Những nguyên tắc không bao giờ thay đổi
Tháng 7/2001, vụ án lạm dụng trẻ em kéo dài nửa thế kỷ tại một nhà thờ ở Boston bị phanh phui, qua loạt điều tra của nhóm phóng viên Spotlight, đứng đầu là Martin Baron. Những sự thật lần đầu được các phóng viên dũng cảm của tờ The Boston Globe công bố khiến dư luận dậy sóng. Với tiếng nói không khoan nhượng ấy, cuối cùng, hàng trăm nạn nhân đã được cứu rỗi khỏi những tủi nhục trong quá khứ kinh hoàng.
Dù cuộc điều tra cũng gây ra không ít tổn thương, nhưng việc tôn trọng sự thật vẫn được Martin Baron đặt lên hàng đầu. "Cuộc điều tra này nhằm phơi bày sự lạm dụng có hệ thống, để nó không thể tiếp tục bị che giấu hoặc phớt lờ… Công việc của chúng tôi là khám phá sự thật và bảo đảm rằng công lý phải được thực thi, cho những người đã chịu đựng trong im lặng quá lâu" - Martin Baron khẳng định.
Tháng 1/2013, Martin Baron đến The Washington Post (gọi tắt là The Post), vào thời điểm tờ báo gặp khó khăn về tài chính, khiến gia đình Graham - những người chủ của The Post - phải quyết định chuyển nhượng lại tờ báo cho tỷ phú Jeff Bezos. Những nghi ngại dấy lên về giai đoạn chuyển giao và rất nhiều người lo lắng cho tương lai của tờ báo, cũng như nhiệm vụ nặng nề dành cho Baron trong vai trò Tổng biên tập.
Trước những xáo trộn và thách thức từ sự phát triển thần tốc của công nghệ số, với định hướng cắt giảm số lượng báo in để đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng trực tuyến, Martin Baron đã buộc phải có những sự cải tổ mạnh mẽ trong hệ thống và đội ngũ của tòa soạn. Nhiều phóng viên của The Post kể lại: Đôi khi, Tổng biên tập của họ phẫn nộ vì các phóng viên dưới quyền mình thường xuyên đăng tin "chớp nhoáng" lên mạng xã hội. Với ông, việc đưa tin dễ dãi có thể làm nhiễu loạn và suy yếu uy tín báo chí.
Martin Baron nhanh chóng thiết lập những nguyên tắc làm việc - những nguyên tắc mà sau đó trở thành kim chỉ nam cho các phóng viên tại The Washington Post, đồng thời thức tỉnh mạnh mẽ bất kỳ ai theo đuổi công việc báo chí: Đưa tin nhanh chóng, đầy đủ, nhưng luôn phải chính xác và tuyệt đối tôn trọng sự thật, dù ở bất cứ đâu, bất cứ nền tảng nào hay thời đại nào.
Martin Baron đã tạo ra một không khí báo chí nhanh nhạy và đầy quyết liệt tại The Washington Post, dựa trên lập trường cứng rắn và kiên định của mình. Sự hồi sinh của The Post dưới sự lãnh đạo của Martin Baron là câu chuyện thành công ấn tượng bậc nhất của ngành báo chí thế giới trong nhiều thập niên qua, ở giai đoạn chuyển giao đầy thử thách đối với báo chí truyền thống trong kỷ nguyên mạng xã hội.
Suốt sự nghiệp, Baron cùng ê-kíp không ngừng đi tiên phong, trong việc điều tra và phơi bày những vụ bê bối, vi phạm nhân quyền hay lạm dụng quyền lực, góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng và thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Sự nỗ lực không mệt mỏi của những nhà báo can đảm ấy đã mang lại công lý cho nhiều nạn nhân, vạch trần sự thật và chứng minh sức mạnh to lớn của báo chí trong hành trình đấu tranh vì lẽ phải.
"Dù công nghệ có thay đổi thế nào đi nữa, nguyên tắc cơ bản của báo chí vẫn không đổi. Đó là sự trung thực, chính trực và trách nhiệm. Chúng ta có trách nhiệm theo đuổi sự thật, bất kể nó dẫn chúng ta đến đâu. Và chúng ta phải làm điều đó với sự công chính cũng như lòng can đảm" - Martin Baron phát biểu, khi nhận Giải thưởng Thành tựu trọn đời từ Hiệp hội Tin tức Trực tuyến (ONA) vào năm 2016.
Martin Baron (trái) và tỷ phú Jeff Bezos. |
"Chúng tôi không chiến đấu, chúng tôi đang làm việc!"
Martin Baron sinh năm 1954, ở bang Florida, trong một gia đình nhập cư từ Israel. Ông tốt nghiệp Đại học Lehigh ở bang Pennsylvania năm 1976, lấy bằng cử nhân báo chí loại xuất sắc, với tư duy được thể hiện vô cùng sắc sảo.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Baron trở thành biên tập viên tại tờ The Miami Herald, rồi lần lượt chuyển tới các tòa soạn The Los Angeles Times, The New York Times, The Boston Globe, rồi đến The Washington Post. Ông cũng chỉ mới tuyên bố nghỉ hưu vào tháng 1/2021, với thành tựu là 18 giải Pulitzer trong sự nghiệp.
Với Baron, sứ mệnh của báo chí là tạo nên những thay đổi trong xã hội. Người biên tập viên huyền thoại ấy gần như dành cả sự nghiệp của mình để không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi sự minh bạch và tự do trong báo chí, bất chấp niềm tin cá nhân hay áp lực bên ngoài. Ông cũng luôn từ chối việc được nhìn nhận trong dáng dấp một người hùng nào đó. Với ông, đó đơn giản là những gì mà các nhà báo nên làm.
Năm 2014, trong bài phát biểu của mình trước các sinh viên của Đại học Lehigh, Baron chia sẻ ba sự kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình: Việc phơi bày sự thật trong tỷ lệ phiếu bầu tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 khi ông làm tại The Miami Herald, cuộc điều tra về lạm dụng tình dục của các linh mục mà The Boston Globe thực hiện, và việc The Washington Post đưa tin về chương trình giám sát của NSA… Đó là những lần mà ông buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những nguyên tắc và giá trị tối thượng, bất chấp tất cả. Tuy nhiên, Baron nhấn mạnh: "Chúng tôi không chiến đấu, chúng tôi đang làm việc!", để khẳng định rằng báo chí không có ý định đối đầu với bất kỳ điều gì, mà chỉ thuần túy tìm kiếm và thông tin về sự thật, với ý thức mạnh mẽ về đạo đức và trách nhiệm.
Ở một khía cạnh khác, có lẽ đó cũng là một lời nhắc nhở thầm kín: Báo chí không phải, cũng không nên là một công cụ, mà cần được tôn trọng với đầy đủ phẩm giá, cũng như các tín điều về danh dự.