Khi chúng tôi bước vào, Bùi Thạc Chuyên đang tiến hành workshop với hai diễn viên chính: một cô du kích Củ Chi và một cậu chế tạo vũ khí nghiệp dư chạy trốn đến vùng ven, bị nghi là gián điệp. Các diễn viên lần lượt đọc từng câu thoại, diễn với thoại, đạo diễn cắt từng chữ, ngắt từng nhịp, sửa, cắt, thoại lại, lại cắt, ngắt, thêm, lại thoại lại. Cứ như thế, 30 phút cho một cảnh ngắn chừng phút rưỡi trên phim, có tranh luận tới lui của diễn viên, có phân tích của Bùi Thạc Chuyên cho từng nhân vật, ba bên thấy ổn là qua một phân đoạn.
Nữ chính mắt rất sáng, da rất nâu và hoàn toàn không son phấn. Nam chính - là Quang Tuấn - diễn viên vừa đóng Tro tàn rực rỡ, nhưng đã kịp gầy đi gần 10 kg, “để chui địa đạo cho lẹ”.
Đạo diễn vẫn vừa ngồi xoay ngang xoay dọc chiếc iPad để xem bối cảnh vừa thiết kế xong, vừa nhìn kịch bản để lắng nghe diễn viên thoại lời. Đối thoại của chúng tôi cũng ngắt quãng giữa các lượt thay diễn viên, các phút giải lao và quanh những hộp cơm 30 ngàn của đoàn làm phim.
Tại sao lại là Địa đạo, thưa anh, doanh thu ảm đạm của các bộ phim chiến tranh kinh phí lớn và đao búa của các nhà phê bình về tính chân thực lịch sử không làm anh ngại ngùng chút nào khi lại làm một phim chiến tranh nữa?
Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về doanh thu phòng vé dù đã từng làm phim thương mại. Việc đó là của nhà sản xuất. Tôi chỉ nghĩ làm phim sao cho hay.
Nhưng tôi cũng có quan điểm khác về phim chiến tranh: Phim chiến tranh là một thể loại điện ảnh rất hấp dẫn nhưng phải được làm đến nơi đến chốn. Với những nền điện ảnh lớn trên thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc bây giờ hay Nga ngày trước, những bộ phim đông người xem nhất là phim về chiến tranh vệ quốc, về chủ nghĩa anh hùng, từ Trái tim dũng cảm đến Giải cứu Binh nhì Ryan, từ Kinh Kha nhập Tần đến Ngọa hổ tàng long, từ Chiến tranh và Hòa bình đến Bài ca người lính. Bộ phim chiến tranh Cờ Thái cực giương cao nằm trong top những phim ăn khách nhất Hàn Quốc. Điều quan trọng đó phải là những bộ phim anh hùng thật sự với đầy đủ chiều sâu về sự chân thực lịch sử và nhân văn chứ không phải làm ra chỉ để tuyên truyền.
Cách đây mười năm, hai ông anh trong làng công nghệ thông tin có dự án làm 3D cho màn ảnh rộng về địa đạo Củ Chi, nên có rủ tôi làm cùng. Trong dịp này, tôi thật sự có thời gian dài để tìm hiểu về Củ Chi.
Tôi được gặp các bác, các chú là nhân chứng sống của Đất Thép anh hùng, được nói chuyện phỏng vấn và ghi hình lại. Từ những câu chuyện của các cô, các chú, cả một giai đoạn lịch sử đã hiện lên trong đầu tôi. Tôi đã được chui xuống những đoạn hầm mà không dành cho du khách, tôi đã hiểu cách đào địa đạo như thế nào, cách vận hành của địa đạo và những điều thần kỳ đã được quân và dân Củ Chi tạo ra để nơi đây trở thành biểu tượng quan trọng nhất của CHIẾN TRANH NHÂN DÂN. Tôi đã bắt tay vào viết kịch bản điện ảnh và hoàn thành bản đầu tiên sau 2 năm (2016) Dự án Địa đạo bắt đầu từ ngày đó.
Thị phạm diễn viên trong trường quay. |
Nhưng vẻ đẹp trong bóng tối, dưới lòng đất cực kỳ khó thể hiện thưa anh, nhất là với điều kiện phim trường Việt Nam hiện tại. Và anh định làm thế nào để thu hút số đông khán giả đã quen với đại cảnh hoành tráng, đẹp từng luồng ánh sáng phong cách phim Mỹ hay nắn nót tỉa gọt sắp đặt kỹ càng kiểu Hàn Quốc?
Với tôi, bản thân địa đạo đã đủ đẹp, đủ hấp dẫn. Tôi phải kể được cho công chúng về một thực thể gọi là Địa đạo. Địa đạo Củ Chi cách Sài Gòn với đầy đủ lực lượng và súng ống Mỹ chỉ vài chục km nên để tồn tại trong từng ấy năm chiến tranh là một điều thần kỳ. Hệ thống địa đạo có từ thời Pháp. Ban đầu chỉ là những căn hầm bí mật trong nhà, trong vườn... khi bị khui ra thì đành chấp nhận hy sinh. Dần dần người ta đào thêm đường thoát ra sông, ra cánh đồng, ra vườn nhà rồi nối các căn hầm lại với nhau thành một hệ thống liên hoàn. Không ai biết thật sự địa đạo có bao nhiêu km, nhưng địa đạo liên vùng, nối làng này sang làng khác, từ xã này sang xã khác là có thật.
