Ý tưởng từ một... tựa game
Mọi chuyện bắt đầu trong một lần Namya được mẹ của mình - bà Monica cho phép mượn máy tính. Cô bé tình cờ bị thu hút bởi trò chơi điện tử Minecraft:EE (education edition: phiên bản giáo dục). Đây là trò chơi mở nhằm phát huy sự sáng tạo, khả năng hợp tác và giải quyết vấn đề trong một môi trường nhập vai. Ở đó, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn. Và Namya tìm thấy trong trò chơi ấy cơ hội để trực quan hóa những bài giảng khô khan trong sách giáo khoa.
“Tôi thấy Minecraft được cài đặt trên máy tính và đã xin mẹ cho phép mình “mày mò”. Sau khi làm quen những điểm cơ bản, tôi chợt nghĩ: Tại sao chúng ta không sử dụng trò chơi này để tạo ra những bài học hấp dẫn hơn, một thứ mới mẻ khiến học sinh yêu thích?”, Namya chia sẻ.
Từ nhỏ, Namya Joshi đã nhận ra những người bạn học của mình khó tập trung và rất dễ bị phân tâm trong lớp. Mọi người vẫn đọc sách, vẫn ghi chép đều đặn, nhưng tất cả cũng sẽ hoàn toàn có thể bị lãng quên ngay tức thì, khi tiếng chuông hết giờ vang lên.
Nhìn con gái chơi game, bà Monica, vốn là một chuyên gia công nghệ thông tin trong trường, đã yêu cầu cô bé thử tạo ra những hình ảnh minh họa về các bài học sắp tới trong thế giới Minecraft. Những gì Namya thể hiện hết sức thuyết phục. Bà Monica nhận ra: Tâm trí con người được thiết kế theo cách khiến nó dễ dàng bị thu hút bởi các trò chơi. Vì vậy, ứng dụng Minecraft vào giáo dục có thể giúp học sinh dễ dàng phân biệt, nắm bắt và hiểu các khái niệm.
Những phiên bản “giáo án” đầy sáng tạo
“Một trong những nhiệm vụ chính của bất kỳ trường học nào là chuẩn bị cho tương lai của trẻ em. Ludhiana là thành phố nhỏ ở Bang Punjab (Ấn Độ). Không phải đứa trẻ nào cũng có cơ hội đi du lịch đến khắp nơi hay tận mắt khám phá thế giới. Do đó, chúng tôi mong muốn tận dụng công nghệ để mang cả thế giới đến với các em”, Hiệu trưởng Trường Sat Paul Mittal, ông Bhupinder Gogia, thổ lộ.
Minecraft hỗ trợ tập trung vào phát triển các kỹ năng: tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề. Trên phiên bản giáo dục, giáo viên sẽ giám sát được từng thành viên trong lớp, cũng như thiết lập các tính năng giúp học sinh tập trung vào bài học hơn.
Thí dụ, các công thức tính diện tích và thể tích trong môn toán sẽ tận dụng đồ họa gồm các khối vuông đặc trưng của Minecraft. Học sinh có thể tự xây các khối, tự đong đếm diện tích, thay vì việc theo dõi giáo viên viết công thức tính toán thô lên bảng đen.
Với môn sinh học, Namya hướng đến xây dựng một công trình mô hình của mắt, với đầy đủ các thành phần thủy tinh thể, dịch thủy tinh, dây thần kinh thị giác… Với hóa học, Namya và các bạn có thể khám phá chuỗi ADN, kết hợp các nguyên tố thành các hợp chất hữu ích, cũng như thực hiện các thí nghiệm cực kỳ thú vị (thay vì phải đầu tư phòng thí nghiệm đắt tiền ngoài đời thực). Và để nói về thử thách ấn tượng nhất, Namya cùng giáo viên lịch sử của mình dựng thủ công, rồi tạo hình cho bài giảng Nền văn minh Ai Cập.
“Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm với một số lớp và thực hiện giảng dạy những tiết học toán thông qua Minecraft. Kết quả thật tuyệt vời. Thêm nhiều học sinh hào hứng tự kiến tạo và chuẩn bị “giáo trình” cho mình, để học tập. Và chúng tôi đã xin được giấy phép giảng dạy theo phương thức ứng dụng Minecraft”, thầy hiệu trưởng Bhupinder Gogia phấn khích bày tỏ.
Mục tiêu lớn của tuổi 17
Với sự khuyến khích của thầy hiệu trưởng, hai mẹ con Namya đã tạo nên nhiều bài học trong Minecraft. Nhận thấy tính hữu dụng của trò chơi này, các học sinh và giáo viên khác trong trường cũng bắt đầu tham gia. Cuối cùng, Namya được mời đến từng lớp, chia sẻ về cách để tạo nên những bài học thú vị và dễ hiểu.
Không chỉ vậy, bà Monica còn giới thiệu mô hình đó tới một số đơn vị giáo dục khác trong nước. Những lời đề nghị đào tạo giáo viên trong nước và quốc tế ồ ạt đổ tới. Tính đến thời điểm này, cô bé học sinh Namya đã đào tạo hơn 100 giáo viên trường Sat Paul Mittal, và hàng trăm người khác trên khắp thế giới, thông qua Microsoft Teams.
“Tôi không coi Minecraft chỉ là một trò chơi đơn thuần, mà đây chính là công cụ hữu hiệu phục vụ mục đích giáo dục. Nếu các em không thích đọc sách, bạn có thể hướng chúng xây dựng thế giới yêu thích để rồi tìm kiếm đam mê đích thực cho bản thân mình”, Namya nhận định.
Namya dành 30 phút mỗi ngày để tạo các bài học trong Minecraft. Cô bé rất vui khi được chia sẻ kiến thức của mình và càng đồng cảm với nỗ lực của các thầy, cô giáo. “Giờ tôi mới hiểu được những gì giáo viên phải trải qua, cách họ kiên nhẫn giải thích một khái niệm hàng trăm lần mà không hề phàn nàn. Đó cũng là một trải nghiệm đáng học hỏi”.
Là cá nhân ủng hộ sáng kiến Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, Namya thường xuyên liên lạc với các nhà giáo dục và học sinh nhằm chung tay xây dựng nền giáo dục chất lượng cao. Namya cũng tới thăm và là diễn giả tại hội thảo, các lớp học tương tác tại Phần Lan, Nga, Hungary hay Việt Nam... Trong những năm qua, Namya đã thiết kế và tổ chức các hội thảo lập trình miễn phí cho hơn 15.000 người, bao gồm hơn 5.000 giáo viên và hàng nghìn học sinh, đặc biệt tập trung vào phái nữ.
Cô hiện là Đại sứ Học sinh về Minecraft của Microsoft, và đã góp mặt ở rất nhiều sự kiện với tư cách là một diễn giả. Namya còn được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Các nhà đổi mới trẻ ở New Delhi, nơi cô có cơ hội gặp gỡ Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella.
“Tôi tin vào ý tưởng: Nếu một người có thể dạy 10 người và họ lần lượt dạy lại cho những người khác thì đó sẽ trở thành một chuỗi lan tỏa không dứt. Với phương châm này, tôi đã hỗ trợ các giáo viên và học sinh ở Ấn Độ và trên toàn cầu hiểu rõ hơn về sức mạnh của Minecraft, makecode, Python và các công cụ công nghệ thông tin khác bằng cách sử dụng Skype, Teams, Zoom hoặc Google Meet”, Namya chia sẻ.
Bước sang tuổi 17, Namya Joshi hướng tới mục tiêu đại diện Ấn Độ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, để thảo luận các vấn đề xã hội như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Và nền móng kiến thức mà cô bé tích lũy, thật ra, cũng bắt đầu từ những viên gạch nhỏ trong game...
Namya cùng cô giáo môn lịch sử của mình “soạn giáo án” bằng game. |