Khúc hoan ca của… nhựa

Trong khi các nghệ sĩ khác sử dụng màu nước hoặc sơn dầu, thì Mbongeni Buthelezi chọn sử dụng nhựa phế thải thu gom từ các bãi rác, để tạo nên những bức tranh. Hằng ngày, trong căn studio nhỏ tại Booysens (Johannesburg, Nam Phi), công việc chính của ông xoay quanh rác thải nhựa: thu gom, làm sạch, cắt chúng thành từng mảnh nhỏ, hơ chảy dưới súng nhiệt và đính chúng thành hình trên nền vải canvas.
0:00 / 0:00
0:00
Khúc hoan ca của… nhựa

Những bức tranh màu "nhựa"

Mỗi bức tranh cần trung bình khoảng 5.000 miếng nhựa nhỏ để hoàn thành. Phần lớn các tác phẩm của Mbongeni (sinh năm 1965, tại Nam Phi) đã được trưng bày ở nhiều triển lãm quốc tế, như: Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi tại New York (Mỹ); bảo tàng Gosh ở Đức… và chúng thường được bán với mức giá lên đến 13.000 euro.

Đôi mắt ngây thơ của trẻ nhỏ luôn là điều gây ấn tượng đầu tiên, trong những tác phẩm ấy. Khuôn mặt trẻ em dán trên cổng, nhắc lại những rào cản vẫn còn tồn tại đối với rất nhiều người ở Nam Phi. Đôi mắt đen và đậm của những đứa trẻ trong bộ đồng phục học sinh truyền tải hy vọng rằng những cuốn sách chúng mang theo một ngày nào đó sẽ mở ra cánh cổng tới với thế giới rộng lớn. Đôi mắt rạng rỡ của những đứa trẻ khi chơi đùa không liên quan đến bất cứ sự bất công nào, và niềm vui của chúng được miêu tả sống động đến mức bạn gần như có thể nghe thấy tiếng cười.

Đồng thời các bức tranh cũng truyền đi thông điệp mạnh mẽ: "Động vật trên rừng, cá dưới đại dương đang chết dần, chỉ vì nhựa-thứ con người sử dụng và vứt đi mỗi ngày. Vậy nên chúng ta phải có trách nhiệm!".

Vậy nhưng, ít ai biết, cơ duyên ban đầu đưa Mbongeni đến với nhựa lại không vĩ đại đến thế, mà nguyên nhân chính lại vẫn là… cái nghèo!

Ðam mê và đớn đau

Tình yêu của Mbongeni với nghệ thuật nhen nhóm từ những ngày thơ ấu, khi ông tự làm những chiếc xe hơi bằng dây điện, làm tượng các vật nuôi của gia đình từ đất sét - "đặc sản" của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không có đủ tiền mua đồ chơi.

Nhân cơ hội anh trai lên thành phố làm việc, ông nhắc đi nhắc lại: "Anh phải chú ý đến từng đợt tuyển sinh của Học viện Nghệ thuật đấy nhé!". Đó là ngôi trường mà bất cứ đứa trẻ yêu nghệ thuật nào ở Nam Phi cũng mơ ước. Cuối cùng, năm 1985, lần đầu đặt chân tới Johannesburg, chàng trai Buthelezi 19 tuổi chiêm ngưỡng "thành phố vàng" qua lăng kính ngây thơ và trong trẻo nhất. Ông nhập học Học viện Nghệ thuật châu Phi với bước đầu là học vẽ (dù trước đó điêu khắc mới là ngành ông thật sự quan tâm). Và ông hoàn toàn hài lòng.

Nhưng khó khăn bây giờ mới bắt đầu!

"Tôi không có đủ tiền để đi học. 1.500 RAND - đơn vị tiền Nam Phi, là mức phí dành cho khóa học ba tháng. Giảng viên của tôi khi đó đã giúp đỡ rất nhiều. Cha mẹ chỉ có thể cho tôi 30 RAND một tuần, điều đó có nghĩa là tôi chỉ có thể đến lớp ba ngày một tuần. Lựa chọn lớp để học luôn là một điều khó khăn!", Mbongeni nhớ lại.

Chưa kể, họa cụ luôn có mức giá khá cao, đặc biệt là với sinh viên nghèo: "Tôi phải nhặt những mảng sơn còn sót lại trong thùng của những học sinh khác", Mbongeni hồi tưởng.

