Golfer Lê Khánh Hưng

Nhà vô địch SEA Games và giấc mơ chuyên nghiệp

Sau hơn 20 năm chờ đợi, golf Việt Nam giành được cả ba Huy chương vàng-bạc-đồng tại SEA Games 32 trên đất Campuchia. Người "mở hàng" cho đội tuyển golf Việt Nam là cậu bé mới chỉ 15 tuổi với kỳ tích HCV. Đây chính là bàn đạp giúp Lê Khánh Hưng tiến dần hơn tới mục tiêu thực hiện giấc mơ trở thành một golfer chuyên nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà vô địch SEA Games và giấc mơ chuyên nghiệp

Giọt nước mắt hạnh phúc

Những ai có mặt trên sân Garden City ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) trong chiều 10/5 đã được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của golf Việt Nam. Lê Khánh Hưng đã làm nên kỳ tích khi không chỉ giành tấm huy chương đầu tiên ở sân chơi SEA Games sau hơn 2 thập kỷ, mà còn là tấm HCV danh giá ở nội dung đơn nam.

Tất cả như nín thở trước cú gạt bóng của golfer sinh năm 2008 ở hố 18, rồi vài giây sau đó là sự bùng nổ của cảm xúc. Các đồng đội của Khánh Hưng cầm theo cờ Tổ quốc chạy vào ăn mừng chiến thắng. Trong thời khắc đó, Khánh Hưng bật khóc vì hạnh phúc.

"Trước khi thi đấu em bị mất ngủ nhiều ngày, thậm chí không ăn được. Áp lực về tinh thần và phải giữ được ngôi đầu trong 4 ngày thi đấu dưới thời tiết nắng nóng khiến em run tay khi đặt bóng. Vì vậy ở hố số 3 em hơi chệch choạc, lo lắng, cú đánh bị lệch hẳn ra. Rồi em cố sốc lại tinh thần, cứ tin tưởng vào bản thân, dần dần thấy thoải mái hơn để tiếp tục đánh tiếp. Khi được các đồng đội và đặc biệt là bố cổ vũ, em đã vượt qua để giành chiến thắng. Em khóc vì tự hào. Tự hào vì bản thân mình, vì đã làm được điều kỳ diệu. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc được kéo lên ở đấu trường SEA Games", Khánh Hưng xúc động chia sẻ.

Ở đội tuyển golf Việt Nam, Khánh Hưng không được đánh giá cao bằng Anh Minh và bảng thành tích cũng còn khá nghèo nàn. Nhưng khi đứng trước cơ hội làm nên lịch sử, khát khao khẳng định mình, khát khao vượt qua đối thủ đã tiếp thêm sự tự tin cho chàng golfer còn rất trẻ này.

Chứng kiến thành công của học trò, HLV Nguyễn Thái Dương hạnh phúc nói: "Tôi có đôi chút bất ngờ, tuy nhiên ban huấn huyện đồng hành với các VĐV không chỉ trong 2 tháng chuẩn bị cho SEA Games mà còn nhiều năm qua. Chúng tôi biết được thực lực các bạn trẻ, biết được trình độ của tuyển Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực. Mặc dù các VĐV Việt Nam còn trẻ nhưng Khánh Hưng hay Anh Minh tham dự nhiều giải chuyên nghiệp và chiến thắng những tay golf có tuổi đời gấp đôi. Về mặt huấn luyện, chúng tôi chủ yếu giúp các VĐV có sự thoải mái, đưa ra giáo án tập luyện, tính toán cho các VĐV điểm rơi tốt nhất".

Niềm cảm hứng và đam mê từ bố

Hành trình chinh phục tấm HCV SEA Games và cả chặng đường dài phía trước của Lê Khánh Hưng luôn có bóng dáng của người bố - ông Lê Văn Lân. Kể từ khi Khánh Hưng tập golf và trở thành tuyển thủ như hiện tại, ở mọi giải đấu luôn có sự đồng hành của bố. Ông Lê Văn Lân cũng là một golfer có tiếng ở miền nam, là người theo sát từng bước chân, từng cú swing của con.

Nhà vô địch SEA Games và giấc mơ chuyên nghiệp ảnh 1

Trên mọi chặng đường của Khánh Hưng đều có bố đồng hành. Ảnh trong bài: QUYẾT NGUYỄN

"Bố mẹ sang Campuchia để cổ vũ em. Mọi người và gia đình luôn hỗ trợ em trong suốt chặng đường đã qua. Em tập trung vào từng cú đánh và luôn nhìn bố của mình để thêm vững tâm. Nhờ có bố, em mới có thể chơi tốt nhất ở SEA Games vừa qua. Em thấy mình thật may mắn khi có bố làm caddie ở hầu hết các giải đấu. Bố hiểu và thương em, là người đồng hành và cùng em vượt qua những khó khăn, thử thách. Khi em muốn làm tốt nhất, đó không phải là do bố thúc ép, mà bản thân mình thấy cần phải tự hoàn thiện, cố gắng. Nhờ golf, bố giống như một người bạn. Hai bố con gần nhau hơn và luôn có sự tôn trọng", nhà vô địch SEA Games cho biết.

