Tìm “lửa” trên khán đài V.League

Tưởng chừng như hiệu ứng từ chức vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam những ngày đầu năm sẽ thắp lên ngọn lửa khí thế cho V.League, song thực tế lại không như mong đợi. Mùa giải năm nay đã đi qua hơn nửa chặng đường, nhưng hình ảnh các khán đài trống vắng, thiếu “lửa” tiếp tục trở nên quen thuộc.
0:00 / 0:00
0:00
Khán đài “đìu hiu” tại các trận đấu V.League. (Ảnh: BDFC)
Khán đài “đìu hiu” tại các trận đấu V.League. (Ảnh: BDFC)

Theo thống kê của VPF, sau 13 vòng đấu của mùa giải 2024-2025, chỉ có 417.400 khán giả đến sân theo dõi các trận đấu. Tổng số khán giả của mùa giải, tính đến ngày 20/11/2024 là 207.300, trung bình là 4.936 người/trận. Trận đấu có nhiều khán giả nhất là 9.500 người, trong khi trận ít nhất chỉ 1.000 người. Chỉ có sân Thiên Trường (Nam Định) duy trì lượng khán giả hơn 10.000 người/trận. Sau Tết Nguyên đán, lượng khán giả trung bình tăng hơn 5.000 người/trận. Những con số này đều thấp hơn đáng kể so với 5 mùa giải trước (không tính mùa giải 2021 bị hủy do Covid-19).

Vẫn là các CLB giàu truyền thống như Hải Phòng, Thể Công-Viettel, Hà Nội, B.Bình Dương... thế nhưng, những làn sóng cổ vũ cuồng nhiệt đã mất dần, thay vào đó là những khoảng trống kéo dài trên hàng ghế khán đài. Sân Lạch Tray (Hải Phòng) trong trận đấu với Công an Hà Nội mùa trước đã tiếp đón 13.000 CĐV, nay giảm còn 9.500 người. Hay trận derby Thủ đô giữa Thể Công-Viettel và Hà Nội FC mùa trước từng đón 7.000 khán giả, năm nay chỉ còn 4.500 người... Như vậy, ngay cả những “trận cầu đinh” cũng không còn đủ sức hút kéo khán giả đến sân.

Việc khán đài V.League ngày càng thưa thớt một phần là do thói quen xem bóng đá của người Việt đã thay đổi. Anh Nguyễn Huy Hiệp (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi thường đến sân cổ vũ cho Hà Nội FC nhưng giờ chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng là có thể theo dõi trận đấu ở bất kỳ đâu, qua các nền tảng phát sóng trực tuyến như YouTube, Facebook...”. Không cần mua vé, tốn thời gian di chuyển hay chịu cảnh thời tiết khắc nghiệt, người xem vẫn có thể tận hưởng bóng đá một cách thuận tiện nhất. Đặc biệt, thế hệ trẻ với tiện ích của công nghệ càng ít có xu hướng đến sân hơn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn do V.League còn tồn tại nhiều vấn đề khiến người hâm mộ mất dần niềm tin. Sau 13 vòng đấu, chỉ có 199 bàn thắng, khá thấp so với những mùa trước. Trái ngược, số thẻ phạt lại tăng vọt, đạt kỷ lục chưa từng có với 362 thẻ vàng được rút ra. Những trận đấu thiếu kịch tính, số bàn thắng hạn chế khiến không khí trên sân ngày càng nguội lạnh. Nhiều đội bóng lựa chọn lối chơi thận trọng, ưu tiên sự hiệu quả thay vì trình diễn thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Điều này khiến V.League mất đi sức hút vốn có, làm khán giả không còn cảm thấy háo hức mỗi khi đến sân.

Tìm “lửa” trên khán đài V.League ảnh 1

(Ảnh: BDFC)

Bên cạnh đó, công tác trọng tài tiếp tục gây tranh cãi khi nhiều HLV và lãnh đạo đội bóng bị xử phạt vì lỗi phản ứng và bất mãn với công tác cầm còi. Đặc biệt, trận đấu giữa Quảng Nam và Thanh Hóa trong trận đấu bù vòng 11 là trường hợp chưa từng có trong lịch sử, khi cả hai đội ra sân mà không có HLV trưởng trực tiếp chỉ đạo vì đều bị đình chỉ làm nhiệm vụ. Từ đơn kiện của Thanh Hóa, cả tổ trọng tài bị kỷ luật vì sai phạm. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của giải đấu mà còn làm mất niềm tin nơi người hâm mộ.

Chưa kể, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các SVĐ cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả ngần ngại đến sân. Nhiều SVĐ xuống cấp, thiếu tiện nghi, dịch vụ kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người hâm mộ. Ngoài ra, các CLB vẫn sống khỏe từ “hầu bao” của ông bầu nên việc làm sao để thu hút khán giả đến sân ít được coi trọng.

Mùa giải 2024/2025 đang đứng trước hàng loạt vấn đề nan giải và là rào cản lớn cho sự phát triển của V.League. Trải qua 25 năm hoạt động chuyên nghiệp, không thể phủ nhận những nỗ lực của BTC và các đội bóng trong công tác quản lý, điều hành cũng như tổ chức thi đấu. Đặc biệt, đây đã là mùa giải thứ hai mà VPF áp dụng thể thức và lịch thi đấu mới theo chuẩn quốc tế, đồng thời, công nghệ VAR cũng bước sang năm thứ ba vận hành.

Song, chừng đó vẫn chưa đủ để tạo nên một cuộc cách mạng thật sự cho V.League - giải đấu được coi là xương sống cho sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam. Có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại mà chất lượng trận đấu không được nâng cao, các vấn đề tiêu cực vẫn tồn tại thì khó có thể tìm lại được không khí rực lửa trên khán đài. Bởi bóng đá không chỉ là cuộc chiến trên sân cỏ mà còn là câu chuyện về cảm xúc và sự kết nối.