Tại Học viện, có một ban công nhìn ra thị trấn Soweto. Giống như những sinh viên khác, Buthelezi dành nhiều thời gian trên ban công đó, để tưởng tượng về một ngày mai tốt đẹp hơn. Và cũng thật tình cờ, cửa hàng quần áo bên dưới đã lọt vào tầm mắt của ông. "Bất cứ khi nào tôi đứng và nhìn xuống cửa hàng quần áo, tôi luôn nhìn thấy rất nhiều đồ nhựa và màu sắc sặc sỡ của chúng… trong thùng rác. Một ngày nọ, tôi đã thu dọn thùng rác đó và để vào góc nhỏ của mình. Đương nhiên, trong ánh mắt ngỡ ngàng của bạn học". Đống đồ đồng nát ấy, mất một tháng mới được "khai phá tiềm năng", khi Buthelezi phát hiện ra súng nhiệt của những người thợ sửa đường ống. Và lúc này, nhựa chợt trở nên sống động, tuân theo những ý tưởng sáng tạo bất chợt của chàng sinh viên ấy.

Trong quá trình thử nghiệm, Mbongeni đã trải qua vô số lần bị bỏng khắp các đầu ngón tay, nhưng ông không dừng lại. Bất chấp sự đau đớn thể chất và cả nỗi lo lắng của giảng viên hướng dẫn, ông kiên định với con đường mình lựa chọn.

Chứng minh bản thân hoàn toàn nghiêm túc, Mbongeni đã dốc hết số tiền tiết kiệm để thuê một căn phòng nhỏ làm studio, và ở luôn tại đó. Điều đó đồng nghĩa, ông không còn tiền cho những cuộc vui. Chàng sinh viên năm ba rời khỏi nơi ở của bố mẹ với hai tấm chăn, một túi đồ cá nhân và một bếp ga nhỏ. Những năm tháng đó, điều ghim trong hồi ức của ông sâu đậm nhất là nỗi cô đơn: "Điều duy nhất giúp tôi tồn tại là niềm tin vào giấc mơ nhựa của mình", ông bộc bạch. Không lâu sau, căn phòng nhỏ nhanh chóng được lấp đầy bằng 30 bức tranh.

Khúc hoan ca của… nhựa ảnh 1

Là tuổi thơ, tương lai và ước vọng

Câu chuyện của ông dần thu hút nhiều sự chú ý hơn. Liên đoàn Nhựa Nam Phi đã nghe về công việc của ông và rất vui mừng khi thấy sản phẩm của họ được sử dụng vào mục đích tốt đẹp. Sau đó, họ đã đến mua tất cả 30 tác phẩm nghệ thuật để tô điểm cho các bức tường tại văn phòng của họ. 130.000 RAND là bằng chứng đầu tiên cho thấy đam mê của Mbongeni không phải là viển vông.

Đối với Buthelezi, 1998 là một năm chấn động. Ông được chọn để đại diện cho Nam Phi trong một cuộc triển lãm dựa trên những diễn giải của các nghệ sĩ về sự giải phóng. Ông là người trẻ nhất trong nhóm các nhà sáng tạo đến từ châu Phi. "Đó là lần đầu tôi đi máy bay. Khi vào được chỗ ngồi, tôi đã nhắm mắt và thầm cảm ơn tổ tiên", ông vẫn luôn cười khúc khích khi nhớ lại sự ngây ngô ngày đó.

Mbongeni đã thành công vang dội ở New York. Khi các nhà tổ chức tìm cách trả tiền, họ nhận ra rằng ông thậm chí còn… không có ví! Họ đã quyết định đưa Mbongeni đi mua chiếc ví đầu tiên, bởi: "Anh ấy cần nó, vì tổng số tiền thu được là 18.000 USD".

Ngay khi về nhà, ông đã rút ví và chia sẻ chiến lợi phẩm với gia đình: "Mẹ tôi nói không nên lời. Bà không thể hiểu được tất cả số tiền này đã sinh ra như thế nào". Đến tận bây giờ trong mắt ông vẫn luôn lấp lánh, khi đã kịp làm mẹ tự hào, trước khi bà mất vì ung thư.

Giờ đây, với tư cách là một bậc cha mẹ, Buthelezi hiểu rằng: Thật ra, lúc ấy, mẹ chỉ luôn mong con mình hạnh phúc, khi ước mơ thành hiện thực!