Lấp đầy khoảng trống kế cận

Quy luật “tre già măng mọc” không chỉ là lẽ tự nhiên mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với bóng đá, quy luật ấy càng rõ ràng khi mỗi thế hệ cầu thủ đều mang sứ mệnh viết tiếp lịch sử. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển giao, câu chuyện làm sao để thu hẹp khoảng trống kế cận luôn là bài toán không dễ giải.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui của các cầu thủ U17 Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Niềm vui của các cầu thủ U17 Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Bóng đá trẻ Việt Nam đã trải qua năm 2024 trầm lắng với thất bại của đội tuyển U16 và U19 tại giải Đông Nam Á. Và lần đầu tiên kể từ năm 2008, sau 6 kỳ liên tiếp góp mặt, chúng ta phải đứng ngoài cuộc ở VCK U20 châu Á. Có lẽ, tấm vé tham dự VCK U17 châu Á 2025 chính là điểm sáng le lói giữ lại niềm tin nơi người hâm mộ. Đây là vấn đề báo động của bóng đá Việt Nam khi các lứa từ U16 đến U20 đều không phát triển đúng kỳ vọng, không có cá nhân nổi bật lên để chờ đợi và hy vọng như Công Phượng, Quang Hải, Hoàng Đức... trước đây.

Hệ quả này một phần xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong hệ thống đào tạo trẻ. Dù các lò đào tạo như Hà Nội, PVF, Viettel... đã sản sinh ra nhiều tài năng, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa các cầu thủ trẻ và trình độ đỉnh cao. Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt, Phan Tuấn Tài, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Trường... đều rất tiềm năng và được kỳ vọng, nhưng chưa thể hiện sự ổn định và bản lĩnh trong trận đấu lớn.

Để có một nền bóng đá phát triển bền vững, việc chú trọng đào tạo trẻ và tạo cơ hội rèn giũa, cọ xát cho các tài năng phải được ưu tiên hàng đầu. Nhưng trong chuỗi vận động thông thường, thì “bóng đá trẻ cũng có tính chu kỳ đi lên rồi xuống, chỉ có thể cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa đỉnh và đáy” như nhận định của HLV Phan Thanh Hùng.

Định hướng đầu tư vào đào tạo trẻ được khởi xướng từ cấp CLB và đã “ra hoa kết trái” trong triều đại của HLV Park Hang-seo, nhưng để phát triển bền vững, nền bóng đá cần một chiến lược quy mô hơn là những nỗ lực đơn lẻ. Sự phụ thuộc vào các CLB khiến đào tạo trẻ đang dần lao dốc. Trước tình hình kinh tế khó khăn, các CLB trong nước thường “bỏ quên” đào tạo trẻ nếu không bảo đảm được nguồn tài chính cho đội 1.

Lấp đầy khoảng trống kế cận ảnh 1

Bóng đá cộng đồng cần được chú trọng hơn. (Ảnh: Minh Thi)

Bên cạnh đó, nguồn lực khổng lồ từ bóng đá cộng đồng và học đường cần tiếp tục được khai thông hiệu quả hơn. Thời gian gần đây, VFF đã và đang triển khai nhiều kế hoạch quan trọng để phát triển bóng đá trẻ, nhằm khắc phục khoảng trống nhân tài hiện nay. Một trong những chiến lược trọng tâm là tăng cường đào tạo cầu thủ trẻ từ 6 đến 12 tuổi thông qua “Dự án bóng đá học đường FIFA” hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm phủ sóng đến 1.000 trường học trên toàn quốc.

Năm 2024, “Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) hợp tác của VFF cùng Liên đoàn Bóng đá Na Uy được trao giải “Dự án phong trào xuất sắc nhất châu Á”. Mục tiêu của dự án phát triển bóng đá phong trào tại các trường học và trung tâm bảo trợ xã hội, nhằm giáo dục nhân cách và rèn luyện thể chất cho học sinh, đồng thời ngăn ngừa các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, VFF cũng đang nỗ lực ổn định và phát triển các giải đấu trẻ như U21, U19 (nam, nữ), U20 futsal nam, U16 nữ, U15, U13, U11, U9. Kế hoạch dài hạn của VFF bao gồm việc hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín nhằm cải thiện hệ thống đào tạo bóng đá trẻ, tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.

“Phải luôn xem việc đào tạo chuyên môn là quan trọng, bồi dưỡng đạo đức là cốt lõi thì mới có được những lứa cầu thủ trẻ tốt về mọi mặt. Câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ ở các trung tâm, địa phương cũng giống như việc chăm bẵm, giáo dục con trẻ ở gia đình. Công việc này phải có những quy chuẩn rõ ràng và hướng cầu thủ trẻ vào đó, rèn giũa chuyên môn và đạo đức. Ai cũng nhìn ra vấn đề này nhưng đào tạo cầu thủ trẻ và cho ra đời một thế hệ vàng là điều cực kỳ khó”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải từng nhận xét.

Tuấn kiệt như sao buổi sớm/Nhân tài như lá mùa thu, dẫu biết là rất khó nhưng không có nghĩa là không có hy vọng. Trong dòng chảy của thể thao, “tre già măng mọc” như một lẽ tất yếu, phản chiếu sự vận động không ngừng. Thế hệ “vàng” từng đưa đội tuyển Việt Nam “bay cao” đang dần lùi lại, nhưng để lớp măng non vươn mình mạnh mẽ, cần có chiến lược dài hạn từ hệ thống đào tạo, cơ hội cọ xát và sự dìu dắt từ các đàn anh. Sự kế thừa sẽ chuyển giao cho những người mang trong mình khát vọng và năng lượng mới.