Hắn biết, mẹ hắn nhớ bọn trẻ lắm rồi. Hôm anh vợ hắn làm cơm tiễn đứa con giai út lên đường nhập ngũ, cả nhà hắn sang chung vui. Đấy là cũng cân nhắc, nâng lên đặt xuống chán chê rồi mới chốt lại tám mâm. Chứ mời thả phanh thì ba mươi mâm chửa trôi. Bên ấy, họ thì to, tông thì lớn, quan hệ rộng. Vì có từng ấy mâm nên bao nhiêu người trách, bác chả mời em, chú chả mời tôi. Tròn một tuần sau ngày thằng con lên đường nhập ngũ thì anh vợ hắn tá hỏa. Cái bữa tiệc ở nhà anh đích thị là ổ dịch, cung ứng cho nội bộ họ hàng hăm mốt F0. Cả vợ hắn và hai đứa con đều dính. Hắn không hề hấn gì. Thế là vợ con hắn lên đường, thôn Bòng thẳng tiến. Nhà ông bà ngoại là đơn vị cách ly tập trung, tứ đại đồng đường với mười hai người mắc dịch.
Chuyện dịch dã chỉ kể thế. Hắn sức khỏe vô biên, bé đến giờ chả mất viên thuốc cảm, sợ quái gì con vi-rút. Điều đáng nói là từ hôm vợ con đi vắng, hắn cảm thấy cuộc đời thật đẹp đẽ, đáng sống. Sáng sáng ngủ nướng. Đến lúc thấy bà cụ xách lên nhà cái phích nước vừa đun, hắn mới lồng dậy, đánh răng rửa mặt, úp mì gói ăn. Ăn xong là hắn đánh xe đi. Cận giờ ăn trưa hắn mới mò về. Chiều cũng thế. Bà cụ hỏi hắn làm gì, hắn bảo con có nói mẹ cũng chẳng hiểu đâu. Và hắn quyết không hé răng với ai việc hắn đi đâu, làm gì. Làng bàn tán gì hắn không thèm xét. Từ hồi bán xe tải cho thằng em con dì ruột theo lệnh của vợ, hắn chính thức nghỉ việc.
Bố mẹ hắn là cựu nông ở làng. Ông bà lấy nhau từ hồi bà chưa kịp ra mã con gái. Là nghe ông kể thế. Nhưng hai người muộn con, cầu cúng, chữa trị các kiểu, khi mẹ hắn vào tuổi ba nhăm, thì sinh được hắn. Nhẽ ra, con cầu tự thì phải sớm yên bề gia thất. Nhưng tính hắn thế, ai bảo đi ngược, thì hắn đi xuôi, ai nói đi xuôi, thì hắn đi ngược. Bố mẹ hắn càng giục, thì hắn càng lừng khừng. Hắn ương ngạnh có tiếng ở làng. Cho dù hắn tốt mã, khỏe mạnh, chịu khó làm ăn, gái làng đầy đứa thích thì hắn vẫn cứ bảo mẹ là hắn chưa đến duyên. Năm hắn ba mươi tuổi, bố hắn lúc ấy đã thất thập, ông bị ung thư đại tràng, bệnh viện cho về nhà. Hắn ám ảnh ánh mắt van nài pha với thất vọng của bố, nên vội vàng cưới vợ. Cái kiểu cưới chạy tang ấy, làng này có đầy, nhưng trường hợp của hắn thì thật chả giống ai.
Hôm ấy, đi làm về, hắn tạt vào nhà thầy lang bên làng Bòng, vốn là chỗ ngày trước bố hắn vẫn qua lại nhờ vả lấy thuốc ngứa cho mẹ hắn. Gọi là làng Bòng vì thuở xưa, đất làng mọc đầy cây bòng sở. Loài cây với những phiến lá to dài sum xuê, hoa nó, nhìn xa giống như đụn giẻ rách sà xuống tầm mắt bọn trẻ con. Khi kết trái, những quả bòng sở to bằng nắm đấm trẻ con, non thì chát xít, già thì chua chua, thanh thanh, bọn trẻ trâu ăn cũng thấy hay hay miệng. Giờ, khéo cả làng còn vài cây. Ai giữ làm gì cái loại cây trồng không cho một tí giá trị kinh tế hay tinh thần gì ngoài cái tên nó người ta lấy đặt cho làng.
