Bắt đầu từ sự nhàm chán
Sinh năm 1976, Andrew Ng (quốc tịch Anh-Mỹ, gốc Á) là giáo sư, giảng viên ngành Khoa học máy tính tại chính ngôi trường ông theo học suốt 12 năm - Đại học Stanford, đồng sáng lập Coursera - công ty công nghệ giáo dục, chuyên cung cấp các khóa học về AI trực tuyến và Google Brain - dự án nghiên cứu deep learning của Google.
Tại sao deep learning lại đủ quan trọng để Google “rót” một khoản kinh phí và dữ liệu khổng lồ cho dự án này của Andrew Ng? Hiểu ngắn gọn, deep learning là học sâu, một phương pháp học máy (machine learning) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Deep learning tạo ra cuộc cách mạng giải quyết nhiều vấn đề của AI như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói… Một trong những thành tựu quan trọng nhất là khả năng tự học các đặc trưng từ dữ liệu thô, mà người sử dụng không cần phải xây dựng mô hình một cách thủ công. Điều này rõ ràng giúp giảm sức lao động thô và sự phụ thuộc vào kiến thức chuyên gia.
Khi nhận cơ hội này từ Google, Andrew chưa đầy 40 tuổi. Tuy vậy, bên cạnh các thành tựu trong sự nghiệp, sức hút của ông còn lan tỏa từ chính những chi tiết đời thường. Trong cuộc sống, Andrew luôn được sinh viên, đồng nghiệp gắn tag “thân thiện”, “vui vẻ”, “điềm đạm”… vì ông hầu như không bao giờ nổi giận, dù bạn có đặt câu hỏi ngớ ngẩn đến mức độ nào. “Đặc điểm nhận dạng” còn là chuyện ông luôn xuất hiện trong chiếc áo sơ-mi mầu xanh dương. Phần lớn ảnh của Andrew trên internet đều gắn với mầu áo ấy.
Tuy đã đi dạy nhiều năm, thi thoảng cũng trả lời một vài buổi phỏng vấn hiếm hoi, nhưng Andrew vẫn luôn ngượng ngùng khi mọi người hỏi đến đời tư. Song, ông cũng vẫn luôn hãnh diện một cách bẽn lẽn, để khoe về bộ ảnh cưới của ông với người vợ Carol Reily, một nhà nghiên cứu robot.
Đã quen với phong cách sống low-key của vị giáo sư, cộng đồng mạng “thuộc lòng” lần duy nhất ông chia sẻ về tuổi thơ của mình: “Tôi bắt đầu viết code từ năm sáu tuổi, bằng chiếc máy tính cà tàng bố mẹ sắm cho. Khi còn làm trợ lý cho văn phòng trường, tôi nhớ mình đã phải photocopy rất nhiều tài liệu. Tôi ước có thể tạo ra thứ gì đó tự động hóa tất cả những công việc này, để mình có thời gian làm những việc ý nghĩa hơn. Từ đó, ý tưởng về theo đuổi AI và tự động hóa trong tôi được nung nấu!”.
Giấc mơ ấy ngày ngày được bồi đắp bởi môi trường gia đình thấm đẫm hơi thở công nghệ và nghiên cứu khoa học, khi cha của Andrew là bác sĩ nhưng cũng ấp ủ hoài bão đưa AI vào công tác chẩn đoán bệnh.
Cho đến những ngày bắt đầu được đứng lớp tại Đại học Stanford, ông lại một lần nữa “ngán ngẩm” với những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày. Đó là “những bài giảng giống nhau từ năm này qua năm khác, trong cùng một căn phòng, thậm chí còn kể lại những câu chuyện cười y hệt!”. Đó cũng là động lực thôi thúc ông xây dựng Coursera, nền tảng học trực tuyến đại chúng… lớn nhất thế giới.
Andrew Ng là idol của khá nhiều sinh viên công nghệ. |
“Bình dân hóa”… AI
Tháng 8/2011, để giải quyết vấn đề phải lặp lại các bài giảng giống nhau, Andrew Ng đăng video dạy học máy miễn phí lên YouTube. Chỉ trong thời gian ngắn, tài khoản nhanh chóng thu hút hơn 100.000 người đăng ký. Năm 2012, Andrew chuyên nghiệp hóa và hệ thống hóa những bài giảng đó trên nền tảng của riêng mình - Coursera, và hoàn toàn miễn phí.
Với sức lan tỏa mạnh mẽ của nền tảng này, chỉ cần thu mỗi học viên 5 USD, Andrew Ng cũng có thể dễ dàng trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, ông hiểu: “Đối với tôi hay nhiều người, 5 USD chỉ bằng một ly cà-phê. Nhưng với trẻ em nghèo ở Ấn Độ, hay châu Phi, con số này vẫn nằm ngoài khả năng họ có thể chi trả. Lập nên một hàng rào ngăn họ truy cập những khóa học trực tuyến (vốn đã khá khó để tiếp cận) chắc chắn sẽ là một thảm họa. Ngược lại, AI được trao đến tay càng nhiều người, nó sẽ càng phát triển!”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Andrew còn kiên định triết lý: “Cách duy nhất để phát triển AI là trao quyền sử dụng nó cho mỗi cá nhân trên thế giới, như một công cụ. Làm sao để đưa gia sư cá nhân hóa vào balo của mỗi đứa trẻ? Làm sao để mọi người nhận được dịch vụ y tế tùy chỉnh? Làm sao để chúng ta bảo đảm mỗi người đều có thể nhận được những lời khuyên pháp lý hữu ích? Điều đó chỉ có thể trở nên dễ dàng khi bình dân hóa AI!”.
Hiện, Andrew Ng hiện thực hóa giấc mơ ấy bằng hàng loạt các quỹ đầu tư, tài trợ các dự án khởi nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích không thể bàn cãi mà AI mang lại, nỗi lo “con người có thể bị thay thế bởi AI” cũng vẫn thường trực. Andrew Ng thường xuyên giữ liên lạc với những nhà hoạch định chính sách, khuyến nghị để họ chuẩn bị cho những hệ quả về kinh tế-xã hội. Đồng thời, ông cũng không quên nhắc nhở sinh viên (trực tiếp và cả trực tuyến) về các thói quen tốt nhằm rèn luyện bản thân, hay về các giới hạn của AI.
“Tôi ước rằng xã hội hiện tại có thể đưa ra những lời khuyên nghề nghiệp tốt hơn cho các bạn trẻ! Khi muốn làm bất cứ việc gì, tôi luôn dựa vào hai tiêu chí: Thứ nhất, đó có phải là một cơ hội để học hỏi không? Thứ hai là các tác động tiềm ẩn như thế nào? Thế giới này có vô số những điều thú vị, nên hãy tìm kiếm cả những động lực sâu phía trong! Tôi tin rằng những người trẻ tối ưu hóa được hai điều này chắc chắn sẽ thành công mà chẳng lo bị ai thay thế!” - Sau cùng, Andrew vẫn đầy tin tưởng.