Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Không có công thức sản xuất bài hit

Ở độ tuổi sung sức của một nhạc sĩ, Nguyễn Văn Chung (ảnh bên) đã kịp sở hữu một kho tàng gồm hơn 700 sáng tác, trong đó có tới 300 bài dành cho thiếu nhi. Được số đông khán giả xếp vào danh sách hit maker - những nhạc sĩ có nhiều sáng tác được công chúng yêu thích và xếp hạng cao như Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh, Con đường mưa... và đặc biệt là Nhật ký của mẹ nhưng anh khẳng định, “vẫn chưa tìm ra công thức để sản xuất bài hit”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Tiền tác quyền chỉ là phụ

Đã và đang có nhiều bài hát nổi tiếng, anh có thể tổng kết một công thức hay bí quyết gì để viết ra một bài hát được nhiều người yêu thích?

Thật ra ban đầu tôi đến với âm nhạc, sáng tác nhạc cũng chỉ vì muốn thỏa mãn đam mê và cảm xúc cá nhân của mình nên chọn đưa vào những câu chuyện tình yêu đã trải qua, xem như một dạng nhật ký bằng âm nhạc. Sau đó, nhờ có cơ duyên hợp tác với các bạn ca sĩ và thành công, những ca khúc đó trở thành hit.

Đó là sự may mắn, thuận lợi trên những bước đi đầu tiên chứ tôi không hề có một công thức hay bí quyết gì cả. Có lẽ yếu tố cốt lõi để một bài hát ở lại trong lòng khán giả lâu đến như vậy chỉ nằm ở chữ cảm xúc. Tôi viết bằng cảm xúc của mình, ca sĩ hát bằng cảm xúc của họ và khán giả cũng thưởng thức bằng cảm xúc... Vậy là gặp nhau!

Ngày nay việc tạo bài hit đã ít nhiều được quy trình hóa bởi các ê-kip nhằm tăng khả năng chắc thắng trong quá trình phát triển một sản phẩm thu âm. Trường hợp DTAP và Hoàng Thùy Linh là một thí dụ, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng từng lập nhóm viết bài hát... Anh nghĩ sao về cách làm này?

Tôi không có thói quen nhận xét đánh giá về cách làm của người khác. Tuy nhiên tôi nghĩ trong công việc nói chung, cái gì được quy trình hóa cũng đều rõ ràng, có trình tự, chuyên nghiệp và có khả năng thành công cao hơn những gì tự phát và ngẫu hứng.

Anh có cảm nghĩ thế nào khi Nhật ký của mẹ hay See tình dù xuất thân từ “vùng trũng” trong thị trường âm nhạc nhưng vẫn vượt khỏi biên giới và chiếm được cảm tình của khán giả quốc tế. Bao nhiêu phần trăm là sự may mắn ở đây?

Tôi nghĩ với bất kỳ người nhạc sĩ nào, sáng tác được càng nhiều người thuộc nhiều quốc gia đón nhận thì càng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy to lớn lắm và không thể mua được bằng tiền. Đó cũng là niềm tự hào, là nguồn động lực để tiếp tục con đường sáng tác. Một bài hát để lan tỏa mạnh mẽ là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Và tôi nghĩ may mắn phải chiếm tới 20%.

Việc Nhật ký của mẹ nổi tiếng tại nhiều quốc gia đem về cho tác giả bao nhiêu tiền tác quyền cũng như những quyền lợi nào khác? Nó có phải là bước chạy đà để anh hướng tới những tác phẩm thành công tương tự tiếp theo?

Tiền tác quyền từ một bài hát chỉ là giá trị phụ. Giá trị chính nhận được từ Nhật ký của mẹ đầu tiên là sự định danh, bởi dù tôi đã viết rất nhiều bài hát tình yêu, nhưng ít ai biết đến cái tên Nguyễn Văn Chung cho đến khi ca khúc này ra đời.

Sau đó chính là thái độ tôn trọng, thậm chí trân trọng của mọi tầng lớp khán giả dành cho tôi, ai cũng yêu quý tác giả đã thay người mẹ viết ra những trang nhật ký để họ có thể ngân nga thay lời muốn nói.

Kế đó chính là sự biết ơn của những người vì nghe bài hát mà thay đổi suy nghĩ và thái độ mà biết cách bày tỏ tình yêu thương, mà thấu hiểu tình yêu của cha mẹ và tìm cách báo hiếu.

Những bậc làm cha mẹ cũng cảm ơn tôi vì sau khi nghe bài hát này, con cái đã trở nên tình cảm hơn và gần gũi hơn với họ. Đó cũng là một điều vô cùng quý giá mà bao nhiêu bạc tiền cũng không thể mua được.

Như tôi đã chia sẻ, tôi viết vì bản thân mình, không phải vì mục đích sẽ hướng ra thế giới. Việc bài hát được đón nhận hay không là tùy duyên. Và Nhật ký của mẹ đã có được mối duyên ấy.

Theo anh, làm thế nào để có thể biến “tiếng tăm” thành giá trị vật chất trong trường hợp nghệ sĩ có những bản hit may mắn vượt ra khỏi biên giới một cách tự nhiên?

Thú thực là tôi chưa có kinh nghiệm với việc đó nên không thể chỉ cho các bạn được.