Hắn hỏi thầy lang về tình trạng của bố hắn. Thầy lắc đầu. “Nếu đã là giai đoạn cuối, sụt đi cả yến thịt và dùng moóc-phin rồi thì chỉ còn tính bằng ngày, tôi cũng không có cách gì”. Hắn buồn bã ra về. Tới đường làng thì gặp anh con trai cả thầy lang đang kéo một xe mạ về, chắc là tính cấy xong trước Tết. Anh ta quát át cả tiếng động cơ. Cậu kia, có biết đường này cấm xe trên năm tấn không? Ai cho cậu đi xe mười tấn vào đây. Hắn dừng xe, thò cổ ra, lấc cấc. Đường của nhà anh đấy à? Tôi có thấy biển cấm đâu. Vả lại, xe tôi không chở gì, tôi có quyền đi. Anh ta nhìn hắn đầy vẻ khó chịu, nhưng giọng đã dịu xuống. Cậu vào nhà ai thế? À, tôi đi tán gái nhà nào cũng phải trình báo anh sao? Tôi không nghĩ là bí thư xã đoàn thì phải kiêm nhiệm cả việc ấy đâu. Nói xong câu đó thì hắn dương dương chạy xe đi.
Buổi tối, ngồi sắc thuốc cho bố, hắn mới có thời gian nghĩ ngợi. Chúng nó, bạn bè hắn, vợ con cả rồi, hắn còn lông bông đến bao giờ. Nghĩ đến việc chọc tức anh con trai thầy lang, hắn áy náy. Lên nhà lật quyển danh bạ điện thoại, hắn tìm thấy số nhà thầy. A lô, tôi xin nghe! Hắn nhận ra giọng ông thầy ấm áp khiêm tốn. Hắn lắp bắp... xin lỗi, cháu nhầm ạ. Rồi cúp máy.
Bỗng nhiên, hắn đi xuống bếp, cầm tay mẹ, như khẩn cầu. Mẹ sang nhà thầy lang bên Bòng hỏi vợ cho con đi. Mẹ hắn ngạc nhiên lắm, như không tin hắn nói thật. Bà vội vàng. Thế hỏi đứa nào, nhà ấy ba đứa con gái? Hắn cười buồn. Đứa nào đồng ý lấy con thì hỏi. Tết nhất đến nơi rồi, chắc gì được.
Đấy, Yên đã về với hắn như thế. Yên là con gái út thầy lang, học sư phạm mầm non vừa ra trường.
Đám cưới của hai người là một kỷ niệm hắn không bao giờ muốn nhớ lại. Đón dâu về lúc mười giờ sáng thì mười một giờ bố hắn chết hụt. Các chị em của bố khóc rinh lên. Khách khứa nhanh chóng tản hết, chỉ ruột rà, thân tình ở lại. Căn nhà cấp bốn chật ních những người. Phòng tân hôn thành chỗ ngủ cho các thím, các cô ở xa về. Đàn ông con trai thì trải chiếu la liệt xuống nền nhà ngả lưng. Vợ chồng hắn cũng trải chiếu dưới nền, ngay cạnh giường ông cụ. Đêm sát tết rét như cắt, cả hai đều không ngủ được vì thiếu chăn ấm. Mà cũng không ai dám ngủ vì sợ ông sẽ đi bất cứ lúc nào. Bố hắn tỉnh dậy, nhìn thấy vợ chồng hắn co quắp xây lưng vào nhau, ông khóc. Ngày ba lần, vợ hắn chợ búa, cơm nước, rửa cả nong bát đũa, phục vụ tập thể người đến trông người ốm. Ba hôm sau, đúng sáng mồng một tết, khi ai về nhà nấy hết, thì bố hắn đi.
Tháng Giêng dài dằng dặc trôi gần hết, vợ chồng hắn vẫn chưa có đêm tân hôn. Không phải tại vợ hắn chưa sẵn sàng. Mà tại hắn. Những tấm trướng đen và chiếc bàn thờ cha để lừng lững giữa nhà, hai cây chuối, bát hương lập lòe và tiếng niệm “A di đà Phật” của mẹ hắn đêm đêm rót đầy tai hắn, khiến hắn mơ màng như ở cõi nào đấy, chứ không phải đang nằm cạnh vợ. Nhất là bức ảnh người cha quá cố. Ánh mắt ông như nhìn thấu tim gan hắn. Hắn đau lòng vì đã bất hiếu với cha. Nếu hắn thương cha mẹ, thì có lẽ những ngày cuối đời, cha hắn có thể đã được bế cháu trên tay.