Cấu tạo và vận hành của địa đạo thật sự là thông minh và sáng tạo. Chỉ với sức người, dụng cụ chỉ là một chiếc cuốc mà quân và dân Củ Chi đã tạo ra một hệ thống đường hầm vô cùng độc đáo, vững chắc và gần như không thể xâm nhập. Người Mỹ đã tổ chức những trận càn lớn như Cedar Falls năm 1967 dùng tới 35.000 quân, với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, dùng nước, dùng khí độc, bơm vào địa đạo... đều vô ích.
Cuộc sống trong lòng địa đạo, lòng dũng cảm, tình người, tình yêu, nỗi ham sống, cả sự sợ hãi, cả khao khát bản năng... tất cả diễn ra trong không gian cực kỳ chật chội, bụi đất bẩn thỉu, ánh sáng nhập nhoạng, thiếu không khí để thở... không “đẹp” theo chuẩn thông thường. Ngoi lên mặt đất cũng là những mảng rừng, những ngôi làng cháy đen bởi bom Napal, cây cối trơ trụi do chất diệt cỏ. Đó sẽ là một vẻ đẹp rất khác, vẻ đẹp chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy.
Vẻ đẹp của một vùng đất chết với tông màu chết. Vẻ đẹp trung thực một cách hữu cơ với tinh thần của chiến tranh, của lịch sử, tinh thần của con người Củ Chi. Đó mới là vẻ đẹp của bộ phim này. Phim đẹp ở mô tả chân thực sức sống của người Việt Nam. Chính vì sức sống đó mà chúng ta mới có chiến thắng. Tôi hy vọng khán giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp đó.
Làm một bộ phim chiến tranh thật hấp dẫn đồng thời trung thành với lịch sử, đó là thách thức của mọi đạo diễn và nhà sản xuất trên thế giới. Anh và ekip xác định sẽ đương đầu thách thức đó như thế nào?
Bắt tay vào làm đã là đương đầu rồi. Nhà đầu tư và nhà sản xuất “chịu chơi”, họ có niềm tin là câu chuyện Củ Chi với những phẩm chất anh hùng cần phải được kể cho khán giả ngày hôm nay. Tôi rất biết ơn những nhà đầu tư, nhà sản xuất và tất cả anh em nghệ sĩ tham gia bộ phim này đã tin tưởng tôi, tin tưởng vào dự án. Chúng tôi đã chuẩn bị cho Địa đạo được cả năm trời rồi và sẽ khởi quay ngay sau Tết Âm lịch. Các thành phần trong đoàn đang hết mình cho dự án.
Dựng bối cảnh địa đạo thật sự là một công trình khó khăn và phức tạp nhất mà tôi từng tham gia từ trước đến nay. Đó hoàn toàn là những thứ chưa từng có tiền lệ. Anh em làm bối cảnh vừa là kỹ sư xây dựng, nhà vật lý học, vừa là họa sĩ và nhà tâm lý thì mới có thể tạo bối cảnh tốt nhất, chân thực và đẹp.
Còn một số khâu khác trong quá trình sản xuất phim, chúng tôi phải thuê nhân sự từ nước ngoài. Tất nhiên là tốn kém và nhiêu khê, nhưng phải chịu vì những việc đó, ở trong nước chưa thể làm được ở mức mà tôi mong muốn.
Các diễn viên đang học sử dụng vũ khí, khổ luyện để giảm cân và có thể di chuyển trong địa đạo thuần thục như những người du kích năm xưa. Để đóng phim này, diễn viên đều đòi hỏi phải có trí thức và kỹ thuật biểu diễn như diễn bi kịch cổ điển. Con người trong chiến tranh chứa đựng những tâm trạng lớn, cái sống cái chết chỉ trong gang tấc. Nó khác hẳn cuộc sống thường ngày trong hòa bình hiện nay nên đòi hỏi người diễn viên sự tập trung ở cường độ cao để có thể chuyển hóa toàn bộ nhận thức của mình. Vạn sự khởi đầu nan, tới giờ mọi thứ đang ổn dần. Hy vọng tấm lòng thành của chúng tôi sẽ được anh linh các liệt sĩ nơi địa đạo che chở, bà con Củ Chi đón nhận và công chúng hôm nay đồng cảm.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và anh hùng Tô Văn Đực. |
Anh cứ như vậy, trôi từ dự án nọ tới phim kia, toàn những việc nặng nhọc và hình như... có tiếng mà không có tiền. Vậy có lúc nào anh thấy mình hụt hẫng, thấy buồn khi so sánh với đồng nghiệp, hoặc có ý tưởng làm khác đi với những gì mình đã và đang làm chưa?
Sao lại buồn và hụt hẫng? Tôi đang hào hứng chết đi được. Hạnh phúc nhất của người làm xong một bộ phim không phải là giải thưởng mà là có tiền để làm bộ phim tiếp theo. Hơn nữa bộ phim tiếp theo là Địa đạo, một bộ phim chiến tranh kỳ lạ nhất, độc đáo nhất và thách thức nhất đối với tôi. Tôi đang có thành quả tốt nhất từ Tro tàn rực rỡ phải không?Thật ra tôi chưa bao giờ phải trăn trở về sự lựa chọn của mình, về phong cách làm phim cũng như lối sống của bản thân. Mình thấy được tự do làm những gì mình mong ước, với tôi là hạnh phúc.