Kẻ “cổ hủ” ở kinh đô điện ảnh

Giữa tháng 9-2015 vừa qua, Hô-ly-út (Hollywood) “dậy sóng” khi hãng phim Warner Bros tuyên bố: sản phẩm điện ảnh tiếp theo của đạo diễn C.Nô-lân (Christopher Nolan) sẽ công chiếu vào ngày 21-7-2017. Giới mộ điệu thêm một lần thấp thỏm. Có lẽ, ở thời điểm này, không một đạo diễn nào của thế giới điện ảnh được chú ý như ông.

Kẻ “cổ hủ” ở kinh đô điện ảnh

Giá trị của sự khắc kỷ

Có một câu chuyện vẫn được kể lại. C.Nolan gặp nhạc sĩ H.Gim-mơ (Hans Zimmer) để đặt bài nhạc nền chính cho phim Interstellar (năm 2014). Không đưa kịch bản, chẳng giới thiệu chút gì về phim, ông hỏi: “Nếu tôi đưa cho anh một tờ giấy duy nhất, liệu anh có thể viết ra nhạc cho phim được không?”. Zimmer, dù bất ngờ, nhưng vẫn đồng ý. Trong tờ giấy mà Nolan đưa cho ông, chỉ có độc hai câu thoại lột tả toàn bộ cảm xúc của phim: Người cha nói: “Bố sẽ trở lại mà. Bố hứa!”. “Bao giờ kia ạ?” - đứa con gái hỏi lại. Hai tiếng sau, Zimmer soạn ra một bản nhạc, và nó được sử dụng trong phim.

Danh tiếng của Christopher Nolan được bảo chứng bởi doanh thu hơn bốn tỷ đô-la cho những phim đã sản xuất, trong đó có hơn một tỷ đô-la thuộc về Kỵ sĩ bóng đêm (Người Dơi phần 2). Nhưng ít người biết rằng, đằng sau những con số ghê gớm ấy là một sự dị biệt về tính cách. C.Nolan làm phim thương mại thành công, nhưng vẫn mang một vị thế khác so với những tên tuổi thị trường. Nói như báo Điện tín (The Telegraph, Anh), mọi sản phẩm của Nolan đều có giá trị đích thực.

Giá trị ấy được tạo ra bởi sự khắc kỷ. Nolan là một người tin tưởng vào hệ thống, chất liệu. Ông tin vào việc ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày, dậy sớm, tập thể dục và uống trà. Ông tin vào sự cần mẫn, sắp xếp khoa học, nghiêm túc với nghề. Năm 11 tuổi, cậu bé Christopher Nolan đã quyết định trở thành đạo diễn điện ảnh. Và cậu thực hiện ước mơ ấy thành công. Bằng cách trở nên một con người không phải là “khó tính”, mà là “khắc kỷ”. Ông thậm chí không hoàn toàn tin tưởng vào bản thân, và khỏa lấp nỗi nghi ngờ này thông qua việc tin vào các chuyên gia. Nolan giao cho Zimmer một mảnh giấy, vì ông cần cảm hứng của nhạc sĩ vĩ đại, chứ không phải là sự trình bày dài dòng của... chính mình.

“Diễn viên chính G.Pi-a-rơ-xơ (Guy Pearce) nói với tôi rằng anh ấy nghĩ nên quay lại một lần nữa” - Nolan kể về thời điểm đóng máy Memento, một trong những phim làm nên tên tuổi của ông. Một diễn viên yêu cầu đạo diễn quay lại? Khi ấy, Nolan đã khá hài lòng với cảnh quay rồi. “Lúc đó, chúng tôi đang rất cần sự khẩn trương. Tôi buộc phải đặt câu hỏi cho bản thân rằng liệu mình nên làm gì? Sau cùng, tôi đồng ý quay lại một lần nữa, và thước phim lần thứ hai ấy đã được dùng trong phim”.

