Kỳ vọng vào những đổi thay

Chương trình giáo dục phổ thông mới được giới thiệu thời gian qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như đông đảo phụ huynh, học sinh về những đổi thay mang tính đột phá và hiệu quả dự kiến của chương trình này khi áp dụng vào thực tế.

Được đánh giá là có tiếp thu những thành tựu của các nền giáo dục tiên tiến thế giới, điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông trên được giới thiệu khá nhiều. Đó là việc khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình giáo dục cũ vốn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Thay vào đó, chương trình mới sẽ góp phần tăng cường tính chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp cho học sinh có nhiều thời gian hoạt động và sáng tạo hơn để phát triển toàn diện. Chương trình mới cũng giảm bớt khối lượng bài học, giúp giảm tải và tiết kiệm thời gian của học sinh. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cơ bản quá trình học tập của học sinh thời gian qua vốn mang tính nhồi nhét và thụ động cũng như giúp các em có nhiều cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo và có thời gian hoạt động để trở thành con người phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, tâm hồn.

Để phương pháp giáo dục phổ thông mới mang lại thành công như mong muốn, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải nhanh chóng tìm hiểu và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây quả là thách thức không nhỏ khi thời điểm áp dụng đã cận kề. Với một khối lượng kiến thức mới rất rộng và trải dài ở nhiều môn học tích hợp, đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay sẽ phải mất khá nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện kiến thức trước khi truyền thụ cho học sinh. Việc thay đổi tư duy dạy và học cũ, vốn đã trở thành thói quen đối với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh, cũng sẽ là trở lực lớn để nắm bắt được phương pháp dạy và học mới.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Kinh nghiệm thành công của các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới cho thấy họ đã đầu tư rất lớn và bài bản cho ngành giáo dục và đào tạo từ nhiều chục năm trước để giờ đây gặt hái những mùa quả ngọt. Thách thức này đặt ra rất lớn đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo phải có những chiến lược mang tính đột phá. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược đào tạo con người, bên cạnh nỗ lực tự thân của ngành giáo dục và đào tạo thì sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thành công những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có trí tuệ và thể chất khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, biết yêu quê hương, đất nước và có lòng tự hào dân tộc sâu sắc.

Cần lắm những đổi thay mang tính đột phá tích cực của ngành giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp “trồng người” thời gian tới. Trọng trách nặng nề đó đang đặt trên đôi vai của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo.