Những “cánh cửa” mở ra hy vọng

Guatemala, quốc gia có hơn 18 triệu dân, đã mở tiệc ăn mừng khi Adriana Ruano Oliva (ảnh bên) lập kỷ lục tại trường bắn Chateauroux (Paris, Pháp). Đó là tấm huy chương đầu tiên của một phụ nữ Guatemala và là huy chương vàng đầu tiên của đất nước. Kết quả bất ngờ của Ruano được kỳ vọng sẽ thắp sáng vô vàn giấc mơ Olympic tại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Adriana Ruano thể hiện sự quyết tâm khi thi đấu.
Adriana Ruano thể hiện sự quyết tâm khi thi đấu.

Tính đến năm 2024, đất nước Trung Mỹ đã tham gia 14 kỳ Thế vận hội nhưng chưa gương mặt nào đủ khả năng mang về huy chương vàng.

Ngã rẽ bất ngờ

“Khi tôi được thông báo về chấn thương và buộc phải đưa ra quyết định giải nghệ, đầu óc tôi trở nên trống rỗng. Tôi không còn gì cả. Cuộc sống nhanh chóng trở thành chuỗi ngày tuyệt vọng và bản thân tôi cũng chẳng muốn nghĩ tới bất kỳ điều gì”, Adriana Ruano nhớ lại khoảng thời gian đen tối năm 2011.

Ở tuổi 16, Ruano bất ngờ gặp sự cố khi đang chuẩn bị tham dự Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới - sân chơi mang tính quyết định để giành vé chính thức đến Olympic London 2012. Cơn đau ngày càng nặng buộc cô phải dừng toàn bộ kế hoạch tập luyện.

Các bác sĩ kết luận cô gái trẻ bị tổn thương sáu đốt sống lưng, mòn đĩa đệm và sẽ phải đeo nẹp cố định cơ thể trong thời gian dài mới hy vọng hồi phục sức khỏe. Trong phút chốc, sự nghiệp thể dục dụng cụ đầy triển vọng nhanh chóng sụp đổ.

Từ cô gái vui vẻ luyện tập tám giờ mỗi ngày, Ruano trở nên buồn bã và cáu kỉnh trong suốt quá trình dưỡng thương. Mọi chuyện trở nên bế tắc đến nỗi gia đình cô phải cầu cứu các bác sĩ để tìm kiếm lối thoát cho con gái.

Sau khi xem xét các liệu pháp điều trị bằng thể thao, Ruano đã tiếp nhận lời khuyên để thử sức ở bộ môn bắn súng. Chí ít, đây cũng là thứ khiến đầu óc cô được giải thoát khỏi những suy nghĩ chán nản và thất vọng.

Càng nỗ lực để quên đi quá khứ, Ruano càng khao khát được một lần hít thở bầu không khí cuồng nhiệt của Thế vận hội. Song, vận động viên Guatemala giờ không có cách nào cạnh tranh cho suất dự Olympic. Cô cũng chẳng có đủ tiền để chi trả cho toàn bộ chuyến đi.

“Nếu không thể đến Thế vận hội với tấm vé thi đấu chính thức, tại sao mình không nộp đơn ứng tuyển với tư cách tình nguyện viên? May mắn thay, Ban tổ chức Olympic Rio 2016 đã sắp xếp tôi làm nhiệm vụ ở môn bắn súng. Chứng kiến các xạ thủ thi đấu và rồi tỏa sáng để giành lấy huy chương, tôi như được tiếp thêm năng lượng. Biết đâu, nếu không phải thể dục dụng cụ, tôi vẫn đủ khả năng để cống hiến ở bộ môn bắn súng?”, Adriana Ruano nhớ lại bước ngoặt khiến cuộc đời cô thay đổi mãi mãi.

Những “cánh cửa” mở ra hy vọng ảnh 1

Adriana Ruano (giữa) giành Huy chương vàng Olympic Paris 2024.

Vinh quang sau những khổ đau

Tại kỳ Olympic Paris 2024, Adriana Ruano bắn trúng 45 trong tổng số 50 lần. Tới điểm số thứ 43, cô chắc chắn giành huy chương vàng Thế vận hội. Xạ thủ Guatemala đã bắn những phát súng còn lại trong nước mắt và phá kỷ lục Olympic do vận động viên người Slovakia Zuzana ghi được ở Tokyo.

Huy chương vàng đánh dấu sự trở lại một cách ngoạn mục của Ruano tại Thế vận hội. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu cô tham dự đấu trường này.

