1.500 ngày đằng đẵng
Tháng 11/2018, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã được kiểm tra mẫu thử với chất cấm (doping) ngẫu nhiên trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc. Tháng 2/2019, kết quả mẫu thử được Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) công bố và mẫu thử của Trịnh Văn Vinh dương tính với chất testosterone ngoại sinh và một chất khác. Vinh bị cấm tham dự các giải thi đấu quốc tế và trong nước bốn năm. Thời điểm đó, Trịnh Văn Vinh 24 tuổi.
Bốn năm, là 1.460 ngày (xấp xỉ 1.500 ngày). Ngần ấy thời gian không được thi đấu chính thức, đối với Trịnh Văn Vinh là một kinh nghiệm “khắc cốt ghi tâm” của cuộc đời, bởi đây chính là án phạt nặng nhất mà một lực sĩ Việt Nam từng nhận. Trịnh Văn Vinh trải lòng: “Khi nhận án cấm, nhiều lúc tôi đã rơi vào trạng thái bỏ không, muốn buông bỏ. Nhưng rồi, tôi được gia đình động viên và gặp gỡ các huấn luyện viên để định hướng lại cho bản thân”.
Trong bốn năm ấy, Vinh đã trải qua những bước ngoặt của sự nghiệp vận động viên, như việc kết thúc hợp đồng với đơn vị cũ là thể thao Công an Nhân dân và chuyển đến đầu quân cho đơn vị Bắc Ninh. Về với Bắc Ninh chính là về lại quê hương sinh thành của mình. Trịnh Văn Vinh bảo: “Tôi được sự động viên của mọi người và dần từ bỏ đi sự chán nản trong suy nghĩ mà hướng đến những điều tích cực hơn”.
Gần 1.500 ngày không thi đấu chính thức cũng không có nghĩa Trịnh Văn Vinh rời xa những gánh tạ nặng trăm cân hoàn toàn. Trong thời gian đó, chàng lực sĩ sinh năm 1995 vẫn tập duy trì và dành thời gian theo học rồi hoàn tất chương trình tại Đại học Thể dục-Thể thao Bắc Ninh. “Tôi có thời gian để chuẩn bị nên phải chủ động tích lũy thêm những thứ cần thiết. Nếu chỉ mãi đi vào suy nghĩ tiêu cực thì sẽ không làm được gì. Tất nhiên tôi hiểu vượt qua được những khó khăn ở giai đoạn bị cấm thi đấu luôn không dễ và tự bản thân nỗ lực cũng như đặt ra mục tiêu phải quay trở lại. Và tôi rất vui vì đã làm được”, Trịnh Văn Vinh nói thêm.
“Tôi không bỏ cuộc”
Trịnh Văn Vinh là tài năng được chú ý của cử tạ Việt Nam. Tại SEA Games 2017 ở Malaysia, lực sĩ này đã thi đấu nổi bật và giành tấm HCV hạng 62kg nam. Lúc đó, Vinh thắng Eko Yuli Irawan (Indonesia) trong những lượt cử đẩy cuối cùng để rồi đạt tổng thành tích cử 307kg xếp thứ nhất và cũng là kỷ lục SEA Games của hạng cân khi đó. 5 năm sau, hai lực sĩ đã gặp lại nhau khi có mặt ở sân đấu tại SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, vị trí của hai người đã khác nhau bởi Trịnh Văn Vinh chưa hết án cấm thi đấu mà chỉ có mặt để cổ vũ các đồng đội còn Eko Yuli Irawan vẫn thi đấu và vô địch hạng 61kg (tổng cử 290kg). Nhìn khoảnh khắc họ gặp lại nhau, bắt tay trao đổi trò chuyện thật xúc động và thời gian trôi thật nhanh.
“Tôi không bỏ cuộc, vẫn tập luyện. Không được thi đấu các giải chính thức nhưng tôi vẫn được cơ hội tập cùng các đồng đội và mình là người tham gia ghép tạ cho đồng đội khi thi đấu vừa qua. Quãng thời gian không được đấu chính thức, tôi tích lũy cho mình thêm kinh nghiệm đáng kể về chiến thuật và khả năng đọc tình huống”, Trịnh Văn Vinh chia sẻ.
Trịnh Văn Vinh được trở lại đội tuyển cử tạ Việt Nam trong danh sách tập trung từ ngày 1/1/2023. Tuy thế, đến ngày 25/1, anh mới chính thức trở lại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội tập luyện cùng mọi người. Thật ra, từ giai đoạn giữa năm trở về cuối của năm 2022, Trịnh Văn Vinh đã được bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục - Thể thao) tạo điều kiện tập luyện cùng các thành viên đội tuyển quốc gia nhằm lấy lại cảm giác thi đấu cũng như cảm giác nâng tạ. Trước khi SEA Games 31 diễn ra, Trịnh Văn Vinh được phép tham dự giải Cúp cử tạ các câu lạc bộ toàn quốc 2022 (tổ chức tại Hà Nội, tháng 8/2022) tuy nhiên thành tích chỉ mang ý nghĩa kiểm tra chuyên môn nội bộ do án cấm chưa hết. Lúc đó, Trịnh Văn Vinh đạt được mức tạ nâng tổng cử là 300kg (130kg cử giật, 170kg cử đẩy).
Trịnh Văn Vinh gặp lại Eko Yuli Irawan tại SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam. Ảnh | Văn Vinh |
Phía trước là thách thức
Khi hỏi Trịnh Văn Vinh rằng, điều gì tiếc nuối nhất trong suốt bốn năm bị cấm thi đấu? Chàng lực sĩ ngậm ngùi chia sẻ “đó là thời gian...”. Sau những buổi tập luyện ở đội tuyển quốc gia, Trịnh Văn Vinh vẫn là một trong số ít tuyển thủ rời sàn tập muộn nhất bởi như để lấy lại đủ quãng thời gian mình đã bị mất trong bốn năm không may mắn đã qua. Chú tâm dõi theo các đồng đội tập luyện, cùng những giọt mồ hôi lăn trên gương mặt không kịp vuốt sau mỗi cữ cử tập. Trịnh Văn Vinh luôn rất tập trung khi thực hiện mọi động tác và quyết tâm trong lần trở lại quan trọng này. Vinh kể rằng, được nghe lại tiếng tạ leng keng, được cười đùa cùng đồng đội, đó là động lực để có thêm hứng khởi trong tập luyện và hướng tới các thách thức phía trước.
Ở tuổi 28 và sau bốn năm đã bị cấm thi đấu, không ít người nghi ngại về khả năng có thể trở lại thuyết phục của Trịnh Văn Vinh. Cá nhân lực sĩ này trải lòng: “28 tuổi với nhiều người có thể đã là thời điểm tính đến sự nghỉ ngơi hoặc chuyển hướng. Nhưng với tôi, vẫn còn nhiều thời gian để tiếp tục chinh phục thành tích mới. Khi được trở lại, tôi là một con người mới và tích lũy được kinh nghiệm để không vấp ngã như trước kia”.
Đánh giá về Trịnh Văn Vinh, cán bộ phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục-Thể thao), ông Nguyễn Huy Hùng cho biết, ý chí và tinh thần của lực sĩ này là điều mà ban huấn luyện đánh giá cao để quyết định điền tên tập trung đội tuyển quốc gia năm 2023: “Mỗi người có thế mạnh riêng và mục tiêu thành tích riêng. Chúng tôi sẽ theo dõi rất sát sự chuẩn bị cho Trịnh Văn Vinh để hướng đến các giải đấu quan trọng trong năm nay”. Với giới cử tạ, hạng cân 61kg nam là một trong những nội dung thể thao Việt Nam đang nhắm cơ hội tranh chấp thành tích huy chương ở đấu trường Olympic. Chúng ta đã có lực sĩ Thạch Kim Tuấn tham dự hạng đấu này ở Olympic Tokyo (Nhật Bản) năm 2020 nhưng thất bại hoàn toàn. Vì vậy nếu Trịnh Văn Vinh thể hiện được nỗ lực và khả năng chuyên môn tốt nhất thì cơ hội hướng tới thành công đang đặt vào tay lực sĩ này.
“5/2/2019 đến 5/2/2023, bốn năm với một cuộc đời thì không dài. Nhưng, bốn năm với vận động viên là cả một quá trình rất dài và gian nan. Khép lại bản án cấm thi đấu. Viết lên một trang mới. Chúc mừng cho sự cố gắng và quyết tâm của bản thân trong suốt bốn năm qua sẽ được bù đắp và đền đáp xứng đáng. Chúc bản thân trong hành trình mới gặt hái được thành công hơn. Xin cám ơn gia đình, bố mẹ, ban lãnh đạo, thầy cô, các bạn bè thân thiết vẫn luôn tin tưởng đặt niềm tin vào em...”, đó là những chia sẻ đầy cảm xúc của Trịnh Văn Vinh trên trang facebook cá nhân vào đúng ngày hết án cấm, để hướng đến một tương lai mới...