Một "tượng đài" nhảy múa trên TikTok

Ở tuổi 87, Anthony Hopkins vẫn đang tham gia hai dự án điện ảnh đồ sộ. Ông còn lồng tiếng phim, viết nhạc, vẽ tranh, rong chơi trên mạng xã hội… Ba năm trước, ông giành giải Oscar lần thứ hai trong đời, với vai diễn người cha mắc bệnh Alzheimer trong bộ phim “The Father”. “Thật dễ dàng! Tôi không phải diễn, không cần phải tỏ ra già nua. Tôi già rồi mà!”. "Ông ấy nói về vai diễn gây sững sờ cho cả thế giới, với một nụ cười toe toét" - tờ The New York Times thuật lại.
0:00 / 0:00
0:00
Anthony Hopkins, "để cho vui", có thể hóa thân thành bất cứ nhân vật nào.
Anthony Hopkins, "để cho vui", có thể hóa thân thành bất cứ nhân vật nào.

Trở thành bất kỳ ai

Trước khi trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng nhất mọi thời đại, Anthony Hopkins có tuổi thơ gần như bị coi là... tự kỷ. Cậu bé nhà Hopkins rất ít giao lưu với những người chung quanh, hầu như chỉ sống khép kín trong tâm trí riêng, hoặc chăm chú vẽ tranh, đánh đàn… Ở trường, cậu bé có mái tóc xám bạc và khuôn mặt nhợt nhạt ấy học hành làng nhàng, mắc chứng khó đọc, hay ốm yếu và luôn ngượng ngùng.

Ông thú nhận, khi còn nhỏ, mình chưa bao giờ mơ đến việc trở thành một diễn viên. Nhưng rồi, những dự cảm điện ảnh chợt lóe lên, với suy nghĩ cần một lối thoát để thoát khỏi thực tại chán nản, “Ước mơ của tôi khi đó là trở thành bất cứ ai ngoại trừ chính tôi”- ông hồi tưởng.

Đến năm 15 tuổi, cảm hứng nghệ thuật thật sự được thổi bùng, khi Anthony Hopkins gặp Richard Burton (một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Hollywood thời bấy giờ). Những vai diễn đầu tiên khiến chàng trai xứ Wales nhận ra diễn xuất chính là bản ngã, là lựa chọn tốt nhất dành cho cuộc đời buồn bã của mình. Năm 1965, Anthony chính thức được mời tham gia vào Nhà hát Hoàng gia Anh trong vở diễn “Confessions of an Actor”, và có nhiều vai diễn được đánh giá cao sau đó.

Tuy nhiên, sân khấu không giữ chân được Hopkins quá lâu. Sự gò bó và khắt khe của giới kịch nghệ Anh quốc khiến một người ưa tự do như ông cảm thấy “bồn chồn và bất mãn” - ông thú nhận. “Tôi không muốn bị hạn chế bởi những điều “phải làm”. Làm việc với điện ảnh dễ dàng hơn. Bạn bước ra ngoài dưới ánh nắng thay vì bị nhốt trong rạp hát tối tăm. Tôi không chấp nhận đau khổ vì nghệ thuật”.

Và thế là ông đến Mỹ, năm 1974. Anthony Hopkins quyết định định cư tại Los Angeles, để sống với giấc mơ điện ảnh tại "kinh đô" Hollywood. Đôi khi, Hopkins thú nhận, ngoài diễn xuất, ông không giỏi thể hiện mình bằng bất cứ cách nào khác. May mắn thay, con đường mà Hopkins chọn nhằm thể hiện bản thân đã mang đến cho điện ảnh một huyền thoại đích thực.

Diễn viên sinh năm 1936 lần lượt khẳng định năng lực qua những vai diễn trở thành kinh điển của điện ảnh, ở đa dạng thể loại, từ tiến sĩ ăn thịt người Hannibal trong “The silent of the Lambs”, qua người quản gia lịch lãm trong “The Remains of the Day” tới vị thần quyền năng Odin trong “Thor”, từ Tổng thống Mỹ Nixon đến danh họa Picasso hay đạo diễn quái kiệt Alfred Hitchcock… tài năng điện ảnh đã thật sự hiện thực hóa ước mơ thời thơ ấu, biến ông thành bất cứ ai ông muốn.

