Câu hỏi day dứt, và một cuộc đấu tranh

Cuộc chiến của Memory Banda, mà cô đã tiến hành từ khi còn là một cô bé nông thôn Malawi, bắt đầu bằng một câu hỏi già trước tuổi: "Tại sao điều này lại xảy ra với những cô gái còn quá trẻ?"...
0:00 / 0:00
0:00
Memory Banda
Memory Banda

Từ nỗi đau của em gái

Khi còn nhỏ, Memory Banda và người em gái (chỉ cách nhau một tuổi) thường bị nhầm là cặp song sinh. Họ không chỉ chia sẻ quần áo, giày dép, mà còn có nhiều ước mơ và khát vọng giống nhau.

Rồi năm 2009, đứa em gái mới 11 tuổi của Memory Banda bị ép trở thành vợ một gã đàn ông 30 tuổi, kẻ đã khiến cô bé có thai. "Khi đó, em ấy đã trở thành một người khác", Banda nhớ lại. "Chúng tôi không bao giờ chơi cùng nhau được nữa. Tôi cảm thấy như mình đã mất đi người bạn thân nhất".

Việc em gái mang thai và buộc phải kết hôn xảy ra ngay sau khi Memory Banda trở về từ cái gọi là "trại nhập môn". Ở các vùng nông thôn Malawi, cha mẹ và người giám hộ thường gửi con gái của họ đến các trại này khi chúng đến tuổi dậy thì. Các cô gái ở lại trại vài tuần để được hướng dẫn về cách làm mẹ và tình dục - hay đúng hơn là cách làm hài lòng đàn ông về mặt tình dục.

Sau cuộc hôn nhân của em gái, Memory Banda nhận ra: Cô sẽ là người tiếp theo, cùng với nhiều bạn bè đồng lứa. Nhu cầu phản kháng mạnh mẽ bắt đầu trỗi dậy. "Tôi có rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như "Tại sao điều này lại xảy ra với những cô gái còn quá trẻ với danh nghĩa kế thừa truyền thống?"", Banda hồi tưởng.

Đó là khoảnh khắc thức tỉnh đối với cô gái tự nhận mình là "nhà hoạt động quyết liệt vì quyền trẻ em", người hiện 27 tuổi, và từng tham gia tích cực vào chiến dịch nhằm thúc đẩy Malawi ban hành Luật Chống tảo hôn vào năm 2015.

Ðến cuộc chiến chống tảo hôn

Dù luật đã được thông qua, nhưng khả năng thực thi vẫn còn yếu kém, và nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến. Ở Malawi, 37,7% số bé gái kết hôn trước 18 tuổi và 7% kết hôn trước 15 tuổi, theo báo cáo năm 2021 của Văn phòng Thống kê Quốc gia nước này.

Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn rất đa dạng. Trong đó, nghèo đói và các hủ tục là những điểm cốt lõi. Chẳng hạn, khi các cô gái trở về từ "trại nhập môn", nhiều người bỏ học và nhanh chóng rơi vào bẫy tảo hôn. Eunice M’biya, giảng viên lịch sử xã hội tại Đại học Malawi, cho biết: Phần lớn trẻ em gái ở một số vùng nông thôn của đất nước trước đây đều tham gia các "trại nhập môn".

Hoạt động tích cực cấp cơ sở của Memory Banda bắt đầu vào năm 2010, khi cô mới… 13 tuổi, tại ngôi làng nhỏ Chitera thuộc tỉnh Chiradzulu, phía nam Malawi. Bất chấp sự phản đối ban đầu từ "người lớn", nhất là các phụ nữ lớn tuổi, Memory đã tập hợp các cô gái khác ở Chitera, để trở thành người đi đầu "nói không với trại nhập môn".

Và rồi, Memory Banda có được động lực lớn hơn khi cô tham gia "Mạng lưới trao quyền cho trẻ em gái", một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Malawi, nhằm vận động các nhà lập pháp giải quyết nạn tảo hôn. Tổ chức này, lúc đó, tập hợp các cô gái ở tỉnh Chiradzulu, đồng thời kêu gọi các trưởng làng ban hành những sắc lệnh địa phương, nhằm bảo vệ các cô gái vị thành niên khỏi tảo hôn cũng như các hành vi quan hệ tình dục có hại.

