Đấu kiếm Việt Nam

Không chỉ dừng lại ở khu vực

Sau khi lên đỉnh SEA Games 31-2022 trên sân nhà, mục tiêu của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam được kỳ vọng không chỉ giữ vững vị thế ở khu vực, mà còn hướng đến Asian Games 19 và xa hơn là giành vé để góp mặt tại Olympic Paris 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Đấu kiếm Việt Nam đang tập trung cao độ cho SEA Games 32 .Ảnh | Vũ Toàn
Đấu kiếm Việt Nam đang tập trung cao độ cho SEA Games 32 .Ảnh | Vũ Toàn

Ngay từ đầu năm, tuyển đấu kiếm đã có màn cọ xát chất lượng khi xếp thứ nhất tại Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á 2023 diễn ra tại Malaysia. Theo Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội, kiêm HLV đội tuyển quốc gia Phạm Anh Tuấn, kết quả này là tín hiệu vui cho đấu kiếm Việt Nam, bởi các tuyển thủ vẫn giữ vững phong độ sau SEA Games 31.

Nổi bật trong đó là sự trưởng thành của các kiếm thủ nữ như Phùng Thị Khánh Linh, Phạm Huyền Trang... trong khi đó, đội nam kiếm chém đã thể hiện màn trình diễn tuyệt vời trước đối thủ nhiều duyên nợ Thái Lan. Sự tự tin và bản lĩnh được các VĐV Việt Nam thể hiện qua từng trận đấu.

Tại SEA Games 31, các kiếm thủ của chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn trong quá trình chuẩn bị, từ việc không được đi tập huấn, thi đấu nước ngoài cho đến thiếu trang thiết bị tập luyện để giành 5 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, đội tuyển đang tập trung cao độ cho SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5 tới, với quyết tâm tiếp tục giữ vững ngôi đầu cùng mục tiêu giành ít nhất 3 HCV.

Lực lượng nòng cốt của đội tuyển là đang sự kết hợp giữa các VĐV kỳ cựu đã mang về nhiều thành tích cho đấu kiếm nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung như Vũ Thành An, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Minh Quang, Phạm Quốc Tài, Bùi Thị Thu Hà... cùng một số VĐV trẻ tài năng như Tô Đức Anh, Phùng Thị Khánh Linh, Nguyễn Phương Kim, Phạm Thị Thu Hoài, Đỗ Thị Tâm... Sự kết hợp giữa kinh nghiệm phong phú cùng sức trẻ được dự đoán sẽ tạo ra lứa kế cận đủ trình độ gánh vác trọng trách của đấu kiếm Việt Nam trong thời gian tới.

Từ mục tiêu SEA Games 32, đấu kiếm Việt Nam cũng hướng đến nâng cao về chuyên môn, tiệm cận thành tích giành huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 khởi tranh vào tháng 9 tại Hàng Châu (Trung Quốc), cũng như đặt kỳ vọng vào việc giành vé dự Olympic Paris 2024. Theo Phụ trách Bộ môn Đấu kiếm, Cục Thể dục-Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phùng Lê Quang, mặc dù đạt kết quả tốt tại Giải vô địch Đông Nam Á, song vẫn không thể chủ quan, bởi các đội bạn vẫn còn những VĐV chất lượng không tham dự.

Hiện đấu kiếm Việt Nam vẫn đủ trình độ giữ vững ngôi đầu khu vực, nhưng nếu muốn đạt mục tiêu cao hơn, thì đấu kiếm Việt Nam cần phải đưa VĐV trẻ có chuyên môn tốt đi thi đấu, cọ xát ở nước ngoài, nâng cao thành tích. Đồng thời, tăng nguồn tuyển chọn, đào tạo lực lượng kế cận.

Tạo nguồn VĐV vẫn là câu chuyện được nhắc đến từ nhiều năm nay của đấu kiếm Việt Nam. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9-2022, có 8 đơn vị tham gia thi đấu là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Công an Nhân dân, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa. Nhìn lại Giải vô địch đấu kiếm trẻ toàn quốc năm 2022 được xem là thí dụ rõ nhất về quy mô đào tạo trẻ ở môn đấu kiếm. Giải đấu tập trung toàn bộ kiếm thủ trẻ kế cận, sẽ đóng vai trò chính ở đội tuyển quốc gia cũng chỉ thu hút gần 130 VĐV, cũng đến từ 8 đơn vị trên.

Có một thực tế rằng, xác suất để các tuyển trạch viên “săn lùng” được một tài năng có thể thi đấu môn thể thao này là rất nhỏ. Tuyển chọn đã khó nhưng để thuyết phục gia đình và các VĐV trẻ quyết tâm gắn bó với sự nghiệp đấu kiếm còn khó hơn nhiều khi đấu kiếm là môn thể thao đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe về mặt thể lực, ngoại hình.

Bên cạnh đó, đầu tư cho đấu kiếm đòi hỏi sự kiên trì và tốn kém, lên tới hàng tỷ đồng cho 3 tuyến VĐV (năng khiếu, trẻ, đội tuyển), với quy trình để đào tạo được một tay kiếm có thể thi đấu tốt ở Giải vô địch quốc gia cũng mất từ 6 đến 8 năm. Bởi vậy, nhiều địa phương vốn chỉ trông vào ngân sách, không giải được bài toán kinh phí này nên không mặn mà với đấu kiếm. Việc thiếu kinh phí đầu tư ngay cả đến đội tuyển quốc gia cũng thiếu kiếm tập và thi đấu triền miên mà không cấp quản lý nào gỡ được. Cũng vì thế, ở SEA Games 31, các tuyển thủ đều phải sử dụng kiếm cũ để thi đấu.

Đấu kiếm là môn không còn mới ở Việt Nam, nhưng để thu hút nhiều người quan tâm, tham gia, tập luyện có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý cần sớm trình diện “đầu tầu” là Liên đoàn chịu trách nhiệm dẫn dắt để giúp môn thể thao này bay cao hơn.