Cuộc gọi sau gần 10 năm
Một ngày đầu năm 2024, Maryam Ali Maiyanga - cô sinh viên 26 tuổi của Trường đại học American University of Nigeria đang nằm ở ký túc xá thì màn hình smartphone sáng lên, với số điện thoại lạ. Đầu bên kia, một giọng nói run rẩy khiến Maryam choáng váng: "Vậy là chị đã trốn thoát? Và bỏ em trong rừng?". "Chị không có cơ hội để nói với em", Maryam trả lời.
Sinh ra cách nhau chưa đầy một năm, hai chị em cùng cha khác mẹ thân thiết đến mức thường ngủ chung một tấm đệm. Họ là người Hồi giáo, lớn lên ở vùng ngoại ô của một trong số ít thị trấn chủ yếu là cư dân theo đạo Thiên chúa, ở phía đông bắc Nigeria.
Tháng 4/2014, khi cả khu vực Chibok náo loạn vì một giáo phái kỳ lạ tên là Boko Haram (có nghĩa là "nền giáo dục phương Tây bị cấm"). Các chiến binh của Boko Haram hoành hành khắp các ngôi làng, đốt các ngôi trường mà họ cho là đã làm ô nhiễm tâm trí những người Hồi giáo ngoan đạo. Nhiều trường đã cho học sinh nghỉ học. Nhưng trường của Maryam và Halima vẫn mở cửa vì các phụ huynh lập luận: Chỉ cần cố thêm một vài bài thi nữa là các em đã có thể tốt nghiệp.
Ngày 14/4/2014, một ngày thứ hai như mọi ngày, các nữ sinh dành cả buổi chiều để hoàn thành bài kiểm tra môn giáo dục công dân. Gần nửa đêm, họ thức dậy và nhìn thấy điều mà họ tưởng là quân đội. Những người bạn cùng phòng quay sang nhau, tranh cãi xem có nên chạy hay không khi tiếng súng ngày càng gần. Nhưng không kịp nữa rồi. Đám người kia đã ập vào.
Khi các thiếu nữ bị đẩy ra một khoảng sân ngập ánh trăng, họ nhận ra đó là những chiến binh Boko Haram bịt mặt. Chúng đến để trộm một chiếc máy làm gạch, nhưng sau khi tìm được hàng trăm nữ sinh, chúng tống họ lên xe tải rồi đốt trường học. Một chuyến xe suốt đêm đưa các cô gái đến điểm khởi đầu của chuỗi đọa đày.
Hành trình bỏ trốn khỏi địa ngục
Những nữ sinh được thông báo rằng cha mẹ của họ đã chết. Và rồi họ bị ép kết hôn với các chỉ huy. Chồng của Halima đã có ba người vợ. Hắn luôn ngủ cạnh khẩu súng, và dọa sẽ bắn bất cứ người nào khiến hắn không hài lòng.
Sau khi bị giam cầm hai năm, Maryam và Halima vẫn không biết vụ bắt cóc này đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Rồi một buổi chiều, Maryam lục lọi điện thoại của chồng và tìm thấy một đoạn video ghi lại cảnh hàng nghìn người tuần hành ở các thành phố trên khắp thế giới, hô vang "Hãy mang các cô gái của chúng tôi trở về!". Sau khi xem đi xem lại nhiều lần, Maryam cầu nguyện. Cô nói: "Tôi nhận ra rằng thế giới thật sự quan tâm đến chúng tôi".
Ngay sau đó, Halima nghe thấy giọng nói của cha cô, trên một bản tin ở đài phát thanh địa phương: "Tôi nhớ những cô con gái chăm chỉ của mình biết mấy". Cô vội báo cho Maryam biết bố còn sống. Họ vui đến mức còn đùa rằng bố sẽ thích các con trai của mình bị bắt cóc hơn. "Ông luôn nói chúng tôi ngoan hơn các anh em trai," Maryam kể.
Từ khi biết tin về gia đình, Maryam quyết chạy trốn và đưa đứa con mới sinh, Ali, đến nơi an toàn. Cô đã muốn nói với Halima về ý định đó, thậm chí còn muốn đưa em gái đi cùng, nhưng cô sợ rằng lỡ bị bắt lại, cả hai đều sẽ chết.