Nhiều khi, trong bữa ăn, hắn giật mình nhìn vợ và cảm thấy ray rứt. Mình có yêu cô ấy đâu, sao mình lại cưới cô ấy? Tại sao cô ấy lại yêu mình?
Buổi chiều cuối cùng của tháng Giêng, hắn đi làm về đến sân, thấy vợ xách va-ly đi từ trong nhà ra, để lên xe máy. Hắn hỏi vợ đi đâu. Vợ hắn bảo nhớ mẹ quá, về ngủ với mẹ một đêm. Hắn biết vợ giận hắn và không muốn cho hắn thêm thời gian. Hắn tỏ vẻ hối lỗi và nhũn nhặn. Để anh đưa em về. Trời sắp mưa rồi. Hắn để va-ly của vợ lên ca-bin xe tải. Có cây số thôi mà. Nhưng thay vì chở vợ về nhà ngoại, hắn chở thẳng vợ xuống thị xã, thuê một nhà nghỉ giữa trung tâm. Hai vợ chồng hắn ở đó ba ngày ba đêm. Sau này, vợ hắn gọi đó là “nửa tuần trăng mật”.
Một thằng đàn ông ngang ngược, ương bướng như hắn, từ khi ông giời sắp xếp làm chồng một cô giáo mầm non, cuộc sống của hắn giống như ở trong một chiếc cũi mà người ta vẫn dùng cho những đứa bé bắt đầu biết bò. Hắn chỉ muốn đập tan cái cũi. Nhưng vợ hắn là ân nhân lớn nhất đời hắn, hắn không làm gì được. Suốt ngày hắn ở trên đường, ở công trường, chỉ có buổi tối ở trong cái cũi ấy, hắn cố chịu. Nghề lái xe tải công trình đã theo hắn hai mươi năm, giờ nghỉ thì hắn cũng không còn gì để nuối tiếc nữa. Chỉ buồn, đến cái sự nghỉ việc, hắn cũng không được tự do quyết định. Bán xe cũng do vợ hắn chọn ngày, chọn người mua. Vợ hắn đã bước sang tuổi bốn mươi, độ tuổi của đỉnh cao quyền lực trong nhà, còn hắn bốn nhăm tuổi, trong mắt vợ, vẫn như chưa trưởng thành.
Thời gian này, khi vợ con hắn về nhà ngoại cách ly điều trị cô-vít hắn bỗng nhận thấy, có một luồng sinh khí mới chảy đầy vào căn nhà hắn, thay thế những ngột ngạt, u ám, buồn tẻ. Hắn không thể hiểu được tại sao lại như thế. Giá như, thỉnh thoảng, ít nhất là dăm năm một lần, hai người nên dành cho nhau một khoảng riêng tĩnh lặng để có thời gian suy ngẫm, tái tạo những yêu thương, thì hay biết mấy. Đằng này, con gái hắn đã mười lăm, con trai lên mười. Chúng đều đã biết soi gương, cười nháp trước khi bước ra ngoài. Còn hắn, vẫn loay hoay trong cái cũi từng đêm. Ở đó, vô số những phàn nàn ca cẩm, nhắc nhở, cắt đặt, chì chiết; Anh đi đăng kiểm xe chưa, cẩn thận không lại bị phạt? Anh mặc áo ca-rô không hợp đâu, cởi ra đi! Mạng Hỏa, anh phải chăm mặc mầu xanh lá cây thì công việc mới thuận lợi. Sao anh không mặc cái quần thô mầu nâu đất em mua? Tại sao có mỗi mấy ngày sinh nhật con mà anh không nhớ? Sao anh ở nhà mà bạn em gọi điện thoại anh không nghe? Em đã bảo anh không được ăn nhiều ớt cơ mà! Em đã nói bán cả cái xe này đi mà anh còn giữ cố...
Trong nhà này, từ đồ đạc, đến tên của những đứa con... tất cả đều theo sở thích của vợ hắn. Cô ấy hoàn hảo theo cách đánh giá của những người bên ngoài nhìn vào. Còn với hắn, cô ấy là một bà cai ngục hoàn hảo với hằng trăm thứ luật lệ được thiết lập vô tội vạ trong suốt thời gian chung sống.
