Phòng cháy, chữa cháy

Không thể nửa vời

Tình trạng nắng nóng diện rộng đang làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, nhất là tại các đô thị, các khu công nghiệp. Trong khi, công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi sự thiếu chặt chẽ trong quy định và ý thức người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng khống chế đám cháy tại xưởng sản xuất tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Lực lượng chức năng khống chế đám cháy tại xưởng sản xuất tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Quá nhiều lỗ hổng

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Theo đó, cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy là cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy: Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án phòng cháy và chữa cháy độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây: có quy định, nội quy về an toàn phòng cháy và chữa cháy; có các biện pháp về phòng cháy; có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở; có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan; bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy… Mục tiêu Nghị quyết nhằm từng bước làm giảm và dần hướng tới đạt 100% số cơ sở trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực được khắc phục, bảo đảm an toàn theo quy định.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho hay, Nghị quyết được thông qua tạo cơ sở pháp lý, giúp xử lý hiệu quả cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Theo Công an TP Hà Nội, qua rà soát, trên địa bàn thành phố tồn tại 2.483 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết. Đến nay có 187 cơ sở đã hoàn thành việc khắc phục các tồn tại được nghiệm thu đưa vào sử dụng; 25 cơ sở đã xây mới hoặc phá bỏ hoàn toàn. Ngoài ra có 424 cơ sở nhà chung cư, tập thể cũ đã chủ động trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy ban đầu. Hiện toàn thành phố có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Như vậy số cơ sở hoàn thành việc khắc phục tồn tại các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ quá thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch để triển khai Nghị quyết cụ thể theo giai đoạn và từng năm. Trong đó đưa ra lộ trình cụ thể, giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của thành phố.

Theo nhiều chuyên gia, số lượng cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy phát sinh trên địa bàn Hà Nội từ năm 2002 trở lại đây cũng rất lớn, trong đó có nhiều chung cư cao tầng. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ ra băn khoăn khi vẫn đang có quá nhiều lỗ hổng, vấn đề liên quan quy hoạch chợ, nhà cao tầng, nhà xưởng, thay đổi công năng nhà, không tính toán kỹ đến điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Cần làm rõ trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia, lúc này các cơ quan chức năng phải thực hiện cùng lúc nhiều việc, vừa xử lý những cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy suốt thời gian dài, đồng thời ngăn chặn, không để phát sinh cơ sở, đơn vị vi phạm. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), nhận xét, năm nào TP Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp ngăn chặn "bà hỏa", tuy nhiên quá trình thực hiện, kiểm tra đã có sự xuê xoa. Nếu việc cấp phép xây dựng, kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy được làm nghiêm túc, cơ sở nào chưa đáp ứng yêu cầu thì chưa được cấp phép hoạt động hoặc chưa được cho người dân vào ở, thì đã ngăn chặn được nhiều tai họa đáng tiếc. Vậy nên thành phố cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cán bộ cơ sở. Một điều nữa, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần mau chóng đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, di chuyển nhà máy, cơ sở công nghiệp ra ngoại ô.

Dư luận từng nhiều lần nêu ý kiến về hàng loạt dự án chung cư chưa đủ điều kiện và chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình cho người dân vào sống. Nhiều tòa chung cư cũng đã bị nêu tên. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm bởi các khu chung cư là nơi tập trung đông người. Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định trách nhiệm xử lý đối với các đơn vị vi phạm, nhưng cơ quan thực thi lại dễ dãi, không kiên quyết trong xử lý sai phạm.

Để chấn chỉnh điều này, giữa năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an Thành phố xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, không khắc phục các tồn tại, vi phạm. UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành đối với công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố. Để mục tiêu không chỉ nằm trên giấy, kiến trúc sư Trần Huy Ánh kiến nghị: "Chúng ta kiên quyết không để tăng thêm cơ sở vi phạm. Muốn thế cần phải thực hiện thật nghiêm các quy định đã có trong luật, tránh làm nửa vời rồi để người dân phải lãnh hậu quả".