Không dễ trụ vững với nghề

NDO - Năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển dụng 3.298 chỉ tiêu giáo viên, cho các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Có đến gần 5.000 hồ sơ gửi tham gia dự tuyển. Và, để có một suất trong số hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng trên, không phải ai muốn cũng có thể đặt chân vào. Trong khi thực tế trên địa bàn thành phố, việc thiếu giáo viên vẫn cứ thiếu. Nguyên nhân từ đâu?...
Liên tục tuyển dụng nhưng hệ mầm non và tiểu học tại TP Hồ Chí Minh lúc nào cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. 
Liên tục tuyển dụng nhưng hệ mầm non và tiểu học tại TP Hồ Chí Minh lúc nào cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. 

Giáo viên (GV) đang thừa hay thiếu? Ðây không chỉ là câu hỏi của chính những cử nhân sư phạm tương lai, mà còn là của xã hội, khi thực tế cho thấy, giáo viên ra trường tìm việc làm quá khó. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ÐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng hồ sơ dự tuyển GV năm nay là rất lớn. Riêng bậc THCS và THPT nhu cầu tuyển dụng chỉ 1.338 GV, nhưng số lượng hồ sơ lên đến hơn 2.500, số dôi dư trên 1.200.

Vấn đề tuyển dụng GV ở thành phố lớn đã vậy, tại một số địa phương lại còn khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay gần như địa phương nào cũng có trường đại học hoặc cao đẳng sư phạm có nhiệm vụ đào tạo nguồn GV cho tỉnh nhà. Nhưng có lẽ do công tác đào tạo, phân bổ chưa có sự tính toán khoa học, dẫn tới nơi thừa nơi thiếu GV. Từ đó, những người vừa mới tốt nghiệp các trường sư phạm luôn phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để hy vọng tìm kiếm một chỗ để nuôi dưỡng ước mơ dạy học.

Chính bởi thực tế dư thừa nguồn GV như hiện nay, mà công tác tuyển dụng GV mới tại các địa phương được nhiều người ví von chẳng khác gì một sân chơi đỏ đen đầy may rủi. Người nào có quan hệ tốt, biết đường nhờ vả thì có được suất dạy. Người nào "thân cô thế cô" và không hiểu "cơ chế" thì dù có giỏi đến mấy cũng không bao giờ đạt được ước mơ của mình. Có dịp đi và tìm hiểu về những "góc khuất" đằng sau công tác tuyển dụng GV, thực trạng dư thừa GV hiện nay, chúng tôi mới thấy thông cảm và chia sẻ cho cái phận SV sư phạm mới ra trường. Họ không chỉ hưởng mức lương thấp, lại phải chịu nhiều áp lực, chưa kể đến phải chi một khoản phí "lót tay" không nhỏ cho việc làm của mình.

Câu chuyện của chị Ðỗ Thị H., quê Quảng Bình là một thí dụ. Chị H. tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ÐH Sư phạm Vinh năm 2010 với tấm bằng loại giỏi. Chị hăm hở về quê xin việc và đón nhận sự phũ phàng của cơ chế "xin - cho". Ngoài nguồn tuyển dụng GV của địa phương không nhiều, chị lại không thuộc dạng "con ông cháu cha", gia đình chính sách nên đành lặng lẽ quay về vì không có đủ kinh phí đi "cửa sau" để vào danh sách tuyển dụng. "Chưa dự tuyển đã nghe người ta bàn tán "chạy chọt" đủ đường, mỗi suất phải chi từ 50 đến 70 triệu đồng, tôi nghe mà phát hoảng. Ở quê không được, thử ra thành phố xem sao, may chăng... " - chị H. bỏ lửng câu nói, giọng nghẹn lại.

Ðó chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp phải bỏ quê, kiếm tìm cơ hội nơi khác. Có không ít GV trẻ đã phải gác lại giấc mơ "phấn trắng, bảng đen" để tìm kiếm cơ hội mới, trái với ngành học của mình. Cô Nguyễn Thảo Trang, từng là GV Trường Mầm non Hoa Mai (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) là một thí dụ. Ðược trở thành cô giáo chăm sóc trẻ em là giấc mơ từ thời phổ thông của Trang. Gia đình nghèo, đông anh em ở vùng núi của tỉnh Nghệ An nên bốn năm theo học khoa Sư phạm mầm non (ÐH Sài Gòn) là sự cố gắng không mệt mỏi cho ước mơ của cô gái trẻ. Ra trường, Trang may mắn xin về công tác tại Trường Mầm non Hoa Mai nhờ sự quen biết. Tám năm công tác, phấn đấu và nỗ lực không ngừng, Trang vẫn phải bỏ nghề vì đồng lương không đủ sống. "Nói thật, dù không được sống với ước mơ, với nghề mà em yêu thích, nhưng đồng lương cao gấp ba lần lương GV đã giúp em bớt mệt mỏi với cơm áo gạo tiền". Trang nói.

Với những GV yêu nghề, vượt khó để bám trụ với nghề mà chúng tôi có dịp được tiếp xúc, trò chuyện, họ cùng có chung một ao ước về một cơ chế tuyển dụng công bằng hơn, có thể sống được bằng đồng lương chân chính của mình, để có nhiều hơn cơ hội nuôi dưỡng ước mơ nghề giáo.

* PGS,TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam:

Ðiều tra trên 526 GV phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời gian lao động của GV phục vụ cho giáo dục là rất lớn. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (Nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS gấp 1,7 lần, THPT gấp 1,8 lần. Tôi đã tìm hiểu hơn 500 giáo viên ở ba cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là, số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp Tiểu học 40,9%, cấp THCS  59%, và THPT 52,4%.