Tính kế thừa của bắn súng Việt Nam

Sau chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016, đến nay bắn súng Việt Nam đã bị chững lại, cũng như không có tính liên tục hay tính kế thừa về thành tích. Là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, nhưng để vượt lên lọt vào nhóm có huy chương thì các xạ thủ nước nhà vẫn cần phải tiếp tục có sự đầu tư tổng lực.
0:00 / 0:00
0:00
Nội dung bắn đĩa bay thu hút nhiều quan tâm tại Giải bắn súng vô địch quốc gia 2024. (Ảnh: Thái Dương)
Nội dung bắn đĩa bay thu hút nhiều quan tâm tại Giải bắn súng vô địch quốc gia 2024. (Ảnh: Thái Dương)

Việc dừng bước tại vòng chung kết cả hai nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ ngay lần đầu góp mặt ở Olympic có thể xem là sự khích lệ đối với Trịnh Thu Vinh. Song, điều này cũng khép lại mọi hy vọng dành cho bắn súng Việt Nam, môn thế mạnh mà chúng ta kỳ vọng nhất đã để lại nhiều nuối tiếc ở một kỳ Olympic.

“Kết quả thi đấu của Thu Vinh phản ánh sự nỗ lực của em. Dù vậy trong thi đấu thể thao đỉnh cao phụ thuộc rất nhiều yếu tố để có huy chương. Thu Vinh đạt thành tích như vậy đã là rất ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Vấn đề hiện nay là huấn luyện thế nào để Thu Vinh tiếp tục phát triển thành tích, có thể có huy chương Olympic”, HLV Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Bắn súng Việt Nam đã từng xuất sắc tại đấu trường Olympic, nhưng sự xuất sắc đó lại không có tính kế thừa. Phải đến năm 2023, 7 năm sau khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic, 41 năm kể từ khi thể thao Việt Nam tham dự đấu trường ASIAD 1982, chúng ta mới có HCV bắn súng đầu tiên tại ASIAD thuộc về xạ thủ Phạm Quang Huy.

Về lý thuyết, bắn súng khá phù hợp với tố chất của người Việt Nam, bởi môn thể thao này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính chính xác, đồng thời không phải va chạm trực tiếp, không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố cơ bắp, thể hình, thể lực và sức bền. Song, Việt Nam chưa có cơ chế thông thoáng để phát triển và phổ cập bắn súng. Hiện chỉ có các đơn vị của Nhà nước mới có thể tuyển chọn, đào tạo. Người dân muốn tiếp cận bắn súng thì không có nơi tập, vì vậy việc phát triển phong trào rất khó dẫn đến lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia mỏng, ít tài năng. Hàn Quốc là cường quốc về bắn súng bởi họ có chủ trương xã hội hóa toàn quốc, được đầu tư từ nhiều nguồn lực xã hội chứ không chỉ phụ thuộc vào chính phủ. CLB bắn súng có ở khắp nơi, vì thế Hàn Quốc có thể tìm kiếm tài năng cho bắn súng từ hệ thống các giải đấu ở trường phổ thông, đại học, cấp CLB.

Ở Việt Nam, ngoài những giải đấu thuộc hệ thống quốc gia, hiện nay không có nhiều giải đấu do các địa phương hay đơn vị tổ chức. Năm 2024 có gần 200 VĐV tham dự Giải bắn súng trẻ vô địch quốc gia và gần 300 xạ thủ đến từ 14 đơn vị trên cả nước tranh tài tại Giải bắn súng vô địch quốc gia. Với tính chất quan trọng, những giải đấu này không chỉ là cơ hội cọ xát, nâng cao chuyên môn cho các xạ thủ, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào bắn súng trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Bắn súng Việt Nam hiện đang sở hữu thế hệ giàu tiềm năng, có ý thức và khát khao vươn mình như Trịnh Thu Vinh, Phạm Quang Huy, Lê Thị Mộng Tuyền, Lại Công Minh, Phan Công Minh, Phí Thanh Thảo... Để nâng cao thành tích, các VĐV cần được đầu tư nhiều hơn với trang thiết bị tốt, được đi thi đấu nhiều giải đấu quốc tế lớn để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và cải thiện tâm lý.

Tính kế thừa của bắn súng Việt Nam ảnh 1

Bắn súng Việt Nam cần cú hích mạnh hơn nữa sau Olympic 2024. (Ảnh: Phan Tuấn)

Sau cuộc chia tay với chuyên gia Park Chung-gun, người có tầm ảnh hưởng rất lớn với bắn súng Việt Nam, việc tiếp tục thuê chuyên gia ngoại là điều rất cần thiết. Có thể thấy trong hành trình 10 năm làm việc tại Việt Nam, ông Park là chuyên gia có thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam và điều đó sẽ đặt ra thách thức lớn với những người kế nhiệm.

Hiện đội tuyển bắn súng Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào Trịnh Thu Vinh và Phạm Quang Huy ở nội dung súng ngắn. Tuy nhiên, vẫn còn có những nội dung khác quan trọng trong từng tổ chuyên môn cụ thể. Chính vì vậy, nhà quản lý hướng tới việc phải tìm chuyên gia chuyên biệt cho từng tổ nội dung. Thí dụ như bắn súng đĩa bay vừa giành 2 HCV tại Giải Vô địch bắn súng Đông Nam Á 2024 mới kết thúc đầu tháng 12.

Để bắn súng Việt Nam trở lại vinh quang, cần phải có sự đầu tư tổng lực từ nhiều phía. Thực trạng triền miên thiếu đạn, quần áo rách tươm, hạn chế đi tập huấn và thi đấu nước ngoài... vẫn đang diễn ra suốt nhiều năm qua. Ngân sách trung bình đội tuyển bắn súng quốc gia cần mỗi năm ít nhất là 10-12 tỷ đồng, nhưng Cục TDTT chỉ có thể chi khoảng 3,3 tỷ đồng. Và đó là cũng là câu chuyện chung của thể thao Việt Nam chứ không riêng gì bắn súng.