Một "tượng đài" nhảy múa trên TikTok ảnh 1
Kênh TikTok của Anthony Hopkins nhanh chóng thu hút hàng triệu người đăng ký theo dõi.

“Mọi người nói gì và nghĩ gì về tôi? Không phải việc của tôi!”

Thời gian gần đây, sự xuất hiện Anthony Hopkins, ở tuổi 87, trên nền tảng TikTok khiến người yêu điện ảnh cũng như cộng đồng mạng vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Huyền thoại màn bạc ấy thoải mái đăng tải các video ngắn với những điệu nhảy vô cùng vui nhộn và tự nhiên. Đôi khi ông chơi đàn, vẽ tranh, hoặc “lên đồ” đi nhận giải, thậm chí tấu hài trong bộ đồ tuềnh toàng ở gian bếp…

Dường như chẳng có giới hạn hay định kiến nào, với nam diễn viên nay đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Đối với Hopkins, cách tốt nhất để sống là sống và làm việc một cách tự nhiên, thuận theo số phận, và cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp. “Cứ làm đi, ngừng việc phân tích lại, hãy cứ bắt tay vào thực hiện thôi. Tận hưởng mọi thứ. Bạn có thể làm được, cũng có thể không. Nếu không thể thì cũng không quan trọng gì. Đến cuối đời, cũng đâu còn ai quan tâm nữa!” - Hopkins dí dỏm nói, và nheo nheo đôi mắt tinh quái.

Cuối năm vừa qua, ông vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với hai dự án phim đồ sộ, là vai diễn Nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud trong “Freud's Last Session”, và vai người anh hùng giải cứu 700 đứa trẻ khỏi tay Đức Quốc xã trong bộ phim “One Life”. Anthony Hopkins không bám víu vào hào quang hay cố gắng trốn tránh tuổi già. Đơn giản là ông làm những điều mình thích, và khiến mình vui.

Trong cuộc sống hằng ngày hay trong diễn xuất, ông cũng luôn sống thật giản đơn và thuận theo cảm xúc, theo số phận. Thí dụ, cho dù toàn thể giới điện ảnh đều nhắc về Anthony Hopkins như là bậc thầy của lối diễn “method acting” (lối diễn nhập vai khiến diễn viên như hòa làm một với nhân vật), thì ngược lại, ông khẳng định rằng bản thân không theo đuổi lối diễn nghe có vẻ cầu kỳ, phức tạp đó. Ông luôn khuyên các diễn viên trẻ hãy diễn một cách đơn giản, thoải mái, hiểu rõ lời thoại của mình, để hướng đến việc “diễn như không diễn”. Với ông, đó mới là đỉnh cao của diễn xuất.

Và, cho dù được coi, được xem như một trong những diễn viên xuất sắc nhất mọi thời đại, Anthony Hopkins gần như “phớt lờ” mọi sự đánh giá, khen chê của giới truyền thông hay xã hội. “Mọi người nói gì và nghĩ gì về tôi không phải việc của tôi. Tôi là chính tôi, và tôi làm những gì tôi làm!” là câu nói truyền cảm hứng nổi tiếng nhất của Hopkins, đặc biệt đang được “viral” mạnh mẽ trên mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay.

Đôi khi, ông vẫn hài hước nhắc lại câu thoại nổi tiếng mà Hannibal Lecter đã nói với nhân vật Clarice (vai diễn của Jodie Forster) để nói về những sự lựa chọn trong cuộc đời mình: “Tôi làm điều đó chỉ để cho vui. Tôi rất dễ tính!”. Và thực tế, Anthony đã mang đến những điều khiến cả thế giới điện ảnh sửng sốt, bằng sự giản đơn và phong thái tự nhiên đầy tính triết học của mình.