Họa sĩ Trịnh Lữ:

“Sống được là chính mình, đó là hạnh phúc”

Trong cuộc trò chuyện cuối năm khép lại một năm hoạt động “sôi nổi” của người họa sĩ già, ông nhắc nhiều đến hai chữ “có ơn, có nghĩa”. Có lẽ, đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình sáng tạo và sống của ông trong cuộc đời này, biết ơn sự sống, thiên nhiên cỏ cây. Cái tâm thế sống khiêm nhường ấy khiến ông bình an trước thời cuộc và vì thế, nó đi vào tranh vẽ của ông một cách tự nhiên, tự tại.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Trịnh Lữ.
Họa sĩ Trịnh Lữ.

Vẽ là được sống với chính mình

Ông vừa kết thúc năm 2023 với một trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật cùng nhóm Hiện thực. Những bức tranh của ông dù vẽ hoa lá cỏ cây hay con người đều mang vẻ đẹp tinh khiết, trong trẻo. Vì sao?

Những gì chúng ta có đều từ đất và trời mà ra, sao ta không có thái độ biết ơn, sao ta chỉ nghĩ đến việc khai thác, tận dụng và thiên nhiên cứ cạn kiệt đi, biến dạng hết. Không còn tự nhiên thơm tho, thuần khiết nữa. Với tôi, thiên nhiên thật kỳ diệu, chúng ta sống đều có kết nối với đất trời. Khi vẽ xong một bức tranh, tôi hạnh phúc vì đã lưu giữ lại được tình cảm của mình trong đó. Trong tâm lý học sáng tạo có phân tích rằng, một trong những ước vọng của người vẽ tranh hay làm nghệ thuật là chiến thắng sự chết bằng cách lưu giữ lại những gì thuộc về đời sống hiện hình ra một cách đẹp đẽ, dù thoáng qua. Tạo tác đó, dù tranh, gốm hay tượng, hay bất cứ thứ gì cũng đều là cách mình giao đãi với thế giới bên ngoài. Tất cả những điều tôi yêu thích là ở ngoài kia, nó không xa lạ gì với đời sống.

Và vì thế, với ông vẽ gì cũng là tự họa, vẽ nội tâm của chính mình, bởi thế tranh của ông đứng ngoài mọi xu hướng, trào lưu? Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tranh của Trịnh Lữ chỉ để trang trí mà thôi?

Tôi vẽ là để hòa đồng với cái đẹp của thiên nhiên, lưu giữ lại những tình cảm của mình với thế giới. Tôi không dùng nghệ thuật để làm gì ngoài thể hiện tình yêu cuộc đời của mình. Như bạn biết đấy, khoa học kỹ thuật đã chế ngự thiên nhiên để làm giàu có cho con người, nhưng thế giới vẫn đầy rẫy đói nghèo, vẫn có chiến tranh. Vậy văn minh vật chất sẽ đi đến đâu. Chỉ có nghệ thuật giúp con người cân bằng cuộc sống, cảm nhận được cái đẹp và sự hài hòa của đời sống. Tôi chỉ là một cá nhân mềm yếu, không đóng góp được điều gì lớn lao, tôi chỉ biết sống chân thật với chính mình, có tình yêu với những điều bình thường giản dị. Và nếu chia sẻ được với mọi người thì đó là hạnh phúc của tôi, giúp ai đó, trong những lúc cam go, vất vả vẫn thấy cuộc đời đáng sống, vẫn còn những điều đẹp đẽ, trong lành. Ai đó nói rằng, tranh của tôi chỉ để trang trí, thì ít ra nó cũng có một chút giá trị là để trang trí. Tôi ít khi tự hỏi tôi là ai. Tôi ở đây rồi mà và tôi luôn lựa chọn để được sống là chính mình.

Vậy câu hỏi lớn nhất của ông với đời sống là gì?

Tôi vẫn luôn tự hỏi mình đã làm được gì chưa, những gì tôi làm có ý nghĩa gì không. Tôi vẽ nhiều nhưng tôi cảm thấy mình chưa diễn đạt hết những điều mình muốn. Có lúc tôi lẩn thẩn nghĩ, hay mình vẫn chưa biết vẽ. Những lúc tôi ngồi trước bức tranh sắp vẽ mà thấy dễ dàng, tự dưng tôi chột dạ, sợ mình vẽ đã bị quen tay rồi chăng. Khi tôi vẽ một tĩnh vật bình thường, rất thích khi nói chuyện được với nó, nó sống thật chứ không phải là “nature morte” - “thiên nhiên chết” như trong tiếng Pháp. Hồi ở Mỹ, từ ban công nhà tôi nhìn xuống vườn có cây táo, tôi đã vẽ nó rất nhiều lần, vì mỗi thời điểm cây táo lại có câu chuyện khác. Tôi vẽ mà không bao giờ nghĩ mình sẽ triển lãm hay in sách, nó chỉ đáp ứng nhu cầu cảm xúc của mình.

Di sản lớn nhất của bố tôi là thái độ sống

Năm nay, ông làm được một việc ý nghĩa là tái bản cuốn sách về bố mình, “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”. Ông nghĩ gì về di sản bố để lại và nó có ý nghĩa như thế nào trong hành trình sống và sáng tạo của ông?

Cuốn sách này được tái bản, bổ sung thêm nhiều thông tin mới. Thí dụ như năm 1938, khi bố tôi tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương thì năm 1939 có triển lãm toàn cõi Đông Dương, ông đã giành Huy chương bạc về đồ gỗ nội thất và Huy chương vàng hội họa. Hoặc như việc phát hiện ra những bức tranh của ông trong Phủ Chủ tịch được tặng cho khách quốc tế, bây giờ có người mua lại về Việt Nam. Tôi cũng thêm phần so sánh tranh của ông với tranh của những người thầy Pháp để bạn đọc thấy một điều, dù học các thầy Tây, lĩnh hội các kỹ thuật và vật liệu Tây phương nhưng khi một người Việt Nam, với tình yêu quê hương và mẫn cảm Việt, sẽ vẽ khác hẳn các thầy Tây vẽ phong cảnh Việt Nam. Như bức “Một góc phố Hà Nội” của thầy Victor Taddieu vẽ những năm 1930 và bức “Phố Hàng Đường một ngày giáp Tết” ông vẽ năm 1960, cũng góc phố ấy, cũng có người phu kéo xe, mà cách nhìn cách vẽ khác hẳn nhau...

Tôi nghĩ thành quả học tập thành công nhất của các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương là đã lĩnh hội được những khuôn vàng thước ngọc của hội họa Tây phương nhưng vẫn vẽ với tình cảm, cách nhìn, cách vẽ của riêng mình. Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã theo con đường tự nhiên ấy. Vì sao ông gọi đó là Thiền Vẽ, vì ông vẽ như một cách nhập làm một với hình hài và sinh khí của những gì mình vẽ, ân hưởng sự hòa đồng với ngoại vật, tìm thấy mình ở sự hòa đồng ấy. Có một người phụ nữ làm ruộng, khi xem tranh ông vẽ cảnh đồng ruộng có trong sách, đã rất xúc động nhận ra từng bờ ruộng mới đắp còn ướt bùn, từng cây mạ mới cấy còn mềm yếu, và rất nhiều chi tiết chân thực khác của cuộc sống cần lao mà chỉ người nông dân mới thấu hiểu được. Tôi nghĩ đó là giá trị của lối vẽ hiện thực tình cảm. Cũng chính là dấu ấn cá nhân của ông, một cá nhân đã hòa đồng với đất trời và cuộc sống thực tại, với tình yêu và tấm lòng bình dị đầy ơn nghĩa.

“Sống được là chính mình, đó là hạnh phúc” ảnh 1

Tranh của ông là những đề tài gần gũi với cuộc sống đời thường.