 Không có công thức sản xuất bài hit ảnh 1

Ca sĩ Hiền Thục đã gặt hái thành công khi thể hiện ca khúc Nhật ký của mẹ

Hòa chung dòng chảy thế giới

Trước kia đã từng có những “Bài ca đi cùng năm tháng” hay “Tình khúc vượt thời gian” nhưng âm nhạc đại chúng ngày nay không còn như vậy. Ngay cả những bài hit của các ngôi sao quốc tế nổi tiếng toàn cầu cũng có thể nhanh chóng bị thay thế. Anh nghĩ sao về thực trạng này ở thị trường trong nước?

Việc đào thải trong âm nhạc là điều tất yếu. Dòng chảy âm nhạc ngày càng tăng tốc và chúng ta cũng đang thoát dần ra khỏi dòng chảy nhỏ hẹp hòa chung với dòng chảy thế giới. Càng giao thoa nhiều, càng có nhiều sự lựa chọn thì sự đào thải lại càng nhanh hơn. Việc bị thay thế, bị nhanh chóng quên lãng là điều tất yếu.

Những người nghệ sĩ phải tự có quyết định và lựa chọn của mình, hoặc có thể thay đổi rất nhanh để bơi theo dòng chảy, hoặc có thể kiên định giữ phong cách cá nhân để tạo ra một dòng chảy nhỏ khác biệt của riêng mình. Mỗi một quyết định đều có những mặt tốt và hạn chế mà họ phải tự chịu trách nhiệm.

Hiện nay thị trường âm nhạc trong nước đón nhận ngày càng nhiều các nghệ sĩ đa năng có thể tự sáng tác, chơi nhạc cụ, thậm chí phối khí... Vậy anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng các nhạc sĩ nên khẳng định mình bằng khí nhạc trong những dự án hoành tráng như nhạc kịch, nhạc phim chứ không nên chỉ tập trung hoàn toàn cho viết ca khúc?

Tôi nghĩ ý kiến đó khá chủ quan và áp đặt. Với tôi, danh xưng “nhạc sĩ” là để chỉ những người làm trong nhiều lĩnh vực: sáng tác ca khúc, sáng tác khí nhạc, hòa âm... Việc họ quyết định làm gì thứ nhất là thuộc quyền cá nhân, thích gì hay cảm thấy giỏi nhất điều gì, có khả năng kiếm tiền từ việc gì thì làm nấy.

Thứ hai đó là lựa chọn con đường phát triển riêng của họ, muốn khẳng định tài năng và học vấn, muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống hay muốn sống trọn với cảm xúc cá nhân, mỗi mục đích sẽ dẫn tới lộ trình khác nhau. Chúng ta không nên khuyên “nhạc sĩ phải làm thế này, phải làm thế kia” trong khi chúng ta không đứng trong vai trò và hoàn cảnh của họ để hiểu được và đồng cảm với lựa chọn đó.

Anh nằm trong số không nhiều những nhạc sĩ thành công mà không cần qua trường lớp chuyên nghiệp. Việc này liệu có hạn chế công việc sáng tác, làm nhạc của anh và nếu có thì anh làm thế nào để khắc phục?

Có thể tôi không học qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng tôi tin mình đã học được rất nhiều từ “trường đời chuyên nghiệp”. Những kiến thức được chỉ dạy bởi những nhạc sĩ đi trước yêu quý tôi, những kinh nghiệm thực chiến được rèn giũa sau bao năm làm nghề, những cảm giác nếm trải cả thành công và thất bại, những bài học cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo lợi dụng nhan nhản trong giới làm nghề...

Không chỉ có vậy, với sự năng động, sáng tạo mạnh mẽ của các bạn đồng nghiệp trẻ cộng thêm trái tim vẫn còn nhạy cảm với cuộc sống, với cảm xúc của mình... tôi tin vẫn còn đủ đam mê và khả năng để tiếp tục làm nghề lâu dài. Hạn chế thì ai cũng có, quan trọng là tôi luôn tìm mọi cách vượt qua chứ không ngồi than thở.

Bản thân anh có dự định gì cho tương lai, sau khi đã trở thành một người tạo hit trong thị trường ca khúc?

Tôi vẫn sẽ viết nhạc, viết những bài hát thật hay, thật đẹp, thật ý nghĩa cho cuộc đời. Giản dị thế thôi, bởi vì tôi là nhạc sĩ!

Năm 2008, Nguyễn Văn Chung gửi ca khúc vừa sáng tác Nhật ký của mẹ cho Hiền Thục qua người quản lý của cô. Nhưng phải đợi tới hai năm sau, khi hai bên tình cờ gặp trực tiếp, Hiền Thục mới biết đến sự tồn tại của nó. Ngay sau đó, cô đã đến phòng thu để hát ca khúc này. Và gặt hái thành công.

Nhật ký của mẹ được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ 2 vào năm 2019; được hãng Casa Musica (CHLB Đức) đưa vào Tuyển tập những Ca khúc Khiêu vũ hay nhất thế giới Vol.36 (phát hành tháng 8/2015). Bài hát đã có mặt trong sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6 và được Hội Hữu nghị Việt- Nhật đưa vào DVD truyện ngụ ngôn cho học sinh tiểu học tại Hiroshima (Nhật Bản).