Hắn đứng trước gương. Lặng lẽ. Không phải để soi, để nháp, mà hắn muốn biết, khi hắn nói “chúng ta sẽ ly thân nếu như em không muốn ly dị” thì nét mặt hắn sẽ như thế nào. Bình thản hay khổ sở. Nói thế nào để vợ hắn không hẫng hụt quá và cũng không nghi ngờ là hắn nói dối. Hắn đã tính sơ sơ rồi. Căn nhà này, ba cuốn sổ tiết kiệm dành cho mẹ con cô ấy cả. Hắn sẽ cùng bà cụ dọn ra khỏi đây, về căn nhà cũ xây từ hồi bố hắn còn sống và giữ lại chiếc xe bốn chỗ. Nếu con hắn có hỏi. Bố không yêu mẹ nữa à? Hắn sẽ tạm thời im lặng, đợi chúng lớn thêm. Nếu mẹ hắn tra khảo. Thằng mất nết, mày lại tơ tưởng con nào rồi? Hắn sẽ nói thật. Không, con không có ai cả. Còn bố vợ hắn, nếu ông hỏi. Tóm lại, anh còn muốn con Yên phải thế nào anh mới vừa lòng? Hắn sẽ trả lời. Con nghĩ, chúng con nên ly thân một thời gian.
Hắn vừa xỏ giày vào chân thì thấy con gái hắn gọi điện thoại. Nó véo von thông báo. Ba mẹ con vừa đi kiểm tra xong bố ạ. Âm tính rồi, đang chuẩn bị về nhà. Bố đi chợ mua cá về nấu canh chua nhé. Hắn huýt sáo vang. Thật ra, hắn khá rành việc mua bán và nấu nướng rất khéo. Hôm nay, có nhẽ hắn sẽ trổ tài làm một bữa ra trò, đãi cả nhà.
Đi chợ về, thấy mẹ hắn đang thơ thẩn với rổ ngô bắp trên thềm. Bà bảo đám bồ câu dạo này ăn khỏe thật, tốn ngô, vẽ liên tục. Hắn đi vào bếp lấy dao thớt ra bể nước để mổ cá. Tiếng mẹ hắn lào phào phía lưng. Này, mẹ nghe nói mày làm cò đất. Nói mẹ nghe, cò đất là gì hả con. Hắn sững người, nhưng không quay lại. Ai bảo mẹ thế? Ờ thì mẹ nghe anh vợ mày nói. Bác ấy vừa sang đây tìm để nhờ việc gì đó. Bác ấy bảo mày nghỉ lái xe để làm lái đất, kiếm một tháng bằng con Yên làm ba năm, có thật không? Hắn phì cười. Bác ấy đùa đấy. À, ba mẹ con đang trên đường về nhà. Nay âm tính hết rồi. Con mổ cá làm cơm này, trắm đồng béo lắm. Bà cụ móm mém chống gối đứng dậy, đi ra bể, ngó con cá trắm ba cân hẵng giãy trong chậu. Úi giời, cá to thế. Mà mẹ bảo này. Mẹ thấy vợ chồng bay thế nào ấy. Không có được như chúng tao ngày xưa. Dù chúng tao chả có gì cả. Lấy nhau, nằm chõng tre, ăn thì toàn sắn khô, tinh mắt mới thấy hạt cơm. Không có cả cái xe đạp mà đi. Cá to như thế này cũng không có đâu, vài con lạt mạ với mấy quả cà kho mặn thôi. Lấy nhau cũng do mối lái, ngày cưới mới nhìn thấy mặt nhau. Nhưng rồi thương nhau lắm.
Mẹ ạ. Sao tự dưng mẹ nói thế. Bọn con đang yên ổn mà.
À, là mẹ dặn vậy. Mẹ cấm mày có lòng dạ nào khác với vợ con. Con Yên là đứa tử tế giỏi giang. Ông cụ bên ấy cũng là người đức độ. Mẹ thấy, con như đang có bệnh gì đấy. Nên đến bệnh viện xem thế nào.
Hắn thở phào. Thấy con dâu và cháu về ngoại cả tuần, hắn lại đi không bạ nhà nên cụ nghĩ ngợi đấy mà. Bệnh gì mà khám. Hắn chả có bệnh gì cả. Gần đây, báo mạng đưa tin dày đặc những vụ tự tử vì trầm cảm của đàn ông. Trầm cảm là cái bệnh gì mà “hót” thế nhỉ! Thật điên rồ khi tự nhiên lại đi khám trầm cảm. Hắn bật cười.
Đầu giờ chiều, vừa đánh xe ra cổng, vợ hắn gọi giật lại. Hắn bần thần quay xe vào sân, uể oải bước xuống.
- Em muốn biết từ sau khi bán xe, cũng cả tháng rồi, anh đi đâu, làm gì mỗi ngày?
