Đấu kiếm và chuyện nâng tầm

Từng là môn thế mạnh của Việt Nam với nhiều kiếm thủ thành danh, thế nhưng đến nay đấu kiếm đang cho thấy sự hụt bước đáng kể. Hai lần liên tiếp lỡ hẹn với Olympic đã để lại nhiều nỗi niềm về câu chuyện nâng tầm cho những nhà quản lý khi phải đứng trước nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Phong trào tập luyện đấu kiếm cần được nhân rộng. (Ảnh: Bạch Dương)
Phong trào tập luyện đấu kiếm cần được nhân rộng. (Ảnh: Bạch Dương)

Đối với thể thao Việt Nam, việc được thi đấu tại Olympic là vinh dự lớn. Môn đấu kiếm đã từng đại thắng trong cuộc đua tới Olympic Rio 2016 khi có tới 4 VĐV giành vé. Đó là chiến tích mà đến nay chưa đội tuyển nào khác của Việt Nam và ngay cả đấu kiếm có thể lặp lại.

Đó cũng là cột mốc quan trọng để đấu kiếm được quan tâm hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, chiến lược tìm vé đến Olympic Tokyo 2020 và Paris 2024 của đấu kiếm Việt Nam lại thất bại hoàn toàn. Để giành vé tới Olympic, các kiếm thủ sẽ tham dự các giải đấu tích điểm cá nhân trên bảng xếp hạng thế giới hoặc thi đấu vòng loại. Muốn có vé từ vòng loại là điều khó với các kiếm thủ châu Á, bởi vậy việc tích điểm qua giải quốc tế được cho là hướng đi phù hợp, giúp VĐV được thi đấu nhiều và trưởng thành hơn.

Song, cách làm này lại đòi hỏi chi phí rất tốn kém, trong khi đó với kinh phí hạn hẹp đấu kiếm Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều giải đấu tích điểm quan trọng, rồi trượt dài trên con đường đến Olympic. Và cũng chính vì khó khăn tài chính nên các giải đấu quốc nội xuất hiện rất khiêm tốn. Trong năm 2024, các kiếm thủ chỉ tranh tài tại Giải vô địch quốc gia vừa kết thúc cuối tháng 10 tại Hà Nội. Trước đó là Giải vô địch U23 quốc gia vào tháng 8 tại Quảng Ninh và Giải vô địch trẻ quốc gia vào tháng 4 tại Bắc Ninh. Những giải này đều có sự góp mặt của 8 đơn vị là Hà Nội, Công an nhân dân, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh.

Số lượng 8 đoàn thật sự vẫn chưa đúng như kỳ vọng của những người làm nghề, nhưng đấu kiếm là môn khó và chi phí trang thiết bị không nhỏ, để phát triển cần chung tay của nhiều nguồn lực xã hội. Những năm gần đây tại Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore, Philippines đã đầu tư mạnh vào đấu kiếm và xác định đây là một trong những môn Olympic quan trọng nên có chiến lược phát triển hiện đại với tối thiểu 3 giải đấu trong nước mỗi tháng ở mọi cấp độ. Còn ở Việt Nam, đến nay người ta vẫn chờ sự ra đời của Liên đoàn đấu kiếm trong mỏi mòn. VĐV không được thi đấu cọ xát thường xuyên thì làm sao biết được năng lực của mình tới đâu để điều chỉnh trong huấn luyện, nâng cao thành tích.

“Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2024 là sự chuẩn bị chuyên môn bản lề của các đơn vị trong cả nước bởi vì bước vào năm 2025 sẽ có đấu trường SEA Games 33 và xa hơn nữa trong năm 2026 có ASIAD 20 cùng Đại hội thể thao toàn quốc. Chính vậy, từng đơn vị chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đang có lực lượng hướng đến tương lai”, ông Nguyễn Hồng Đăng - phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) cho biết.

Để chuẩn bị cho tương lai thì phát triển nguồn lực kế cận luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Nhiều năm qua, đấu kiếm Việt Nam luôn phải đối mặt cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác đào tạo trẻ. Để theo đuổi môn thể thao quý tộc tốn kém này, các VĐV trẻ không chỉ cần có đam mê mà còn cả rào cản từ phía gia đình. Bên cạnh đó, câu chuyện thiếu kiếm tập và thi đấu vẫn luôn là nỗi ám ảnh. Theo quy định, Nhà nước cấp kinh phí, cơ chế để mua, nhưng cái khó ở Việt Nam không có cơ sở hay nhà máy nào sản xuất bởi kiếm nằm trong danh mục vũ khí thể thao, đòi hỏi những quy định khắt khe về nhập khẩu.

Chưa kể, ngoài những đơn vị thường xuyên góp mặt tại các giải quốc gia, rất hiếm những trung tâm hay CLB đấu kiếm phong trào ở Việt Nam. Với những trăn trở để phát triển đấu kiếm phong trào theo hướng chuyên nghiệp, kiếm thủ Vũ Thành An đã thành lập CLB đấu kiếm phong trào Vietnam Royal Fencing được đầu tư bài bản tại Hà Nội. Trải qua hơn 15 năm tập luyện và thi đấu, kiếm thủ số 1 Việt Nam quyết tâm đem đến cơ hội tiếp cận môn thể thao này với cộng đồng. Theo Vũ Thành An, từ nghe kể, xem đến khi mặc trang phục cầm kiếm để tập luyện cũng là cả quá trình vì đấu kiếm vẫn còn khá lạ lẫm với người Việt. Nhiều người đến tập thử một buổi chỉ với mục đích mặc quần áo, tạo dáng với kiếm để chụp ảnh check-in cho... lạ. Nhưng cũng có nhiều người theo tập tại CLB từ những ngày đầu thành lập tháng 12/2023 đến nay.

Sẽ có nhiều khó khăn trong việc tạo ra môi trường mới để phổ cập môn đấu kiếm rộng rãi hơn, nhưng những mô hình CLB phong trào như vậy cần được nhân rộng để thúc đẩy sự phát triển nguồn kế cận cho tương lai.