Memory Banda cũng tham gia chiến dịch "Tôi sẽ kết hôn khi tôi muốn", kêu gọi tăng tuổi kết hôn hợp pháp từ 15 lên 18. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền, nghị sĩ, lãnh đạo tôn giáo và xã hội dân sự khác cũng tham gia cuộc vận động này. Cuối cùng, họ đã thành công. Ngày nay, Hiến pháp Malawi định nghĩa: Bất kỳ người nào dưới 18 tuổi vẫn đều được coi là trẻ em.

Vai trò của Memory Banda trong việc thúc đẩy chống tảo hôn đã mang về cho cô giải thưởng "Nhà hoạt động trẻ của Liên hợp quốc" vào năm 2019. "Chiến dịch của chúng tôi rất có tiếng vang, vì chúng tôi thúc đẩy những cô gái kể lại câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ", Banda tự hào. "Từ đó, rất nhiều người chỉ muốn trở thành một phần của phong trào và thay đổi mọi thứ, sau khi nghe những câu chuyện buồn đó".

Câu hỏi day dứt, và một cuộc đấu tranh ảnh 1
Memory Banda (thứ ba, từ trái qua) trong ngày nhận giải thưởng "Nhà hoạt động trẻ của Liên hợp quốc" vào năm 2019.

Thành công không có nghĩa là dừng lại

Bà Habiba Osman, một luật sư và người ủng hộ quyền giới tính nổi tiếng ở Malawi, người đã biết Memory Banda từ năm 13 tuổi, mô tả: Banda đóng một vai trò rất quan trọng trong việc vận động các bé gái, bởi vì "cô ấy biết rằng những bé gái ở độ tuổi của mình cần được đến trường". "Điều tôi thích ở Memory là nhiều năm sau, sau khi luật được ban hành, cô ấy vẫn vận động để thực thi nó một cách hiệu quả", bà nhận xét.

Năm 2019, với sự hỗ trợ của "Quỹ Tự do", một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế vận động chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, Memory Banda đã thành lập "Quỹ Lãnh đạo Trẻ em gái" để thúc đẩy quyền trẻ em và dạy kỹ năng lãnh đạo cho các bé gái. Dù tổ chức phi lợi nhuận của Memory Banda vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng nó đã giúp được hơn 500 bé gái từng phải đối mặt với nạn tảo hôn tránh được số phận đó.

Không hài lòng với những gì đạt được, Memory Banda vẫn thấy cô còn rất nhiều việc phải làm. Cô nói: "Một số cô gái mà chúng tôi đã giúp thoát khỏi tình trạng kết hôn sớm, cuối cùng lại quay trở lại với chính cuộc hôn nhân đó vì nghèo đói. Họ không được hỗ trợ tài chính và cha mẹ họ không thể chăm sóc họ khi họ trở về nhà".

Do đó, Banda nhấn mạnh: Tảo hôn là một vấn đề đa chiều, đòi hỏi nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em cũng như quá trình thay đổi cách các gia đình và cộng đồng nhìn nhận vấn đề. Cô đang vận động Bộ Giới tính Malawi thành lập một quỹ, nhằm giúp mang lại cơ hội kinh tế cho những người dễ bị tổn thương nhất bởi hôn nhân thời thơ ấu.

Bước đi tiếp theo của Banda là thành lập một trường dạy nghề dành cho nữ sinh, để có thể cung cấp kỹ năng làm việc cho những bé gái phải bỏ học giữa chừng, như em gái cô. "Tất cả những gì tôi muốn là các cô gái được sống trong một xã hội bình đẳng và an toàn. Liệu như thế có phải là nhiều quá không?", Banda hỏi, với những ánh lửa bừng lên trong đôi mắt mầu hạt dẻ.

(Theo The New York Times, All Africa.com, TED.com)