Hành trình khám phá bản thân và thế giới qua những con chữ

"Viết lách là cách để tôi trả lời câu hỏi: Tôi là ai?". Lời chia sẻ ấy của ông Malcolm McNeil - nhà văn người Anh đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam - trong một buổi phỏng vấn gần đây, gợi lên không ít suy tư…
0:00 / 0:00
0:00
Malcolm McNeil (trái) chia sẻ về câu chuyện viết lách của bản thân
Malcolm McNeil (trái) chia sẻ về câu chuyện viết lách của bản thân

Ông Malcolm McNeil, hiện là giáo viên Anh ngữ tại Hội đồng Anh ở Hà Nội, vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết "The Beginning Woods" . Với ông, niềm đam mê viết lách đã nhen nhóm từ khi còn là một học sinh tiểu học. Những giờ học đầy ắp tiếng cười, khi cậu bé đọc những câu chuyện của mình trước cả lớp, đã âm thầm gieo mầm cho trái tim nghệ sĩ.

"Hồi đó, mọi người đều cười nghiêng ngả vì câu chuyện của tôi. Đó là một cảm giác tuyệt vời" - McNeil nhớ lại. "Rõ ràng, việc khiến mọi người giải trí theo cách đó thật thú vị".

Viết để quan sát và soi chiếu bản thân

Từ những câu chuyện ngây ngô thuở ấu thơ, Malcolm McNeil đã dệt nên một thế giới huyền bí và đầy mê hoặc trong tác phẩm giả tưởng đầu tay "The Beginning Woods" (Tạm dịch: Khu rừng khởi nguyên). Tác phẩm đưa người đọc vào hành trình phiêu lưu cùng Max, cậu bé 12 tuổi sở hữu năng lực đặc biệt, ở thế giới kỳ diệu của những sinh vật huyền bí, trong một khu rừng nguyên sinh. Câu chuyện nhận được sự ủng hộ từ đông đảo độc giả, bởi nó ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa về tình bạn, lòng dũng cảm và sức mạnh của niềm tin.

Tuy nhiên, McNeil không quá đề cao thành tựu đó. Với ông, “Việc viết lách chỉ đơn thuần là để cố gắng tìm ra bản thân mình là ai. Bạn có một vấn đề hoặc một ý tưởng, một mớ hỗn độn những câu hỏi bên trong, về những điều còn mù mờ và khiến bạn tự vấn. Có những mệnh đề bạn có thể trả lời hoặc Không, nhưng lại có những câu hỏi khiến bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra lời giải, vì chúng quá cao rộng. Và khi đó, bạn sẽ muốn viết một cuốn sách”. “Sáng tác là một quá trình cá nhân, là tấm gương phản chiếu nội tâm”, ông đúc kết.

Và do đó, với McNeil, viết lách không chỉ đơn thuần là sắp xếp ngôn từ thành câu chữ, mà phải là nỗ lực len lỏi vào những góc khuất sâu thẳm của tâm hồn, nơi cất giữ những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm đầy mầu sắc. Thông qua những dòng chữ, nhà văn soi chiếu vào chính mình, từng bước hé mở những bí ẩn nội tại, để từ đó thấu hiểu bản thân một cách trọn vẹn hơn.

“Một nhà văn nào đó khi được hỏi: "Cuốn sách của ông kể về điều gì?" đã trả lời: "Cuốn sách của tôi là về chính nó". Bạn biết đấy, cuốn sách của tôi là cách ngắn nhất để miêu tả chính nó” - McNeil chia sẻ.

"Ai cũng có thể viết"

“Viết lách” không chỉ là đặc quyền của những nhà văn chuyên nghiệp. McNeil khẳng định "Mọi người đều có thể viết", bởi lẽ đó là nhu cầu tự nhiên của con người, là cách để họ ghi chép lại những ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ hay những kỷ niệm đáng nhớ. Viết lách giúp con người kết nối với chính mình và với thế giới chung quanh, từ đó thấu hiểu và đồng cảm hơn với những người khác.

Tuy nhiên, để biến đam mê thành hiện thực, McNeil nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách. "Tôi nghĩ đối với các cây viết nói chung, bạn phải cố gắng tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đừng chỉ đọc một thứ, bạn phải đọc nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Nó sẽ làm phong phú hơn văn phong của bạn", ông chắt lọc. Đọc sách giúp bồi đắp vốn từ, trau dồi kỹ năng, và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Nhờ đọc sách, con người có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều cách nhìn nhận thế giới khác nhau, từ đó mở rộng hiểu biết và nuôi dưỡng tâm hồn.

McNeil cũng dành những lời khuyên quý giá cho những người mới bắt đầu: "Hãy viết thường xuyên!", bởi đó là kỹ năng cần được liên tục rèn luyện, giống như bất kỳ kỹ năng nào khác. Càng thực hành nhiều, bạn càng trau dồi được khả năng diễn đạt, khả năng tư duy cũng như khả năng sáng tạo. Không nhất thiết phải là sáng tác những tác phẩm cao siêu, mà đơn giản, chuyện viết lách có khi chỉ là “ghi lại những gì xảy ra trong cuộc sống”.

Bên cạnh đó, ông McNeil cũng khuyên các cây viết trẻ: Việc viết lách không nên bị gò bó bởi những quy tắc hay khuôn mẫu cứng nhắc. Điều quan trọng nhất là bạn dám viết, dám thể hiện bản thân mình một cách chân thực "Hãy chăm chỉ làm việc và thực hành thật nhiều. Chăm chỉ, xây dựng mối quan hệ, tìm những người mà bạn ngưỡng mộ. Tìm những người giỏi để noi theo, một người nào đó, một nhà báo có văn phong bạn yêu thích". Và “hãy để những dòng chữ tuôn chảy tự nhiên, truyền tải những cảm xúc và suy nghĩ của bạn”, ông gợi ý.

Những chia sẻ của Malcolm McNeil đã vẽ nên một bức tranh sinh động, về sức mạnh của việc viết lách. Đó không chỉ là một thú vui tao nhã, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới nội tâm phong phú, cũng như thế giới bên ngoài rộng lớn. Vậy thì, lúc nào chúng ta cũng có thể cầm bút lên và bắt đầu viết, để khám phá bản thân và chinh phục những điều kỳ diệu.