Cô gái nhỏ với hoài bão lớn

Thật khó tin, đến tận năm 2020, tại nước Mỹ - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới - vẫn có tới hàng chục triệu người không thể tiếp cận Trung tâm ứng cứu khẩn cấp 911. Từ những trải nghiệm kinh hoàng của chính gia đình mình, Gabriella Wong - một nữ start-up người Mỹ gốc Á - vẫn đang ngày ngày nỗ lực nhằm thay đổi tình trạng éo le đó, thông qua accesSOS – phần mềm ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin khẩn cấp đến 911 bằng điện thoại.
0:00 / 0:00
0:00
Gabriella Wong
Gabriella Wong

Biến cố kinh hoàng

Cuối năm 2023, hình ảnh cô gái nhỏ nhắn người Mỹ gốc Á Gabriella Wong, trong chiếc áo len vàng, tự tin thuyết trình về dự án phi lợi nhuận của bản thân tại trụ sở Liên hợp quốc (UN) gây sốt cộng đồng mạng. Khác với những đại biểu cùng tham gia ngày hôm ấy, Gabby (tên gọi ngắn của Gabriella) không đứng trên bục phát biểu. Cô tiến lại gần cử tọa, mở đầu phần diễn thuyết bằng hình ảnh của cả gia đình, cùng câu giới thiệu: "Đây là cả gia đình nhỏ của tôi. Bố mẹ tôi đều là người điếc. Tôi thành thạo ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ, bởi đó là cách duy nhất để tôi có thể giao tiếp với họ!".

Làm rõ hơn một chút, thành tựu giúp Wong có vinh dự được thuyết trình tại UN mang tên accesSOS - phần mềm ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin khẩn cấp đến 911 bằng điện thoại.

Nghe hơi thừa thãi, nhưng trên thực tế, tại Mỹ, theo số liệu được Stand Together công bố, có đến 65 triệu người Mỹ không thể tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, bởi các nguyên nhân như: Họ là người điếc, khiếm thính, khuyết tật về ngôn ngữ, hạn chế về ngôn ngữ, không thể nói thành thạo tiếng Anh… Trong khi đó, 911 lại không tiếp nhận tin nhắn văn bản.

Điều khiến Gabby nhận ra hạn chế này đến từ chính trải nghiệm kinh hoàng của cả gia đình. "Lần đầu, khi bố tôi gặp tai nạn ô-tô, ông đã nhắn tin cho tôi, nhờ gọi 911 cho ông. Ngay khi ông được điều trị trong bệnh viện, tôi đã tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy không thể liên lạc được với tôi hay bất cứ ai trong gia đình? Cơn ác mộng đó đã trở thành hiện thực với biến cố thứ hai. Hôm ấy, bố tôi ở nhà một mình, không may ông bị vỡ túi mật. Mà tôi lại đang bận công việc, không kịp nhìn thấy tin nhắn cầu cứu của ông. Thật may, ông được đưa đi cấp cứu kịp thời do có người thân khác hỗ trợ! Nhưng khoảnh khắc bác sĩ nói chỉ chậm một chút nữa thôi tôi đã không còn bố, thật sự khiến tôi phát hoảng. Tôi chắc chắn bản thân sẽ buộc phải làm một điều gì đó!".

Một hệ thống đồ sộ lỗi thời

Ngay sau đó, tận dụng nền tảng kiến thức của một thạc sĩ sức khỏe cộng đồng (Trường đại học Columbia), cô lao vào tìm hiểu cách vận hành của hệ thống Trung tâm ứng cứu khẩn cấp 911.

Ban đầu, Wong không quá hứng thú với việc khởi nghiệp như một doanh nhân. Cô bắt đầu bằng cách vận động xã hội, với mục tiêu thay đổi hệ thống 911 đã lỗi thời. Nhưng, Gabby cũng nhanh chóng nhận ra điều này gần như… bất khả thi.

Hệ thống Trung tâm ứng cứu khẩn cấp 911 được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, sử dụng điện thoại cố định gắn với địa chỉ công dân. Trong thời đại điện thoại thông minh ngày nay, hệ thống của 911 không được thiết kế để nhận tin nhắn. Sẽ cần một cuộc đại tu thiết bị tốn kém, cùng cả một quỹ thời gian khổng lồ để có thể cách tân cơ sở hạ tầng cho hệ thống lâu năm này.

Hiện thực ấy buộc Wong phải tìm hướng đi khác. Vận dụng một chút kiến thức kỹ thuật máy tính của bản thân, Gabby nảy ra ý tưởng biến văn bản thành giọng nói, để người yếm thế có thể kết nối tới 911. Nhanh chóng tìm được những người bạn đồng hành, năm 2019, start-up phi lợi nhuận accesSOS ra đời, với dịch vụ chính là cung cấp phần mềm ứng dụng loại bỏ các trở ngại của người yếm thế, khi tiếp cận hệ thống ứng cứu khẩn cấp.

Cách dùng của phần mềm này rất đơn giản, thân thiện với người dùng. Sau khi truy cập 911text.app hoặc mở phần mềm accesSOS trên điện thoại, chọn ngôn ngữ ưa thích, vị trí của người dùng ngay lập tức được định vị, lựa chọn loại trường hợp khẩn cấp (được thể hiện bằng hình ảnh, như tai nạn, bị tấn công, dịch vụ xã hội, vấn đề về hô hấp...). Sau đó, nền tảng sẽ chuyển đổi thông tin thành cuộc gọi tới 911. Hiện tại, ứng dụng này mới chỉ khả dụng ở thành phố Santa Fe, New Mexico (Mỹ) nhưng sẽ sớm lan rộng sang các thành phố khác trên toàn nước Mỹ.

Cô gái nhỏ với hoài bão lớn ảnh 1
Gabby luôn bé nhỏ bên cạnh người bố khiếm thính của cô.

Không chỉ là một ứng dụng

Bắt đầu với sứ mệnh giải quyết các vấn đề mà người khiếm thính gặp phải, càng phát triển, Gabby càng hiểu rằng accesSOS có thể làm nhiều hơn như vậy.

Thông qua tìm hiểu và lắng nghe phản hồi của người dùng, cô nhận thấy với các nạn nhân bị bạo lực gia đình, khó có thể lên tiếng trong tình huống bị tấn công, ứng dụng này cũng có thể phù hợp. Gabby cùng đội ngũ của mình mở rộng accesSOS, hỗ trợ người dùng kết nối với các dịch vụ thay thế, cho phép họ truy cập nhiều dịch vụ khẩn cấp khác nhau như chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhân viên xã hội và những người được đào tạo để trợ giúp, trong những trường hợp khẩn cấp không phù hợp với sở cứu hỏa hoặc cảnh sát. Không những vậy, acceSOS cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn dành cho cảnh sát, đội ngũ nhân viên hỗ trợ khẩn cấp cách tiếp cận, làm việc hiệu quả với người khuyết tật.

Ngoài việc tập trung vận hành accesSOS, Gabby cũng thường xuyên cập nhật các clip (bằng cả hai ngôn ngữ - tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu) chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng của người khuyết tật trên trang cá nhân. Hoặc, nếu bạn có hứng thú học ngôn ngữ ký hiệu Mỹ, bạn cũng có thể tìm đến trang TikTok accesSOS để bắt đầu tìm hiểu!

Trên con đường của mình, Gabby luôn tự động viên bản thân: "Tôi luôn có gia đình ở phía sau, có cả những người bạn đã tin tưởng chia sẻ khó khăn của họ với tôi. Những điều ấy khiến tôi không thể ngừng bước!"