Vào ngày 5/11/2016, sau năm ngày đi bộ xuyên rừng với đứa con 10 tháng tuổi địu trên lưng, Maryam đã đến được một vọng gác của quân đội Nigeria. Có tiếng súng nổ, và những người lính hỏi: "Ai đó?".
"Một trong những cô gái Chibok", Maryam hét lạc giọng, vì mệt và cả vì mừng rỡ khi biết mình đã tìm lại được tự do.
Một cuộc đời mới đã mở ra với hai chị em. |
Ngày đoàn tụ
Khoảng 6 giờ 30 phút sáng hôm sau, Halima đang cầm chiếc radio chạy bằng pin thì đài phát thanh thông báo một cô gái Chibok đã trốn thoát. "Hãy cho chúng tôi biết tên của bạn," một phóng viên hỏi. Một giọng nói quen thuộc trả lời: "Maryam Ali".
Halima đánh rơi chiếc radio. Cô cảm thấy hoài nghi, sốc, bối rối rồi thất vọng. "Làm sao chị gái tôi có thể trốn mà không nói cho tôi biết?", những suy nghĩ quay cuồng trong đầu cô.
Trong nhà tù ngoài trời của Halima, thức ăn đã bắt đầu cạn kiệt. Boko Haram cũng đang giao tranh đẫm máu với các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giữa những cuộc đụng độ, Halima phải di chuyển khắp nơi để tìm kiếm sự an toàn và lương thực. Một cuộc tập kích đã giết chết chiến binh đầu tiên mà cô bị buộc phải kết hôn. Kẻ thứ hai, một người cũng từng bị bắt cóc, đã cho cô ăn từ một kho bí mật gồm gạo, kê và đậu phộng, được hắn chôn kỹ. Vào năm 2020, gần một phần ba cuộc đời tuổi trẻ của Halima khi bị giam cầm, cô sinh ra con trai của hắn, Mohammad.
Nhưng ý định bỏ trốn vẫn thôi thúc. Sau nhiều lần đắn đo, mùa hè năm 2023, Halima quyết rời đi, nhưng do lạc đường, cô đành quay trở lại. Nhiều tháng trôi qua trước khi cô lấy hết can đảm để thoát thân lần nữa. Lần này, Halima biết đường. Và, may thay, sau nhiều năm, hàng ngũ của Boko Haram đã trở nên xộc xệch, chỉ còn lại rất ít trạm kiểm soát.
Một buổi chiều muộn, yếu ớt và mệt lả vì đói, cũng như những cơn sốt dai dẳng, cô cõng con trai lẻn ra ngoài, băng qua cánh đồng ngô. Trời đã tối mịt khi cô đến gần một vọng gác của quân chính phủ và cầu xin giúp đỡ. Những người lính đưa Halima đến bệnh viện. Trong ba tuần, các y tá đã điều trị cho cô đủ loại bệnh: thương hàn, sốt rét, loét dạ dày và đau mắt.
Maryam, ở trường đại học, không hề biết rằng em gái mình đã trốn thoát. Và cha của họ, phải mất nhiều tháng đắn đo, mới quyết định để hai con gái kết nối lại với nhau. Ông hiểu nỗi đau mà Halima đã chịu đựng khi cảm thấy bị chị gái bỏ rơi, nhưng cũng hy vọng rằng các con biết cách xóa bỏ những vết sẹo.
Khi hai chị em gặp nhau lần đầu, cả hai đều không thể nói gì trong 30 phút. Cho đến khi Halima mở lời trước: "Maryam, chúng mình đừng khóc nữa. Chị em mình nên cảm ơn Thánh Allah vì đều được tự do và còn sống".
Giờ đây, hằng ngày, Halima lên xe buýt từ khu nhà ở xã hội đến một trung tâm phục hồi chức năng. Cô học tiếng Anh trình độ sơ cấp vào buổi sáng, sau đó là lớp học may và đánh máy vào buổi chiều. Cô muốn đi học cùng chị gái và muốn họ gần gũi hơn, xoa dịu những vết thương. "10 năm là một thời gian dài. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu nhau lần nữa", Halima nói, với nụ cười nhẹ nhàng và an yên khi nhìn về phía Maryam...
(Theo The Telegraph, The Wall Street Journal, Reuters)