Và đó cũng là di sản tinh thần của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, để sau này con trai ông, họa sĩ Trịnh Lữ tiếp tục con đường vẽ hiện thực tình cảm?

Chắc vậy. Vì tôi thấy mình rất hạnh phúc khi vẽ với tinh thần ấy.

Cuốn sách còn cho thấy một di sản đặc biệt nữa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc: tư tưởng thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống và quan niệm về tính dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nếp sống mà họa sĩ Trịnh Hữu ngọc muốn thúc đẩy ở đây là “nếp sống của người tử tế”, của đại đa số người lao động đang xây dựng một nước Việt Nam mới mà ông rất hồ hởi muốn góp phần lao động sáng tạo của mình. Khi dạy học sinh, ông luôn chăm chút phần truyền cảm hứng cho thái độ “thiết kế một cái chuồng lợn cũng hệt như thiết kế một tòa lâu đài”. Làm nội thất là tạo dựng một không gian sống có vẻ đẹp của sự tiện ích giản dị, tránh xa lối “bày hàng khoe của” trong nếp sống xa hoa giả tạo. Tính dân tộc thể hiện ở những giải pháp thiết kế phản ánh thái độ sống giản tiện mà thích ứng rất tinh tế với môi trường và nhu cầu sinh hoạt như vẫn thấy trong nếp sống truyền thống của dân tộc Việt, chứ không phải ở hình thức bề ngoài của đồ vật, vốn chỉ là dấu ấn của nhận thức xã hội cũng như mức độ công-kỹ nghệ ở từng thời đại.

Có thể nói rằng những di sản tinh thần và sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đang được lan tỏa như hiện nay là nhờ có công sức của ông và anh chị em trong gia đình, đã lưu giữ và chia sẻ chúng với một tình cảm trong sáng. Theo ông, nền tảng văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng như thế nào trong hành trình phát triển của một cá nhân, và xa hơn, trong việc kiến tạo văn hóa của một đất nước?

Tôi nghĩ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành phát triển của cá nhân và lớn hơn là kiến tạo xã hội. Gia đình là hạt nhân giáo dục tốt nhất và trước hết là nhờ ở những gương mẫu ngay trong gia đình. Làm thế nào để bọn trẻ được lớn lên với những cảm nhận sâu sắc mà giản dị về tình yêu, ơn nghĩa, về sự tử tế, đức tính tự lực cánh sinh, trọng nghĩa khinh tài, và nhất là lòng can đảm và chân thực, với chính mình, với mọi người. Đừng để chúng thấy mọi quan hệ ở đời đều chỉ là mua bán đổi chác dịch vụ. Còn những ngôi trường đáng tiền nhất thì chỉ là những ốc đảo cho chúng làm bàn đạp du học sau này.

Sống và làm việc ở Việt Nam rồi qua Mỹ gần 20 năm và bây giờ trở về định cư ở quê nhà, kết nối với quê hương có ý nghĩa như thế nào trong hành trình dịch chuyển của ông?

Kết nối với quê hương chưa bao giờ đứt gãy dù tôi sống ở đâu. Nhưng nếu không có những năm ở nước ngoài, chắc tôi cũng không có được những nhận thức đằm thắm sâu sắc hơn về quê hương mình. Khi đi ra ngoài ta sẽ thấy những điều quý giá của mình càng quý giá hơn. Và có đi nhiều thì mới nhận ra rằng muôn sự đều phải có gốc rễ chân thực thì mới sinh sôi tốt lành được.

Một năm mới lại đến, rồi chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn hiện tại. Sóng gió lúc nào chả có, không phải là cái đáng sợ. Cái đáng sợ nhất là phải sống với sự giả tạo.. Như các cụ ngày xưa hay nói, muốn mọi việc thành tựu tốt đẹp thì trước hết phải “chính danh”, cái gì ra cái nấy, đúng với tên gọi đích thực của nó.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông!