu, ai vắng cũng được, ngoại trừ Messi. Chỉ tính trong năm 2024, nếu Messi di chuyển tất cả các trận đấu, giải đấu theo lịch của Inter Miami, anh sẽ di chuyển 140.000 km, gấp 3,5 lần đường xích đạo trái đất. Chỉ trong tháng 3, chính xác là 26 ngày, Messi đến 5 nước, 2 lục địa, di chuyển 40.000 km bằng chu vi trái đất. Hãy so sánh với tượng đài âm nhạc số 1 thế giới hiện tại, Taylor Swift, năm 2024 này, cô có chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, có doanh thu thiết lập kỷ lục chưa từng có, với 152 buổi hòa nhạc tại 23 quốc gia trên đủ 5 châu. Nhưng Taylor Swift chỉ di chuyển 104.000 km, kém xa Messi.
Neymar luôn thu hút mọi thứ kể cả việc chấn thương hay đi nghỉ dưỡng. |
3. Tuy nhiên, Messi với Ronaldo còn chưa ăn thua so với Neymar. Vừa đến Al Hilal, Neymar lăn ra chấn thương và cả năm không đá trận nào. Nhưng Neymar vẫn tạo ra cỗ máy kiếm tiền khủng khiếp. Anh đi chơi, dưỡng thương, nghĩ dưỡng vẫn nhận khoảng 100 triệu euro. Thêm vào đó, 14 thương hiệu ký hợp đồng giúp Neymar kiếm khoảng 30 triệu euro nữa.
Giáo sư marketing, Ivan Martino viết trên tờ Marca: “Neymar còn hơn cả một cầu thủ. Chúng ta đang nói về một nhân vật toàn cầu, người thu hút mọi thứ, không chỉ những gì diễn ra trên sân cỏ mà còn là những tranh cãi, thảo luận, những thứ liên quan đến anh ấy, kể cả việc chấn thương, nghỉ thi đấu. Khả năng duy trì sức hút này trong bất kỳ hoàn cảnh nào là tài sản lớn nhất của tiếp thị thể thao toàn cầu”. Việc Neymar cầm lon Red Bull uống chẳng liên quan đến chuyện anh ấy thi đấu, chẳng cần anh ấy phải ghi bàn. Và xét trên khía cạnh “nhàn nhã” này thì Neymar còn quyền lực hơn tất thảy.
Vậy mới nói, kiếm tiền, tạo sức mạnh kinh tế là một chuyện, khả năng thay đổi thế giới mới thật sự tạo nên quyền năng của những siêu sao.