Kẻ “cổ hủ” ở kinh đô điện ảnh ảnh 1



Công nghệ là sự lãng phí thời gian

Kịch bản của Nolan luôn được in trên giấy, tuyệt đối không có bản điện tử để xem bằng máy vi tính hay máy tính bảng. Các diễn viên cũng buộc phải cam kết trong hợp đồng những điều khoản như không tiết lộ thông tin cho bên ngoài, không mang kịch bản ra khỏi trường quay... Mỗi diễn viên của Nolan sẽ được cấp một bản sao của kịch bản, trong đó ghi rõ tên của chủ sở hữu, nhằm truy trách nhiệm trong trường hợp kịch bản bị “tuồn” ra ngoài.

Huyền thoại điện ảnh M.Kên (Michael Caine – người cộng tác với Nolan trong nhiều phim nhất) từng kể: “Lần đầu tiên cậu ta liên hệ mời tôi đóng phim, cậu ta đã đến tận nhà tôi ở ngoại ô để đưa một bản in của kịch bản. Sau đó, cậu ta ngồi trong phòng khách, đợi tôi đọc hết chứ không chịu về ngay”.

Ông vẫn giữ thói quen gặp mặt trực tiếp và sử dụng những tờ giấy in hơn là gửi thư điện tử. Nolan chẳng hề có bất kỳ hòm thư điện tử nào. Thậm chí, ông cũng chưa từng sở hữu một chiếc điện thoại di động. “Không phải tôi hoài cổ, nhưng đơn giản là tôi thấy một số công nghệ đang là không cần thiết. Chúng có thể tiêu tốn của tôi rất nhiều thời gian”.

Nhà đạo diễn trở nên nổi tiếng trong thời đại này vì vẫn trung thành với các thước phim nhựa và hạn chế tối đa đồ họa vi tính (CGI). “Có quá nhiều người đang sử dụng CGI chỉ để khoe rằng họ dùng công nghệ đắt tiền trong phim” – Nolan tỏ ý không hài lòng. Cho tới nay, việc ông đặt dựng một ống thép khổng lồ để thực hiện cảnh hành lang xoay tròn trong phim Inception” (2008) vẫn là một dấu ấn tiêu biểu về thái độ nói không với CGI. Ông cũng nói không với 3D (hình ảnh không gian ba chiều), bởi ông cho rằng trải nghiệm hình ảnh sẽ bị “lừa dối” vì những hiệu ứng công nghệ. Nó làm người ta nhớ tới tên tuổi vĩ đại nhất của điện ảnh thế kỷ 20, S.Spi-en-béc (Steven Spielberg), người xây cả một nhà ga để quay phim.

Gien nghiêm túc

Sẽ là hơi thiếu sót khi nhắc đến Christopher Nolan mà quên Giô-na-than Nô-lân (Jonathan Nolan), người em trai và đồng sự, đồng tác giả kịch bản rất nhiều phim lớn của anh mình, trong đó có loạt Người Dơi. Hai anh em trong một gia đình thường xung khắc. Nhưng, Jonathan cũng có một cung cách làm việc khiến thiên hạ... chán chả muốn nói. Để viết kịch bản cho Interstellar, một phim về du hành vũ trụ, ông đăng ký một khóa học kéo dài bốn năm tại Học viện công nghệ California về thuyết tương đối, để trở thành một chuyên gia của lĩnh vực đó. Trong thời điểm ấy, ông anh Christopher lần mò khắp Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ và các doanh nghiệp vũ trụ tư nhân để tìm tư liệu. Có một thứ gien (gene) nghiêm túc chảy trong huyết quản họ Nolan.

Bốn tỷ đô-la doanh thu, xét cho cùng, không phải là thứ làm nên thương hiệu Nolan, mà chính là sự bí ẩn đằng sau lối làm việc không điện thoại, không máy tính kia. Sẽ có nhiều người nói rằng cả Nolan anh và Nolan em đều là những người rất “nhạt”, bởi chẳng có chút kịch tính nào trong cuộc đời họ. Nhưng cuối cùng thì sự “nhạt” ấy, sự nghiêm khắc với nghề nghiệp ấy, lại là thứ đầy tính “kịch”, trong một Hollywood mà những thị phi đã trở thành điều rất hiển nhiên.