Về phần mình, ông Lân tin rằng con trai sẽ tiến bộ và vượt qua bố, nhưng không nghĩ lại nhanh như thế. Chỉ sau khoảng 1 năm hai bố con tập luyện với nhau, Khánh Hưng đã đánh even par 72, sau đó vô địch lứa tuổi U9 TP Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ sở để ông đánh giá con mình chính là một viên ngọc thô, cần được đầu tư hết mức.

"Từ khi Hưng khoảng 7 tuổi là tôi đã dắt cháu theo ra sân để tập golf. Khi đại dịch bùng phát, tôi mua thảm để Hưng tập ở trong nhà. Tôi nhận ra con trai của mình rất đam mê môn thể thao này. Từ đó, cả gia đình quyết định cho Hưng theo đuổi nghiệp thể thao", ông Lân hồi tưởng.

Ngoài chuyên môn, ông Lân dạy con cách vượt qua những áp lực. Tâm lý bình thản, bình tĩnh là chìa khóa để đối phó với áp lực cũng như sự kỳ vọng. Chính những lời dặn dò ấy đã giúp Khánh Hưng vượt qua lo lắng, lấy lại bình tĩnh để thi đấu hết khả năng.

"Luôn có áp lực dù đó chỉ là một buổi tập. Nhưng áp lực là điều không thể thiếu của cuộc chơi. Điều quan trọng là hai bố con đều cảm thấy vui vẻ khi được trải nghiệm và đồng hành với nhau trong mọi hành trình trên sân golf cũng như cuộc sống", ông Lân tâm sự.

Mở cánh cửa lên chuyên nghiệp

Không phải đến khi Khánh Hưng giành HCV lịch sử ở SEA Games, mà từ trước đó, ông Lân và vợ xác định sẽ "dồn hết vốn" cho con trai theo chuyên nghiệp. Theo tính toán của giới chuyên môn, một golfer có thể thi đấu chuyên nghiệp phải đầu tư tới khoảng 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng). Nhưng tiền bạc chỉ là một phần, bởi nếu gia đình không ủng hộ và đồng hành, các golfer trẻ rất khó "tự bơi" khi tiến lên thi đấu chuyên nghiệp.

Đặc thù công việc khiến ông Lân đi nước ngoài không dễ dàng. Vì vậy, ít ai biết người bố tâm huyết và yêu thương con hết mực đã chủ động xin nghỉ hưu non để được cùng Khánh Hưng ra nước ngoài thi đấu tại SEA Games 32 vừa qua.

"Tôi luôn giáo dục để con trở thành người giàu tính nhân văn. Con đường đến với golf chuyên nghiệp vì thế không phải là tiền, mà giúp con có nhiều trải nghiệm, trưởng thành và biết yêu thương những người chung quanh mình", ông Lân chia sẻ.

Sau SEA Games 32, Khánh Hưng sẽ gia nhập Học viện golf IJGA, đồng thời học văn hóa tại trường Montverde tại Florida (Mỹ) vào tháng 8 tới. Trước Khánh Hưng, hai golfer chuyên nghiệp đáng chú ý nhất của Việt Nam hiện nay là Trương Chí Quân và Nguyễn Thảo My cũng đã đi theo con đường này.

Tại Mỹ có hệ thống giải golf cho sinh viên các trường đại học (thuộc tổ chức Hiệp hội VĐV cấp đại học NCAA danh tiếng). Nhiều huyền thoại golf thế giới và những golfer nổi danh trên PGA Tour, LPGA Tour như Jack Nicklaus, Tiger Woods, Brooks Koepka, Scottie Scheffler, Jordan Spieth... đều trưởng thành từ NCAA.

Nhờ những thành tích ấn tượng, Khánh Hưng được trao học bổng trị giá 100.000 USD cho 3 năm. Đây chính là cú huých rất thuận lợi, chắp cánh cho ước mơ trở thành một golfer chuyên nghiệp trong tương lai gần của nhà vô địch SEA Games.

"Tôi luôn mơ ước trở thành một golfer chuyên nghiệp. Các đàn anh, đàn chị, đàn chú và đặc biệt là bố là người giúp tôi có nhiều động lực để phấn đấu. Sau này, nếu kiếm được nhiều tiền, tôi sẽ giúp đỡ bố mẹ và các golfer trẻ. Tôi luôn mong muốn Việt Nam có thật nhiều golfer chuyên nghiệp", Lê Khánh Hưng chia sẻ.

Sự lạnh lùng của nhà vô địch

"Cú đánh quyết định vào lỗ rồi, tấm HCV rồi, gương mặt của Hưng vẫn lạnh tanh. Rõ ràng đó là dấu hiệu của một golfer có thể đi rất xa", ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam nhận xét.