Trở về từ Brazil, cô gái Guatemala đã lựa chọn nội dung bắn đĩa và nỗ lực tập luyện dù phải mang nẹp cố định cơ thể. Bất chấp những khó khăn trong nước như tình trạng xuống cấp của trường bắn, vấn đề thiếu thốn đạn dược hay trang thiết bị, Ruano vẫn quyết tâm không ngừng.

Khi dịch Covid-19 ập đến, Ruano duy trì việc tập bắn bằng cách tự dán băng dính mầu lên tường nhà. Cô cũng quay lại video các chuyển động của mình rồi gửi cho huấn luyện viên để nhận những phản hồi về động tác kỹ thuật.

Adriana Ruano đã miệt mài tập luyện trong gần 5 năm và giành được tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo. Thế nhưng, chỉ ba tuần trước ngày tham dự Thế vận hội, cha của cô qua đời. Nỗi đau quá lớn khiến Ruano thi đấu không như ý. Cô dừng bước ở vị trí thấp nhất trong số 26 vận động viên tranh tài.

“Đó thật sự là thời điểm khó khăn. Tôi xếp cuối ở Tokyo và không thể tri ân cha mình. Quãng thời gian sau đó là hai năm bết bát về thành tích thi đấu. Tôi đã làm việc rất nhiều với chuyên gia tâm lý và tự nhủ rằng đã đến lúc phải cải thiện vấn đề này”, Ruano chia sẻ.

Sau kỳ Thế vận hội đầu tiên đầy khắc nghiệt, Ruano một lần nữa xốc lại tinh thần và nỗ lực khổ luyện để vực dậy sự nghiệp của mình. Trước khi đến Paris, cô đã vô địch tại Đại hội Thể thao châu Mỹ và giành huy chương bạc World Cup.

Từ vị trí thấp nhất bảng xếp hạng ở Tokyo, Adriana Ruano đã lên ngôi vô địch tại Paris và thậm chí phá kỷ lục Olympic. Lần đầu trong lịch sử, Quốc ca Guatemala vang lên ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

“Cuối cùng, tôi có thể dành tặng tấm huy chương vàng để tri ân cha. Thể thao đã mang đến cho tôi cuộc sống, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi niềm hạnh phúc ấy”, Adriana Ruano phát biểu sau chiến thắng lịch sử.

Nguồn cảm hứng bất tận

Tổng thống Guatemala Bernardo Arévalo phát biểu rằng lịch sử Olympic của Guatemala được viết bằng những chữ vàng nhờ công của Adriana Ruano.

Quốc gia Trung Mỹ chỉ có một trường bắn duy nhất chưa được chuẩn hóa, thường xuyên thiếu thốn đạn dược và trang thiết bị tập luyện. Với đội tuyển quốc gia Guatemala, đây được xem như rào cản chính, trong khi việc tập huấn ở các nước châu Âu lại đòi hỏi quá nhiều chi phí.

“Hy vọng thành tích này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của các xạ thủ trẻ. Dù chúng ta là một quốc gia nhỏ bé, không điều gì có thể ngăn cản mỗi người chiến đấu để giành lấy vinh quang. Tôi và các vận động viên Guatemala sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ, vì những trở ngại vẫn luôn ở đó chờ chúng ta chinh phục”, Adriana Ruano nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của một vận động viên thể dục dụng cụ từ nhỏ, Ruano đã nhanh chóng thích nghi, vượt qua mọi khó khăn để trở thành trụ cột của Đội tuyển bắn súng Guatemala. Khát khao cống hiến trọn đời với thể thao và tinh thần bất khuất của cô không chỉ là tấm gương với các thế hệ xạ thủ nước này, mà còn trở thành hình mẫu dành cho các vận động viên trên khắp thế giới.

Trong giai đoạn theo đuổi bộ môn bắn súng, Adriana Ruano còn tận dụng thời gian rảnh để lấy bằng thạc sĩ về dinh dưỡng thể thao. Cô cũng mở một phòng khám để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình nhằm giúp đỡ những vận động viên gặp khó khăn do gặp chấn thương nặng.

Adriana Ruano khẳng định: Khi gặp chấn thương và buộc phải đưa ra quyết định giải nghệ, tôi đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng trong thời gian dài. Sau đó, thể thao đã mở ra một “cánh cửa” khác cho tôi, khiến cuộc đời tôi thay đổi mãi mãi.