Năm 1976, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) được giao nhiệm vụ quan trọng: Tổ chức chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng miền bắc với các đội bóng phía nam. Sau nhiều cân nhắc, đội Tổng cục Đường sắt (TCĐS) - vừa đăng quang giải Công đoàn phía bắc - đã được chọn. Khi ấy TCĐS đang đứng thứ hai giải vô địch miền bắc, sau Thể Công và sở hữu nhiều gương mặt nổi bật như: Phạm Kỳ Thụy, Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, Minh Điểm, Hoàng Gia... Đặc biệt, việc cử đội bóng đại diện ngành đường sắt vào nam càng có ý nghĩa, khi một tháng sau đó, ngày 31/12, hai đoàn tàu cùng mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, chính thức nối liền con đường bắc-nam.
Trong khi đó, Cảng Sài Gòn (CSG) là đội bóng đầu tiên nhận nhiệm vụ tiếp đón đoàn quân từ phía bắc. Tiền thân là đội Tổng nha Thương cảng, CSG nổi tiếng với bề dày truyền thống ở miền nam khi đó, quy tụ các hảo thủ từng chinh chiến các giải đấu quốc tế như Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Văn Tư, Lê Đình Thăng, Nguyễn Tấn Trung...
“Đã 50 năm, chúng tôi hồi đấy trẻ lắm mới 25, 26 tuổi vẫn còn đang sung sức. Khi được nhận nhiệm vụ chúng tôi đều phấn khởi và hồi hộp, đi nước ngoài cũng không bằng vào trong nam. Được tiếp xúc với những cầu thủ mà ở miền bắc chỉ được nghe qua đài, thấy các anh thắng nhiều giải quốc tế nên nghĩ là mạnh lắm, không biết chúng tôi có đá lại được không”, HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung, danh thủ một thời của TCĐS từng kể lại.
Đó cũng là tâm trạng của các cầu thủ TCĐS trên chuyến bay vào nam, vừa háo hức vừa lo lắng bởi miền nam sau ngày giải phóng vẫn còn nhiều biến động. Nhưng khi Sài Gòn dần hiện ra dưới ánh nắng rực rỡ, mọi lo âu dường như tan biến. “Khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cầu thủ CSG và cả người dân ùa ra đón chúng tôi. Từ ô-tô về khách sạn, đông nghịt người hai bên đường vẫy cờ hoa... Về đến khách sạn, nhân viên ở đó còn nói rất thật là: Các anh trông trẻ thế này rồi thua mất thôi!”, ông Chung hồi tưởng.
Và hôm ấy, ngày 7/11/1976, dường như cả Sài Gòn đổ dồn về sân vận động mới được đổi tên là Thống Nhất. Dù 19 giờ trận đấu mới bắt đầu, nhưng các khán đài đã chật kín từ trưa. Sức chứa gần 20.000 chỗ ngồi, sân không thể đáp ứng nổi hơn 30.000 người đổ về, tràn cả xuống đường pitch. Không khí sôi động như một ngày hội lớn, nhiều người leo lên cột đèn, cây cao để theo dõi. Hàng rào sắt được dựng lên, cảnh sát, quân cảnh bố trí chặt chẽ quanh sân. Tất cả đều háo hức đón chờ cuộc giao thoa bóng đá đầu tiên giữa hai miền.
Khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn hai đội ra sân, giai điệu bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” vang lên đầy xúc động từ tất cả khán giả. Trận đấu diễn ra khá cân bằng, cả hai đội đều thể hiện bản sắc riêng cùng quyết tâm cao nhất. Trên sân nhà, CSG dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Sự chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ. Trong khi HLV (kiêm cầu thủ) Trần Duy Long áp dụng lối đá tốc độ, chuyền dài phản công cho TCĐS. Đến phút 28, khoảnh khắc bùng nổ đầu tiên xuất hiện: Nguyễn Minh Điểm tạt bóng từ biên phải kiến tạo để trung phong Mai Đức Chung ghi bàn mở tỷ số 1-0.
Sang hiệp 2, phút 54, “anh Hoàng Gia bên trái nghe tôi gọi thì đưa bóng cho tôi ở vòng cung giữa sân. Trước mặt tôi là anh Tam Lang và quan sát thấy thủ môn hơi lên cao, tôi quyết định sút từ hơn 30m. Quả bóng bay bổng lên và rơi vào lưới”, cựu danh thủ Lê Thụy Hải lúc sinh thời đã chia sẻ về bàn thắng đặc biệt của mình trong bộ phim tài liệu “Nhớ về trận cầu đoàn tụ”.
Bàn thắng đó giúp TCĐS thắng trận với tỷ số 2-0, khép lại trận cầu đẹp mắt và đầy ý nghĩa. Sau đó, TCĐS tiếp tục thắng Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang và thua Hải Quan ở trận đấu cuối của chuyến du đấu. Trong hành trình của mình, các cầu thủ đất bắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và nhận được tình cảm nồng nhiệt từ đồng bào miền nam. Đằng sau những trận bóng là sự gặp gỡ đầy cảm xúc giữa hai nửa đất nước vừa thống nhất. Đó không chỉ là cột mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá, mà còn là kỷ niệm đẹp về thời kỳ khó khăn nhưng đầy tự hào của dân tộc từng bị chia cắt bởi chiến tranh, là một lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, đoàn kết và tinh thần thể thao cao thượng.