Hắn gãi tai:
- Anh đi có việc!
Vợ hắn gặng:
- Hay anh làm môi giới đất cát. Cả làng nói thế đấy. Làm cái việc quan trọng thế mà anh không bàn với em là sao?
- Không, anh không làm gì liên quan đến đất cát!
- Thế anh đi đâu? Cứ ăn xong là anh ra khỏi nhà. Hay cái nhà này có ma?
Hắn không nói gì. Đi vào buồng, để nguyên giày ở chân, nằm ngả ra giường. Vợ hắn bước vào theo, tiếp tục tra khảo:
- Hay anh đi với con nào?
Hắn đưa tay bịt tai. Vợ hắn ngồi xuống giường, giằng tay hắn ra khỏi đầu và quát:
- Nếu anh không nói thật thì tôi sẽ ly hôn!
Hắn vội vàng ngồi dậy:
- Được rồi, anh sẽ nói thật. Kể từ khi nghỉ việc, anh thấy mình thừa thãi. Anh lang thang trên đường, đến những công trình cũ, gặp vài người bạn, đôi lúc chỉ đỗ xe ở nơi nào đó và ngồi cho thời gian trôi qua.
- À! Vậy thì tôi hiểu rồi. Anh có thấy bất công không? Khi vợ anh đi làm, đưa đón con bằng xe máy, nắng mưa dãi dầu, anh lại đổ xăng đi chơi. Thảo nào, tôi bảo bán nốt cái xe này đi, ở nhà làm vườn, anh không nghe. Vậy chúng ta chia tay đi. Tôi trả tự do cho anh. Đồ vong ơn bội nghĩa!
Nói xong, vợ hắn hầm hầm bỏ ra ngoài. Hắn bỗng thấy người rất mệt, cái mệt của con cá không đủ nước bơi, con chim không đủ khoảng trời để bay. Nếu cứ ngồi im một chỗ thế này, hắn chết mất.
Tháng Ba thời tiết thật đẹp. Nắng cuối chiều vàng ruộm. Hắn như bay trên hành trình quen thuộc. Hàng cây, sân vận động, cổng trường, mái chùa, cây cầu... tất ở lại, chỉ có hắn đang bay về phía trước. Kia rồi, con đường từ đê chạy xuống bờ sông sấp sánh màu phù sa. Những thảm hoa cải vàng bên đường đẹp quá. Bạc tóc rồi hắn mới có dịp biết đến một loài hoa đồng nội yêu kiều đến thế. Hai đứa con hắn, có lẽ chưa từng được đưa đến nơi này. Tai hắn bỗng dưng văng vẳng tiếng nói của thằng bé đầy cá tính, giống y hắn thuở trước. Bố ơi, sắp sinh nhật con rồi. Con muốn bố tặng con một chiếc xe đạp, để con tự đi đến trường như các bạn. Được không bố? Hắn vội vàng hét to. Được chứ. Con đợi bố, bố sẽ về đưa con đi mua luôn chiều nay nhé!
Người thợ điện đứng trên cột trung thế nhìn thấy một chiếc xe bốn chỗ mầu xanh đang chồm chồm trên con đường hoa cải. Khi còn cách bờ sông tầm chục mét thì chiếc xe khựng lại giây lát rồi lầm lũi quay đầu. Anh ta thở phào. Hú vía! Lại một gã khùng!
Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nếu không có nhà văn thì chúng ta không biết có những câu chuyện như thế trong những ngôi nhà tưởng chỉ có bình yên trên mặt đất này. Và nếu không có nhà văn thì những câu chuyện như thế không hiện ra với lớp lớp cảm xúc, suy ngẫm và hé lộ những bí mật của đời sống.
Câu chuyện mang một không khí ngột ngạt với những câu truy vấn lặp đi lặp lại của người vợ giống một sự tra tấn. Người chồng muốn chạy thoát khỏi cái đời sống ấy. Ly hôn có phải là một lối thoát cho họ. Không. Ly hôn bởi những lý do như vậy là một cánh cửa dẫn họ đi từ nhà tù này đến một nhà tù khác mà thôi.
Nhưng cuối cùng người đàn ông đã tìm thấy một lối thoát. Chi tiết người đàn ông lái xe băng qua cánh đồng hoa cải rực vàng lao thẳng tới bờ sông rồi dừng lại và quay đầu là một chi tiết ngoạn mục chứa đầy vẻ đẹp và giải thoát mọi ngột ngạt của câu chuyện. Đấy là lý do đời sống cần những nhà văn.